Truy cập hiện tại

Đang có 87 khách và không thành viên đang online

Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang 40 năm xây dựng và phát triển

(TGAG)- Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản Phân bộ Hồng thập tự An Giang và thành lập Hội Hồng thập tự Cộng hòa Miền nam Việt Nam tỉnh An Giang vào ngày 17/02/1976. Ngày 31/7/1976, Trung ương đã tổ chức hiệp thương thống nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ở miền Bắc) và Hội Hồng thập tự Cộng hòa Miền nam Việt Nam (ở miền Nam) thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tháng 9/1976, UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang. Tính đến nay, Hội chữ thập tỉnh đã qua 6 kỳ Đại hội.

Giai đoạn 1976 – 1979: Phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam.

Với các phương tiện như xe cứu thương, xe thô sơ, ghe xuồng, tắc rán, võng... Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia vận chuyển trên 1.109 thương binh từ tuyến đầu về các Trạm phẫu thuật tiền phương. Trong cứu trợ đồng bào sơ tán, Hội đã tiếp nhận từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sử dụng nguồn dự trữ trên 23 tấn hàng hóa, tổ chức cấp phát kịp thời. Sau chiến tranh, Hội tham gia cùng các đơn vị chức năng giải quyết môi trường, hỏa táng, chôn cất trên 2.500 xác thường dân, 800 xác lính Khemer đỏ, quy tập trên 1.300 hài cốt liệt sĩ.

Giai đoạn 1980 – 1989: Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh.

Hội tập trung phát triển tổ chức, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, chú trọng nâng cao hoạt động xã hội, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh. Với phương châm hành động “Hội Chữ thập đỏ thấy dân khổ phải biết, nghe dân đau phải lo, trả lời với dân bằng hành động thiết thực”, Hội đã sáng tạo nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, tích cực góp phần cùng Đảng, chính quyền chăm lo ổn định cuộc sống nhân dân.

Thực hiện chức năng về công tác xã hội, Hội tổ chức phát động các phong trào như “Vui xuân không quên người nghèo khó”, “Túi gạo tình thương”, “Hủ gạo nghĩa tình”, “cất nhà tình thương”. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thực hiện tốt công tác vận động tương trợ, cứu trợ khắc phục hậu quả của các năm lũ lụt lớn như năm 1978, 1984, 1987.

Giai đoạn 1990 - đến nay

Tổ chức Hội tiếp tục giữ vững các hoạt động phong trào từng bước nâng cao chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, theo Luật Hoạt động chữ thập đỏ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang hiện có 11 huyện, thị, thành Hội và 156 cơ sở Hội (xã, phường, thị trấn); 2 Trung tâm Nuôi dưỡng người già cô đơn và trẻ mồ côi Châu Đốc và Long Xuyên; 2 Trung tâm Phòng chống giảm nhẹ thiên tai An Phú và Tân Châu; 11 cơ sở nhân đạo xã hội trong bệnh viện tỉnh và huyện; 163 Hội Chữ thập đỏ các bệnh viện, trường học, công ty, xí nghiệp; 833 chi hội khóm, ấp,… với 37.573 hội viên, 13.271 tình nguyện viên; tổ chức 275 đội thanh niên xung kích Chữ thập đỏ gồm 5.408 thanh niên, 270 Đội Thiếu niên Chữ thập đỏ gồm 1.242 em.

Công tác xã hội nhân đạo

- Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”: Hội đã tổ chức vận động kinh phí để giúp cho những đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam có điều kiện vui Xuân đón Tết. Hàng năm, có trên 38.000 lượt hộ nghèo được trợ giúp.
   
- Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội đã lập hồ sơ 6.572 địa chỉ nhân đạo để kêu gọi trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

- Hoạt động tương trợ và phúc lợi xã hội: Vận động tương trợ đồng bào bị thiên tai (gồm gạo, vật phẩm, tiền, hàng,…) cho các hộ gia đình khó khăn, giúp mai táng và cấp áo quan miễn phí cho hộ nghèo. Hàng năm, vận động cất mới nhà kiên cố cho trên 2.000 hộ nghèo, trị giá tối thiểu 35 triệu đồng/căn. Cán bộ hội viên trực tiếp vận động đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng, sữa chữa cầu, đường giao thông nôn thôn.
   
- Thực hiện dự án “Ngân hàng bò”: Các cấp Hội kết hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức vận động 681 triệu đồng mua 51 con bò sinh sản cấp cho các hộ nghèo trong tỉnh; tiếp nhận 300 con bò do Trung ương hỗ trợ cho các xã biên giới trị giá 3 tỷ đồng.

Hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa

- Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tại các nơi có khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa; thành lập Đội ứng phó khẩn cấp trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh (12 thành viên) và các huyện, thị, thành Hội.

- Củng cố và phát triển 123 trạm, điểm sơ cấp cứu với 750 thành viên tại những nơi xung yếu, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra nhằm giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản.

Trong giai đoạn này, Hội đã tổ chức thực hiện tốt công tác vận động tương trợ, cứu trợ khắc phục hậu quả của các năm lũ lụt lớn như năm 1996, 2000, 2001, 2002.
   
Hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng và sơ cấp cứu

- Hàng năm, các cấp Hội tuyên truyền về nước sạch vệ sinh và phòng chống dịch bệnh cho trên 50.000 lượt người nghe; tổ chức các sự kiện để truyền thông trên diện rộng.

- Hoạt động của các Phòng khám nhân đạo: Hội Chữ thập đỏ các cấp củng cố và nâng chất hoạt động 123 phòng khám nhân đạo, với 1.091 y, bác sĩ, hội viên, tình nguyện viên phục vụ. Trong đó, có 3 Phòng khám nhân đạo cấp huyện là Tri Tôn, Tịnh Biên và Thị xã Tân Châu.
   
- Hoạt động của xe chuyển bệnh miễn phí: Nhằm giúp cho bệnh nhân nghèo chuyển viện lên tuyến trên, Hội đã vận động mua 168 xe chuyển bệnh trị giá 102 tỷ đồng (trong đó có 65 xe chuyên dùng) để chuyển bệnh miễn phí; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh An Giang ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động xe chuyển bệnh miễn phí trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Mô hình bếp ăn bệnh viện: Hoạt động các cơ sở nhân đạo xã hội tại các bệnh viện được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức công nhận và ban hành quy chế hoạt động. Hiện tại, các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đều có bếp ăn bệnh viện, bệnh nhân được cấp phát cơm, cháo, nước sôi miễn phí hàng ngày.
   
Công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh có 22 thành viên thường xuyên tổ chức các hoạt động và các sự kiện: “Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 07/4”, Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè”, “Lễ tôn vinh người hiến máu”, Chương trình “Hành trình đỏ”,... với sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, từ đó tạo điều kiện cho người dân hiểu được lợi ích của việc hiến máu cứu người và tích cực tham gia hiến máu. Trung bình hàng năm, Hội vận động tiếp nhận trên 13.000 đơn vị máu.

Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ trong tỉnh đang tích cực thi đua chào mừng Đại hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2016- 2021. Bước vào nhiệm kỳ mới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ tập trung thực hiện bốn ưu tiên chiến lược: Công tác xã hội nhân đạo, hoạt động tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện. Bốn mô hình nổi bật tại địa phương: Mô hình xe chuyển bệnh miễn phí, mô hình bếp ăn bệnh viện, mô hình Phòng khám bệnh nhân đạo, mô hình Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi. Các mô hình này sẽ thực hiện theo phương châm: “Xã hội hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa”.

Với truyền thống 40 năm hình thành và phát triển cho phép cán bộ, hội viên chữ thập đỏ trong tỉnh tin tưởng rằng trong thời gian tới Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công mới góp phần vào công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà./.

BS.CKII. Huỳnh Hoàng Huy
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37155274