Truy cập hiện tại

Đang có 84 khách và không thành viên đang online

Cách mạng Tháng Mười Nga và ảnh hưởng của nó với Nguyễn Ái Quốc và Cách mạng Việt Nam

(TGAG)- Sau Cách mạng tháng hai năm 1917, nước Nga xuất hiện tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề đã hứa như vấn đề ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực và nhất là quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc đến cùng...

Trong lúc đó, lãnh tụ V.Ilyich Lénine từ Thụy Sĩ trở về nhà ga Phần Lan ngày 3/4/1917 đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân Petrograd. Ngày 4/4/1917, Lénine phát biểu một bài có nhan đề “Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”. Bài báo cáo này đi vào lịch sử với tên gọi “Luận cương Tháng Tư” chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lénine chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1917, công nhân Nga biểu tình đòi hòa bình, dân chủ. Trong khi đó, bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ lâm thời gửi công hàm cho các nước cam kết theo đuổi chiến tranh đến cùng, gây sự phẫn nộ trong dân chúng. Ngày 15/5, trước áp lực của quần chúng, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng chiến tranh phải từ chức. Ngày 1/7, đảng Menshevik và xã hội cách mạng đã âm mưu tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng để biểu dương lực lượng nhưng đảng Bolshevik đã tham gia cuộc biểu tình này và biến nó thành cuộc biểu tình ủng hộ đường lối đảng Bolshevick. Ngoài mặt trận, cuộc tấn công của quân Nga theo lệnh của chính phủ lâm thời vào liên quân Đức, Áo-Hung thất bại nặng nề với 60.000 binh lính Nga bị bắt và giết. Tin thất bại gây sự căm phẫn và bất bình rất lớn trong nhân dân Nga.

Sau đó, Chính phủ lâm thời tiến hành đàn áp và bắt các đảng viên Bolshevik. Các nhà in bị phá hủy và báo bị cấm xuất bản. Chính phủ ra lệnh truy nã Lénine để đưa ra tòa, các đơn vị cách mạng bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận. Trước tình hình đó, từ 26/7 đến 3/8, đảng Bolshevik đã đại hội để đánh giá tình hình và vạch ra sách lược đấu tranh. Đại hội chỉ rõ phải chuẩn bị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền, Lénine rút vào hoạt động bí mật.

Ngày 25/8, Kornilov tuyên bố thiết quân luật ở Petrograd, giải tán chính phủ Kerensky và lập chính phủ do mình cầm đầu. Trong hoàn cảnh đó, Lénine phát động quần chúng đánh tan cuộc nổi loạn. Chiều ngày 06/11, Lénine cải trang đến điện Smolny để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ngay trong đêm 06/11, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Pétrograd, bao vây Cung điện Mùa Đông mà hầu như không tổn thất. Đêm 7/11/1917 (25/10 theo lịch Nga cũ), Đại hội Xô Viết toàn Nga lần hai tuyên bố khai mạc và tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết do Lénine đứng đầu.

Lúc đó Nguyễn Ái Quốc đã từ Anh sang Pháp và sinh sống tại Paris, làm thuê tại một cửa hàng phóng đại ảnh và đầu năm 1918 thì tham gia vào Đảng Xã hội Pháp. Như Bác kể lại trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lénine”:

“Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng là vì các “ông bà” ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu.

Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cải sôi nổi về vấn đề có nên ở lại Quốc tế thứ hai, hay nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lénine...

Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?

Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lénine về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo.

Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lénine làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa dày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.

Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lénine, tin theo quốc tế thứ ba.”

Như vậy, Cách mạng Tháng mười Nga đã làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành động của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua nhiều hoạt động ở ngoài nước, sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930) ở Hồng Kông, rồi về nước chủ trì hội nghị trung ương VIII (tháng 5/1941). Tại hội nghị này, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt minh), quyết định chuyển mình cách mạng Việt Nam, đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công.

Nhắc đến Cách mạng Tháng Mười Nga là nhắc những kỷ niệm đẹp, rất tốt đẹp, khởi đầu cho Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi trọn vẹn và có ngày hôm nay./.

ĐẶNG HOÀI DŨNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36983770