Truy cập hiện tại

Đang có 332 khách và không thành viên đang online

Các ngành, các cấp, cần tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình

(TGAG)- Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Chính bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của cộng đồng, trật tự xã hội.
 

Theo định nghĩa của Đại hội đồng Liên hiệp quốc: “Bạo lực gia đình bao gồm bất kỳ một hành động bạo lực dựa trên cơ sở giới nào dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến những tổn hại về thân thể, tình dục, tâm lý, hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra nơi công cộng hay cuộc sống riêng tư”.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21-11-2007 và có hiệu lực ngày 01-7-2008, định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình”.

Thực tế cho thấy nhiều hệ lụy nghiêm trọng do bạo lực gia đình gây ra, đáng lưu ý là: Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo lực gia đình. Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình. Bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Trẻ em sống trong những gia đình người mẹ bị cha bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em khác. Nghiêm trọng hơn là hậu quả của những hành vi bạo lực tình dục, thậm chí ngay cả chính con, cháu ruột của mình. Nó không chỉ làm tổn thương về thể chất, mà tổn thương tinh thần cũng rất khó khắc phục. Khủng hoảng tâm lý, suy sụp tinh thần, hoảng loạn, có xu hướng muốn tự tử, nhận thức lệch lạc về giới tính, ác cảm về vấn đề tình bạn - tình yêu hay nhận thức sai lầm về cuộc sống, muốn trả thù đời hoặc đi tìm sự quên lãng trong những tệ nạn khác là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tổn hại từ bạo lực tình dục ảnh hưởng rất lâu dài và dai dẳng.

Trong thời gian qua tình trạng bạo lực gia đình xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi mọi lúc và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau. Nghiêm trọng hơn, bạo lực gia đình đã xâm phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thậm chí nó còn làm xói mòn về giá trị đạo đức, mất tính dân chủ trong xã hội và ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành vi của thế hệ tương lai. Bạo lực gia đình được thể hiện dưới các dạng khác nhau, như:

- Bạo hành thể xác: Những hành vi như đá, đấm, tát... tác động trực tiếp đến sức khỏe nạn nhân. Kiểu hành vi này hay xảy ra khi hai bên chênh lệch về sức mạnh thể chất như giữa chồng và vợ, bố mẹ và con hoặc con và bố mẹ già.

- Bạo hành tình dục: Ép quan hệ tình dục khi bạn đời không muốn. Ngoài ra hành vi loạn luân cũng được coi là bạo hành tình dục.

- Bạo hành tinh thần: Chửi bới, mắng nhiếc, im lặng không nói chuyện trong thời gian dài...

- Bạo hành xã hội: Ngăn không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, bao vây kinh tế nhằm hạn chế các hoạt động mang tính cộng đồng. Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình. Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Luật bình đẳng giới được Quốc hội nước ta thông qua vào ngày 29-11-2006 với mục tiêu là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong những năm qua, hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật bình đẳng giới đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của bình đẳng giới, đảm bảo bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Qua đó, đã có chuyển biến trong nhận thức người dân, tư tưởng trọng nam khinh nữ dần dần được xóa bỏ, người phụ nữ có quyền lợi nhiều hơn, được quan tâm hơn trong cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay người phụ nữ vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong bình đẳng giới, có tới 38% phụ nữ đô thị và 48% phụ nữ nông thôn phải hứng chịu bạo hành gia đình ở các mức độ và hình thức khác nhau. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ là do sự bất bình đẳng về giới và nhận thức sai lệch, chưa đúng đắn về bình đẳng giới. Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với gia đình, xã hội và nền kinh tế quốc dân.

Việc xóa bỏ bạo lực gia đình không phải là trách nhiệm của riêng ai. Do vậy, trong thời gian tới đòi hỏi các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, mà trước hết là ban tuyên giáo các cấp cần chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin, truyền thông tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, đặc biệt việc tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về Luật phòng, chống bạo lực gia đình nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, làm hạt nhân và tế bào vững chắc để cố kết cộng đồng và xã hội./.

Lâm Giàu


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37053336