Truy cập hiện tại

Đang có 94 khách và không thành viên đang online

Những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

(TGAG)- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 với rất nhiều điểm mới quan trọng, quy định chi tiết hơn về bảo hiểm xã hội và bổ sung thêm nhiều chính sách mới có lợi cho người lao động.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Bổ sung thêm 3 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:

Cán bộ xã không chuyên trách (có hiệu lực từ 01/01/2016);

Người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (có hiệu lực năm 2018);

Lao động là người nước ngoài (có hiệu lực vào năm 2018).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được thay đổi

Không khống chế tuổi trần bắt đầu tham gia.

Hạ mức sàn thu nhập tháng làm căn cứ đóng xuống mức chuẩn nghèo nông thôn (700.000 đồng so với mức lương tối thiểu của Luật năm 2006 là 1.050.000 đồng).

Đa dạng các phương thức đóng: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm, nhiều năm (tối đa 60 tháng), đóng 1 lần cho đủ 20 năm đối với những người đã đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm tham gia (tối đa 10 năm).

Tăng mức trợ cấp ốm đau

Tăng mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày (thay vì chia 26 ngày như Luật trước đây);

Mức hỗ trợ ốm đau dài ngày (sau 180 ngày) tăng lên 50% (thay vì 45% như Luật trước đây).

Tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (so với 25% khi phục hồi tại gia đình).

Bổ sung chế độ thai sản

Tăng thời gian hưởng thai sản khi sinh con lên 6 tháng (so với 4 tháng của Luật trước đây trong điều kiện lao động bình thường).

Bổ sung thêm chế độ lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con 5 đến 14 ngày làm việc tùy vào từng trường hợp cụ thể: mục đích của việc bổ sung quy định này là nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, nguyên tắc đóng - hưởng (vì người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản cho lao động nam); mặt khác, trong thực tế khi người vợ sinh con, người cha vẫn phải nghỉ việc một số ngày để chăm sóc vợ và con nhỏ.

Bổ sung quy định trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 mức lương cơ sở đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội.

Đối với lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi đã đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng mà phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trong thời khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con (thay vì 6 tháng của Luật cũ).

Quy định thêm chế độ thai sản cho lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

Điều chỉnh tỷ lệ hưởng, bổ sung quyền lợi cho người lao động của chế độ hưu trí.

Từ năm 2018 trở đi tăng theo lộ trình tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí:

+ Đối với nam: 45 % tương ứng 16 năm đóng BHXH (năm 2018); 17 năm đóng BHXH (năm 2019); 18 năm đóng BHXH (năm 2020); 19 năm đóng BHXH (năm 2021); 20 năm đóng BHXH (năm 2022) (so với 45% tương ứng 15 năm như Luật cũ).

+ Đối với nữ: từ năm 2018 tỷ lệ tăng thêm từ năm thứ 16 trở đi là 2% (thay vì 3% của Luật cũ).

Luật mới quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với những trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên:

Bổ sung thêm trường hợp với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tuổi nghỉ hưu là nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.

Bổ sung thêm quy định đối với đối tượng tham gia bắt buộc đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu tối đa 6 tháng thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm và hưởng lương hưu tại tháng đóng đủ tiền (so với tại tháng liền kề tháng đóng đủ của Luật trước đây).

Ví dụ: Bà T 55 tuổi , tại tháng 01/2016 bà đóng bắt buộc được 19 năm 06 tháng, bà đóng một lần thông qua đơn vị cho 06 tháng còn thiếu tại tháng 01/2016, bà được hưởng lương hưu ngay tại tháng 01/2016 (thay vì tháng 07/2016 so với Luật trước đây).

Bổ sung thêm quy định đối với đối tượng tham gia tự nguyện đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu tối đa 10 năm thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm và hưởng lương hưu từ tháng liền kề tháng đóng đủ tiền (so với tại tháng liền kề tháng đóng đủ của Luật trước đây);

Ví dụ: Ông K 60 tuổi , tại tháng 01/2016 ông đóng tự nguyện được 11 năm, ông đóng một lần cho 108 tháng (9 năm từ 01/2016 đến 12/2024) còn thiếu tại tháng 01/2016, ông được hưởng lương hưu từ tháng 02/2016 (thay vì tháng 01/2025 so với Luật trước đây);

Bổ sung trợ cấp khu vực một lần khi hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất đối với trường hợp người lao động có thời gian tham gia ở chiến trường B, C trước 30/04/1975 và chiến trường K trước 31/8/1989.

Tăng mức hưởng, bổ sung thêm quy định đối với chế độ một lần.

Tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tuất một lần lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi (so với 1,5 tháng của Luật cũ).

Bổ sung quy định đối tượng đã tham gia bảo hiểm xã hội trên 20 năm được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi bị mắc các bệnh hiểm nghèo nguy hiểm đến tính mạng hoặc bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên mà không có khả năng hồi phục (Tiết c, Khoản 1, Điều 60).

Bổ sung quy định người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng ra nước ngoài định cư được hưởng một lần (Điều 65).

Bổ sung thêm quy định thân nhân thuộc diện hưởng tuất hằng tháng được chọn  hưởng trợ cấp tuất một lần (Khoản 3, Điều 69).

MINH HIẾU
Bảo hiểm xã hội tỉnh


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732479