Truy cập hiện tại

Đang có 197 khách và không thành viên đang online

Ký sự: Ông Hai Trí đi tìm đồng đội

(TGAG)- Kỷ niệm 38 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2017). Tuyên giáo An Giang xin giới thiệu bài viết này.

Nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng Đại tá Huỳnh Trí - Hai Trí (nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) vẫn xin đi tìm hài cốt liệt sĩ và tham gia Đội K93. Thỏa mãn ước mơ, mải mê theo thời gian, ông quên cả chuyện riêng tư, sang xứ sở Chùa Tháp để tìm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia.

Nghĩa tình sâu nặng

Ở tuổi 69, cán bộ, chiến sĩ Đội K93 có người gọi ông bằng anh, đứa nhỏ nhất cũng bảo là chú; còn các bạn Đội Công tác chuyên trách Campuchia gọi Hai Trí là “Tà Hai” như thể tôn trọng, đề cao người uy tín. Hai Trí kể, một lần sang Koh Thum (tỉnh Kandal) thu thập tin tức, đội công tác phát hiện, xác định vị trí đào mộ, nhưng rủi thay lại ngay trong nhà máy xay lúa người Hoa. Anh em kiên trì năn nỉ gần cả tháng họ mới cho, kết quả bốc được 2 hài cốt, rồi xây dựng lại y như cũ, hết sức vất vả. “Mấy anh thấy chưa, cực kỳ khó khăn, nếu nản lòng, kể như bỏ anh em mình ở đó luôn. Trong khi, vợ con bên quê nhà, ngày đêm mong đợi tin tức” – ông cười lạc quan.


Cán bộ chuyên trách Campuchia (bên trái) và ông Hai Trí

Đại tá Phạm Quang Trung, Đội trưởng K93 chia sẻ, hồi chiến tranh anh Hai Trí có tham gia và hiểu biết nhiều, địa hình và địa vật trông cậy nhờ ông. Thực ra, anh em đâu có ai rành đường, một phần còn nhỏ tuổi và thuộc thế hệ sau này; một phần công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ lại thuộc thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Tất cả cảnh vật, núi rừng đều hoàn toàn thay đổi, trở lại chiến trường xưa cũng ít người hình dung ra nổi. Vậy mà, nhiều năm liền, tại các tỉnh Takeo, Kandal, Kampot, Kampong Speu, Koh Kong… đều có dấu chân của “vị đại tá về hưu” đi tìm mộ liệt sĩ, với tư cách là người “cố vấn” cho Đội Chuyên trách K93 An Giang.

Hành động đi tìm mộ liệt sĩ đối với Hai Trí như công việc thường ngày và lẽ sống đạo lý tự nhiên con người. Lính trẻ Đội K93 gọi vui, ông Hai Trí là “nhà ngoại cảm” tài tình và hay hơn cả những gì mà người ta thường đồn đại. Ông Hai Trí bảo: “Hồi chiến tranh, tôi có tham gia, lặn lội khắp nơi nên lợi thế hơn anh em. Tuy vậy, có một số điểm trở lại vẫn không biết, phải nhờ người dân Campuchia chỉ đường”. Vốn sống của Hai Trí là như vậy, với bản lĩnh “người lính giữa đời thường” luôn được mọi người kính trọng, không lùi bước trước khó khăn và lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn.

Chúng tôi sang Campuchia thăm Đội K93 chỉ có vài lần, sống chung với nhau cũng hơn chục ngày, Hai Trí xem như đồng đội, em út. Hồi còn bên An Giang, nghe kể nhiều đức tính khiêm tốn, thật thà và thẳng thắn của ông; giờ đây mới hiểu thêm đôi chút và thật đáng trân trọng “vị đại tá về hưu” này. Trong lần gặp tại Kompong Speu, ông tâm sự: “Họp mặt xong, Đội K93 chia làm hai nhóm, qua khu vực Ruộng Muối (tỉnh Koh Kong) tiếp tục tìm kiếm anh em mình, vì thông tin mộ chí rất khả quan phải ráo riết cất bốc và hồi hương về nước. Đã nhiều năm rồi, công việc vẫn còn bề bộn, anh em cảm thấy sốt ruột, người thân bên quê nhà nơm nớp chờ tin”.

Trông dáng Hai Trí cao to, dẻo dai với nước da rắn chắc, đâu ai biết rằng, ông đã 69 tuổi đời thì hơn 32 tuổi quân, bây giờ vẫn còn mang thương tật đến 49% do chiến tranh để lại. Thế nhưng, ông vẫn cố sức vì nghĩa vụ thiêng liêng “Uống nước nhớ nguồn”, vì nghĩa tình động đội phải thực hiện công việc “Đền ơn đáp nghĩa”. Đặc biệt, vì những người cha mẹ, vợ con và họ hàng thân thuộc gia đình đang ngày đêm mong chờ tin tức… về liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia.

Đời thường người lính

Ánh nắng chiều vàng nhạt ngả xuống dần, rồi khuất sau đỉnh núi Kirirom. Đoàn xe đưa anh em Đội K93 đi công tác về tới lán trại, nơi đóng dã chiến trong khu vườn của vị tướng Lữ đoàn 21 Quân đội Hoàng gia Campuchia. Không khí sinh hoạt cuối ngày nhộn nhịp hẳn lên. Kẻ lo đi tắm giặt cho sớm, người bắt tay ngay vào chuẩn bị bữa cơm chiều, phụ tiếp với “anh nuôi” cho tươm tất hơn mọi khi, để chiêu đãi khách và là người từ bên quê nhà sang thăm.
 
  Đại tá Huỳnh Trí được phong tặng Anh hùng LLVTND

Từ xe Jeep bước xuống, Hai Trí cười xòa: “Người bên Việt Nam qua, tui cứ tưởng khách Phnom Penh xuống”. Ông bảo, dọn chỗ nơi nghỉ cái đã, cơm chiều xong, rồi anh em hãy tâm sự. Với cái bắt tay nồng ấm, một nụ cười tươi ấy, chúng tôi còn nhớ hôm ở khu rừng Moda – quận Poset, lần đầu tiên mới gặp nhau. Anh em bảo, chúng tôi từ quê nhà sang thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đội K93 đi tìm đồng đội. Hai Trí nói: “Ừ. Có vậy mới phải chứ. Qua đây, sẽ biết nắng mưa như thế nào, còn anh em bên này đã quen rồi. Cực khổ cũng ráng hén, ăn cơm với bộ đội cho vui. Thời bình, nó có cái hấp dẫn của thời bình”.

Lán trại dã chiến, mọi thứ cũng đều tạm bợ, chỉ trừ ăn uống và nghỉ ngơi phải hết sức nghiêm chỉnh. Trong căn chòi tiếp khách, với 2 mái lợp bằng đệm cao su, còn trụ cột, bàn, ghế đều là cây rừng ghép lại, lúc nào cũng có bình trà và vài cái tách ngả màu. Ở bếp ăn tập thể luôn trực sẵn 2 thùng nước nóng, nước nguội dành cho anh em. “Tiếng là cán bộ Đội K93, nhưng anh em đâu cho ổng đào cuốc, hay xách đồ đạc gì. Mọi thứ đều có tụi tui, rồi mấy đứa nhỏ giành mần hết” – Đại tá Đinh Văn Cứng, Chính trị viên Đội K93 tâm sự.

Tối ngày, Hai Trí đi thu thập tin tức, xử lý các nguồn do người dân Campuchia cung cấp về địa chỉ mộ, tiến hành phân tích địa hình, địa vật và khảo sát; sau đó đề xuất chỉ huy cho anh em đi đào bới, đỡ vất vả. Công việc thường xuyên căng thẳng, lúc nào trông ông cũng trầm tư, suy nghĩ. Vậy mà, Hai Trí động viên tinh thần anh em, quên đi bao mệt nhọc, nỗi vất vả chốn núi rừng. Nhiều người bảo: “Có ông là cả tập thể Đội K93 An Giang cảm thấy yên tâm, vững bụng trên đường làm nhiệm vụ trên xứ sở Chùa Tháp. Hễ vắng ông một vài ngày, không khí sinh hoạt như thiếu tình cảm anh em ruột thịt, khó tả lắm”.

Chính sự thân mật, quyến luyến như thế, người ta thấy Hai Trí bên đất Chùa Tháp nhiều hơn ở nhà, không ai nghe chuyện phép tắc của ông. Hai Trí luôn nhắc nhở anh em làm tốt công tác dân vận, nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong quan hệ, ứng xử với chính quyền sở tại và người dân trong các phum, sóc. Ông cho rằng, mình thực hiện đúng nghĩa vụ thiêng liêng và làm tròn trách nhiệm chuyên trách, chắc chắn người dân Campuchia sẽ ủng hộ.

Không khí chốn núi rừng Kompong Speu về đêm vắng ngắt, sinh hoạt trong phum, sóc cũng rất yên tĩnh. Đong đưa trên chiếc võng, Hai Trí kể chuyện lính, chuyện đời từng trải, luôn nhớ về đồng đội trong những năm tháng chiến đấu ác liệt. Ông tâm sự, mà nghe giọng của ông như nghẹn ngào: “Đúng ra có quyết định hưu, tôi nghỉ luôn thảnh thơi. Nhưng nghĩ lại, còn các anh em mình ở trên đất khách quê người, thấy tội nghiệp quá…”.
 

Buổi sáng ở Kompong Speu, núi rừng Kirirom có nhiều sương giăng, Hai Trí vẫn trong bộ đồng phục màu xanh lá cây cùng với cán bộ, chiến sĩ Đội K93 An Giang tiếp tục lên đường. Ít ai biết ông là “đại tá về hưu”, bây giờ đã được Chủ tịch nước phong tặng “Anh hùng LLVTND”; bởi ông cùng ăn, cùng ở và cùng làm như bao anh em khác.



Bài và ảnh: PHAN TRỌNG ÂN


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37025687