Truy cập hiện tại

Đang có 100 khách và không thành viên đang online

Cách mạng Tháng Tám: Giành chính quyền về tay nhân dân!

(TGAG)- Vấn đề chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định mục tiêu giành chính quyền về tay Nhân dân. Chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, Hội nghị Trung ương 8 năm 1941 chỉ rõ sau khi cách mạng thành công: “sẽ thành lập một Chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Khi thời cơ đến, nhằm thực hiện mục tiêu nói trên, Ngày 16 và 17/8/1945, tại Tân Trào, đã tiến hành Đại hội quốc dân, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Có thể xem đây là hình thức “tiền Quốc hội”. Đại hội đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc như là “tiền Chính phủ”. Đó là những sáng tạo giải quyết đúng đắn vấn đề cơ bản.

Sau ngày độc lập, lần đầu tiên một chính quyền nhà nước thật sự của dân, vì dân, do dân “là đầy tớ của dân” đảm nhận vai trò lịch sử. Nó đã đứng vững, đủ sức đương đầu với những thử thách nặng nề. Nhưng ngay từ lúc đó, tình trạng quan liêu, hách dịch cũng đã xuất hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “... xung quanh các ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen... Những ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét... dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền...”. Người yêu cầu: “... phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”. Vì vậy, nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là tiến hành bầu cử Quốc hội, soạn thảo thông qua Hiến pháp để quản lý đất nước, xã hội. Người lý giải: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị: Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Ngày 06/01/1946 đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử trên cả nước bầu ra Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 02/3/1946, Quốc hội họp Kỳ đầu tiên cử ra Chính phủ chính thức do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 09/11/1946, Quốc hội khóa I, tại Kỳ họp thứ hai đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khẳng định trên thực tế và trên cơ sở pháp lý - Nhà nước hợp pháp, hợp hiến.

Như vậy, những ý tưởng về việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đã được thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng ta từ thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tuy nhiên, những ý tưởng đó chưa được thực hiện do đất nước còn đang bị thực dân Pháp đô hộ. Đến khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, những ý tưởng đó được thực hiện từng bước. Đại hội Đảng lần thứ II (1951) đã xác định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa căn bản là một nước cộng hòa nhân dân”. Đại hội cũng phê phán nghiêm khắc: “... bệnh quan liêu mệnh lệnh đã khá nặng trong các tổ chức chính quyền của ta từ trên xuống dưới. Nếu không chỉ mặt vạch trán nó, nêu tất cả tệ hại của nó để đánh lui nó, tiêu diệt nó thì nó còn phát triển và làm hại nhiều hơn”. “ Không chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh này thì các Hội đồng nhân dân cũng chẳng qua là hình thức dân chủ, có vỏ mà không có ruột”.

Nhà nước pháp quyền là một mô hình, phương thức tổ chức nhà nước và xã hội dựa trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau khi nước nhà thống nhất, đi vào đổi mới, đến Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (tháng 1/1995), Đảng đã có Nghị quyết về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Gần đây nhất, Đại hội XII đánh giá: “Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện một bước quan trọng và cơ bản. Nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có bước phát triển. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”.

Tuy nhiên, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi... Đại hội XII đã nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm và nghiêm khắc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Từ đó xác định phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền...

Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta quyết tâm ra sức góp phần xây dựng nhà nước thật sự của dân, vì dân, do dân; cán bộ, công chức thật sự là công bộc của Nhân dân./.

LÊ CHÍ THÀNH
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37123366