Truy cập hiện tại

Đang có 206 khách và không thành viên đang online

Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội

(TGAG)- Hôm nay, ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN sẽ chính thức ra đời. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN. Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình.

Cộng đồng ASEAN sẽ mang đến một sức sống mới, một hơi thở sinh động cho toàn bộ khu vực vì lợi ích của hơn 600 triệu dân ASEAN và khu vực. Theo đó, ASEAN sẽ là một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, dựa trên ba trụ cột vững chắc là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

1. Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) là bước phát triển cao hơn của các nỗ lực hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN. Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng này đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 năm 2014. Theo đó, ASEAN sẽ xây dựng một cộng đồng dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung; sẽ tập trung xây dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện; đồng thời hướng tới một khu vực năng động và mở rộng với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và tùy thuộc.

2. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 và được khẳng định lại trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN. Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, một bộ phận của lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015 đã xác định 4 thành tố chính của AEC gồm: thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh; phát triển kinh tế đồng đều; hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

Có thể nói, AEC chính là xương sống của các nỗ lực liên kết khu vực của ASEAN và được đánh giá là trụ cột đang dẫn đầu trên chặng đường tiến tới Cộng đồng ASEAN.

3. Mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN và Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, có trách nhiệm xã hội, xây dựng bằng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sẽ có mối quan hệ bổ trợ chặt chẽ và tạo thuận lợi cho việc hình thành Cộng đồng Chính trị - An ninh cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN gồm 6 thành tố chính bao gồm: phát triển con người; phúc lợi và bảo hiểm xã hội; các quyền và bình đẳng xã hội; đảm bảo môi trường bền vững; tạo dựng bản sắc ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển.

Cộng đồng ASEAN được xác định sẽ là một cộng đồng rộng mở với bên ngoài, do đó, ASEAN luôn chủ trương xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các đối tác và phát huy vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc hợp tác đang định hình ở khu vực. Hợp tác với các đối tác chính là sự tiếp nối của các nỗ lực hợp tác và liên kết nội khối của ASEAN. Qua đó, một mặt, ASEAN tranh thủ được sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác cho tiến trình xây dựng cộng đồng của mình, mặt khác, cùng các đối tác chung ta giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực cũng như đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vì hòa bình, ổn định và phát triển chung./.

Văn Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36730642