Truy cập hiện tại

Đang có 166 khách và không thành viên đang online

Đến với làng Chăm bên dòng sông Hậu

(TGAG)- Du lịch An Giang không chỉ có miếu Bà Chúa Xứ (núi Sam Châu Đốc), múi Cấm (Tịnh Biên),... mà còn có những làng Chăm trữ tình bên bờ sông Hậu. Cái độc đáo của người Chăm An Giang vì họ theo đạo Hồi chứ không phải theo đạo Bà La Môn như người Chăm Ninh Thuận. An Giang có tới 09 làng Chăm như thế trải dài từ biên giới Khánh Bình, Khánh An thuộc huyện An Phú xuống tận Châu Phú.

 
Làng Chăm yên bình bên bờ Châu Giang hiền hòa

Cộng đồng Chăm An Giang sống tập trung ở ngã ba sông Châu Đốc, chỉ cần qua chuyến phà Châu Giang hay cầu Cồn Tiên là bạn đã đặt chân đến làng Chăm. Trong khi đó, miếu Bà Chúa Xứ, núi Sam cách Châu Đốc 7 cây số, còn làng Chăm chỉ cách một mặt sông không quá 200m. Khám phá làng Chăm, ăn đặc sản, tìm hiểu về dân tộc và đạo Hồi là một tour du lịch dã ngoại không phải đâu cũng có. Bước vào làng Chăm là bạn đã lạc vào một thế giới khác. Mỗi làng Chăm luôn có một thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi, lung linh trong nắng mai hay chiều xuống. Nhà cửa cũng có kiểu kiến trúc khác thường với các hoa văn trang trí và cách bài trí trong nhà. Thấp thoáng bên song cửa là những "bóng hồng" đang ngồi quay tơ hay đang ngồi dệt thổ cẩm dưới sàn nhà. Đặc biệt, phụ nữ Chăm rất đẹp lại luôn mặc trang phục truyền thống nên thấy họ càng thêm "huyền bí". Xưa phụ nữ Chăm còn bị cấm cung. Nay tục này đã bỏ nhưng vẫn giữ lại chiếc khăn choàng đầu làm cho họ đã đẹp lại càng thêm lạ mắt. Sáng sớm, sông Hậu mờ sương, phủ lên làng Chăm lớp mây ướt lạnh, cảnh vật, con người thoắt ẩn thoắt hiện, nhà ai đốt lửa, tiếng dê, bò hí vang, thánh đường trang nghiêm trong tiếng cầu kinh Koran... Lạc vào làng Chăm bạn như trở về cổ tích.


Thánh đường Hồi giáo

Mỗi năm, người Chăm Hồi giáo có gần chục lễ hội mà lễ hội nào cũng độc đáo. Đặc biệt nhất là thánh lễ Ramadan. Đây là tháng người Hồi giáo chay tịnh để dưỡng tâm, chiêm nghiệm lại những việc làm trong năm để ăn năn hối cải những lỗi lầm. Nếu trong năm có lỗi lầm với ai thì nhân dịp này người Chăm đi xin lỗi để được bỏ qua. Đây là một luật tục tôn giáo rất độc đáo. Hết tháng chay tịnh, người Chăm tổ chức ăn mừng rất lớn, xem như Tết dân tộc. Vào làng Chăm những ngày lễ bạn sẽ được thưởng thức các món đặc sản từ thịt dê, bò, gà, rất đặc sắc (Kinh thánh Koran cấm tín đồ ăn thịt lợn nên thay bằng súc vật khác). Các món thịt dê của người Chăm An Giang từng được mời về biểu diễn ở đất Tổ Ninh Thuận, thậm chí xuất ngoại. Ông Sô Lây Mai - đầu bếp số một của người Chăm hiện nay, cho biết: Đặc sản thông thường có các món cari dê, đô-rô-cha. Đô-rô-cha nấu như cari nhưng thêm khoai tây, cà rốt, đậu ván, bắp non nhưng không cho nước cốt dừa vào. Món cô-rô-ma ngược lại cho nước dừa nhưng lại bỏ các loại củ, đậu kể trên, thay vào là mè và đậu xanh xay nhuyễn. Tất cả nấu sền sệt, cho ớt và gừng thật nhiều. Đặc biệt nhất là món dê "rút lò", chỉ đãi thượng khách. Dê làm sạch, moi ruột, nhồi 15 món thuốc Bắc và chanh muối khâu lại. Đào cái hố, đốt than, gác dê lên vỉ sắt, úp cái chảo dựng lên, trở dê đều lúc nướng. Khi chín lật chảo rồi mỗi người cầm cây dao nhỏ xẻo một miếng, chấm muối chanh ăn.

 
Đến làng Chăm, khách sẽ được thưởng thức món ăn đặc sản “lạp xưởng bò” hay còn gọi là “Tung lò mò”. Thịt bò vụn (có người làm ngay bằng thịt bò ngon như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương), sau khi loại bỏ hết gân và bầy nhầy, xắt nhuyễn, bằm chung với mỡ bò, trộn đều với tiêu, tỏi, bột ngọt, đường… cùng một vài loại gia vị bí truyền. Ruột bò lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Thịt trộn xong, để cho thấm, dồn vào ruột bò, thắt từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng ba nắng là được. Nhưng bí quyết để lạp xưởng bò trở thành món ngon độc đáo hơn là nhờ có trộn lẫn cả cơm nguội, khi lên men cho vị chua đặc trưng. Có thể nướng (kilete) hoặc chiên (chuh) lạp xưởng bò để thưởng thức, nhưng nếu nướng phải nướng bằng than đước, lửa vừa phải, nếu chiên thì đỗ nước vừa ngập, cho lửa nhỏ đến khi khô nước và cho lạp xưởng vàng là tuyệt vời. Vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay nồng, lại nghe vị ngọt giòn thơm của rau sống, cần ống, vị chua của khế, vị chát của chuối sống tan thấm trên mặt lưỡi, ngon lạ thường. Hiện nay, người Kinh ở An Giang cũng rất ưa chuộng với món khoái khẩu này.
 

Một điều thú vị nữa của đạo Hồi là kinh thánh Koran cấm tiệt tín đồ ăn nhậu nên có đến đây một mình bạn phải mua rượu mang theo và nên uống ít lấy cảm hứng thôi, chứ uống nhiều say xỉn bạn sẽ được các thiếu nữ Chăm nhìn như người... ở địa ngục chui lên! Người Chăm rất hiếu khách, muốn ăn đặc sản hay lai rai trong nhà họ cũng được. Tốt nhất nên đi từng nhóm nhỏ rồi xin phép gia chủ đàng hoàng sẽ được tiếp đãi rất chân tình.

Hãy đến với những làng Chăm An Giang, du khách sẽ hiểu hơn về một cộng đồng dân tộc nơi đầu nguồn con nước Cửu Long này./.
                                                                                                          
T.Quỳnh - N.Minh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36718786