Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Phát triển kinh tế biên giới Tịnh Biên

(TGAG)- Trên đoạn biên giới An Giang – Takeo, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – Phnom Den kết nối Quốc lộ 91 (Việt Nam) và Quốc lộ 2 (Campuchia), với đường bộ đi Phnom Penh và tỏa ra các khu vực giáp Lào, Thái Lan. Nơi đây, không chỉ lợi thế về xuất – nhập khẩu của tỉnh, mà còn là cửa ngỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước khi giao thương với Tiểu vùng sông Mê Kông.

Xác định mũi đột phá

Từ lợi thế đó, giai đoạn 2016-2020, Tịnh Biên tiếp tục “Lấy dịch vụ, thương mại và du lịch làm khâu đột phá để tác động thúc đẩy, vừa là nguồn lực quyết định phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, kinh tế biên giới và Khu du lịch núi Cấm là điểm nhấn”. Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trân - Phó Chủ tịch UBND huyện, năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên 2.876 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú trên 10,6 tỷ đồng; cả 2 con số này đều vượt trên 35% so kế hoạch, góp phần đưa nguồn thu ngân sách từ kinh tế địa bàn xấp xỉ 74 tỷ đồng, đạt 100% so Nghị quyết HĐND huyện. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện, tạo đà những năm tiếp theo.
 

Năm 2014, chợ biên giới Tịnh Biên giao về Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật Tịnh Biên để tăng cường công tác quản lý, điều hành, hoạt động mua bán đi vào chiều sâu “thương mại - dịch vụ và du lịch” theo nhu cầu phát triển của huyện. Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng Ban Quản lý chợ cho biết, sau 2 năm kết quả mang lại rất khả quan, tiểu thương niêm yết giá các mặt hàng, mua bán trật tự, đảm bảo an ninh khuôn viên và vệ sinh môi trường tốt hơn. Với mặt bằng 15.000m2, trên 700 ki-ốt của 295 tiểu thương, chủ yếu là bán sỉ và bán lẻ (vải sợi, may mặc, mỹ phẩm, giày dép...) giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, có cả người dân Campuchia tại Takeo sang mua hàng, chiếm từ 10% - 15% giá trị.

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Tịnh Biên phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên 2016. Đây là hội chợ lần thứ 10, kể từ khi cấp huyện nâng lên cấp tỉnh và hiện nay mang tầm vốc quốc tế. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm, doanh số bán hàng lần này đạt khoảng 17 tỷ đồng, riêng ngành hàng tiêu dùng trên 11 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ cao nhất. Đặc biệt, có 20 hợp đồng được ký kết, thỏa thuận đặt đại lý với nhà phân phối Việt Nam và Campuchia. Hội chợ còn đón hơn 23.000 khách từ Vương quốc Campuchia sang tham quan, tìm cơ hội giao thương tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den và khu vực giáp ranh An Giang – Takeo.

Sức hút các khu du lịch

Cùng lúc với cửa khẩu quốc tế đường bộ, Tịnh Biên còn có tuyến lộ 55A nối liền Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên – Xà Xía và Khu du lịch Ba Hòn. Xét về vị thế, đây là tuyến kết nối liên hoàn giữa Bảy Núi và Hà Tiên, hấp dẫn cả dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế biên giới, mà không phải nơi nào cũng có. Nhờ vậy, năm 2016, lượng khách du lịch và người hành hương về Tịnh Biên hơn 3,1 triệu lượt người, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến tham quan và mua sắm chợ Tịnh Biên xấp xỉ 1 triệu lượt người (tăng trên 33%), Khu du lịch núi Cấm hơn 647.000 lượt người (tăng gần 20%), rừng tràm Trà Sư gần 79.000 lượt người (tăng trên 44%), miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp gần 1 triệu lượt người (tăng 22%).


Đi theo tour “72 giờ trong vùng Thất Sơn”, du khách sẽ tha hồ thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh núi rừng và trải nghiệm cùng phum, sóc. Bên cạnh những đặc sản nổi tiếng, Tịnh Biên cũng xác định 2 làng nghề truyền thống là dệt thổ cẩm ở Văn Giáo và sản xuất đường thốt nốt ở An Phú. PGS.TS Nguyễn Minh Thủy (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, sản phẩm đường thốt nốt Tịnh Biên là một loại đặc sản độc đáo, kể cả nước và trái thốt nốt, du khách đi tham quan đều muốn thưởng thức và mua về làm quà biếu. Để phát huy sản phẩm truyền thống phục vụ du lịch, năm 2016, Phòng Kinh tế - Hạ tầng Tịnh Biên triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích đầu tư chiều sâu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. 

Địa bàn Tịnh Biên còn có Nhà Bàng - Thới Sơn (núi Két, núi Dài nhỏ và núi Trà Sư), với cụm di tích lịch sử - cách mạng. Sau núi Cấm, khu vực này như “trung tâm hành hương thứ 2” của huyện và vị thế nằm sát ngã đường ra Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên – Phnom Den; thu hút du khách Campuchia khu vực biên giới qua các kỳ lễ, Tết; chẳng hạn như miễu Bà Chúa xứ Bàu Mướp. Năm 2016, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh An Giang tổ chức thành công 2 hội thảo, với chủ đề “Núi Cấm và huyền thoại” và “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch huyện Tịnh Biên”. Do vậy, gọi các hoạt động ngành nghề truyền thống, dịch vụ, du lịch gắn với thương mại như “chuỗi liên kết” thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới Tịnh Biên.

Năm 2016, có 6 nhà đầu tư đăng ký 8 dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, bao gồm: Chế biến lúa gạo; chế biến hạt điều; chế biến thực phẩm; chăn nuôi heo và gà; chăn nuôi công nghệ cao;  xây dựng chợ; khu đô thị;… tại khu vực biên giới các xã An Nông, An Phú, Nhơn Hưng, thị trấn Nhà bàng và Tịnh Biên.



Bài và ảnh: PHAN TRỌNG ÂN
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37018940