Truy cập hiện tại

Đang có 322 khách và không thành viên đang online

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư một số tác động và sự tiếp cận

(TGAG)- Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Khi trao đổi tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin (ICT Summit) 2017 với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 6/9/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, bây giờ là lúc phải hành động, phải “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Với kết quả khảo sát của Ban Tổ chức ICT Summit 2017 từ 275 cơ quan, đơn vị tham dự cho thấy: 35,2% đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội. Hiện nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này, hàng tỷ người có thể được kết nối thông qua các thiết bị di động có khả năng xử lý, dung lượng lưu trữ chưa từng có trước đây và khả năng tiếp cận với tri thức là không có giới hạn. Khả năng kết nối còn được nhân lên gấp bội nhờ sự đột phá về công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot, internet của vạn vật, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử.

Quy mô, phạm vi, mức độ phức tạp và sự chuyển đổi của cuộc cách mạng lần này sẽ không giống với những gì mà nhân loại từng trải qua trước đây. Chưa thể hình dung mọi thứ sẽ trở nên như thế nào nhưng có một điều chắc chắn: tất cả các bên liên quan từ các chính phủ toàn cầu, các khu vực công đến tư cho tới giới hàn lâm hay xã hội dân sự đều cần phản ứng một cách thích hợp và toàn diện tới Cách mạng công nghiệp lần này.

Như những cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng công nghiệp thứ tư có tiềm năng để nâng cao thu nhập toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn bộ cư dân trên thế giới. Ngày nay, những người được hưởng lợi nhiều nhất là những người có khả năng kinh tế và đặc biệt là họ được tiếp cận với công nghệ; công nghệ đã tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giúp cho công việc đạt hiệu quả và cuộc sống thoải mái hơn.

Trong tương lai, các phát minh công nghệ cũng sẽ dẫn tới những phép màu cho các nhà cung ứng với những thành tựu trong dài hạn về hiệu quả và năng suất. Chi phí vận tải và liên lạc sẽ giảm, logistics và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn; chi phí thương mại sẽ giảm xuống và tất cả sẽ tạo điều kiện để mở ra những thị trường mới tạo tiền đề cho kinh tế thế giới tăng trưởng.

Có thể nhận thấy, mối lo ngại về kinh tế, mất cân đối còn dẫn đến mối lo ngại về xã hội tạo ra bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự đổi mới sẽ là những người sở hữu nguồn lực trí tuệ và vật chất - những nhà cách tân, các cổ đông, những nhà đầu tư - điều đó giải thích vì sao khoảng cách về sự giàu có của giới tư bản và người lao động ngày một gia tăng. Công nghệ vì thế là một trong những lý do chính khiến cho thu nhập của một bộ phận lớn dân số ở các nước phát triển trì trệ, thậm chí có phần suy giảm: nhu cầu về lao động trình độ cao ngày một tăng trong khi nhu cầu cho lao động trình độ thấp hơn ngày một giảm. Kết quả là nhu cầu thị trường lao động tăng cao đối với lao động trình độ cao và lao động giá rẻ, để lại một khoảng trống ở phân khúc tầm trung.

Các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ. Vậy làm thế nào họ có thể vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và công chúng nói chung lại vừa tiếp tục hỗ trợ cho sáng tạo và phát triển công nghệ? Câu trả lời là: họ có thể xây dựng một quy trình quản lý “năng động” giống như việc khu vực tư nhân đang ngày càng có ứng phó linh hoạt trước sự phát triển của phần mềm và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung. Điều này có nghĩa là các nhà lập pháp phải không ngừng thích nghi với môi trường mới và biến đổi nhanh chóng, đồng thời phải trau dồi bản thân để thực sự hiểu rõ họ đang điều hành cái gì. Để làm được vậy, các chính phủ và cơ quan lập pháp cần có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và công dân của mình.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế, tác động tới cả bản chất và khả năng xảy ra xung đột. Lịch sử chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của sự sáng tạo về công nghệ và ngày nay cũng không phải ngoại lệ. Trong khi những công nghệ mới như vũ khí sinh học, vũ khí tự động đang ngày càng trở nên phổ biến và dễ dàng sử dụng thì các cá nhân và những nhóm nhỏ sẽ ngày càng gia tăng khả năng gây ra những tổn thất to lớn. Điểm yếu này sẽ tạo ra những nỗi lo sợ mới. Nhưng đồng thời, những bước tiến trong công nghệ sẽ tạo ra khả năng để giảm đi tác động và quy mô của bạo lực, thông qua sự phát triển của những hình thức bảo vệ mới.

Mặt khác, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ không chỉ thay đổi hành động mà còn thay đổi bản thân mỗi cá nhân. Chúng sẽ thay đổi nhận diện và tất cả những vấn đề liên quan: ý thức về sự riêng tư, khái niệm về sở hữu, cách thức tiêu dùng, thời gian dành cho công việc và giải trí và cách mà phát triển sự nghiệp, rèn luyện kĩ năng, gặp gỡ mọi người, nuôi dưỡng các mối quan hệ... Vấn đề đặt ra hiện nay là, sự tác động của công nghệ tới đời sống của con người có làm giảm đi những giá trị tinh hoa trong khả năng, như là lòng trắc ẩn và khả năng hợp tác. Mối quan hệ của chúng ta với điện thoại di động là một trường hợp như vậy. Sự kết nối thường xuyên liên tục với điện thoại di động có thể cô lập chúng ta khỏi một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống, đó là thời gian để ngừng nghỉ, suy ngẫm hay đơn giản là tham gia vào một cuộc hội thoại có ý nghĩa.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với mỗi cá nhân trong thời đại công nghệ ngày nay là sự riêng tư, đó là vấn đề vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc theo dõi và chia sẻ thông tin lại là một phần quan trọng của việc kết nối trong thế giới ngày nay. Tranh luận về những vấn đề như ảnh hưởng tới việc mất kiểm soát về thông tin riêng tư ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tương tự, những cuộc cách mạng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang định nghĩa lại về con người bằng cách gia tăng giới hạn về tuổi thọ, sức khỏe nhận thức và năng lực sẽ thách thức việc định nghĩa lại các giá trị đạo đức.

Các cuộc cách mạng công nghệ trước đây không xảy ra “chỉ trong một đêm”, Cách mạng công nghệ lần thứ tư cũng vậy! Có thể thấy rằng, không có một công nghệ nào xuất hiện mà lại nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì vậy, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc định hướng sự phát triển, trong mỗi quyết định, hành động của mỗi cư dân, người tiêu dùng và nhà đầu tư. Việc nắm lấy cơ hội và sức mạnh công nghệ này để kiến tạo nên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng nó tới một tương lai mang lại những lợi ích và giá trị chung. Để làm được điều này, cần có một cái nhìn toàn cảnh và sâu rộng về việc công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào và nó đã thay đổi nền kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường sống của con người ra sao.

Cuối cùng, tất cả đều tập trung về con người và giá trị, do đó việc tạo nên một tương lai dành cho tất cả mọi người bằng việc đặt ưu tiên con người lên hàng đầu. Trong một suy nghĩ bi quan thiếu nhân văn nhất thì Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng “rô-bốt hóa” nhân loại và tước đi trái tim, tâm hồn của chúng ta. Nhưng với những yếu tố tốt đẹp nhất của con người - sáng tạo, đồng cảm và khả năng quản lý, nó cũng có thể giúp con người nâng lên một tầm cao mới về ý thức đạo đức dựa trên những dự cảm về số phận. Và đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân để viễn cảnh thứ hai sẽ xảy ra.

THÁI THÚY XUÂN
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
41702253