Truy cập hiện tại

Đang có 563 khách và không thành viên đang online

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11)

(TGAG)- Trong quá trình xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa vào Luật PBGDPL và chọn ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật. Lý do chọn ngày 9-11 là vì đó là ngày Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua (ngày 9-11-1946).

Với ý nghĩa đó, Luật PBGDPL quy định Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đương nhiên, các ngày còn lại trong năm, xét trên nhiều khía cạnh, cũng đều là ngày pháp luật trong một Nhà nước pháp quyền.


Năm 2013, năm đầu tiên Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên Ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) - Hiếp pháp năm 2013 - của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua 3 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) đã trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý lớn, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; cổ vũ, khuyến khích toàn thể cán bộ, nhân dân triệt để tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật…

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định, cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phải tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cùng với việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện pháp luật với khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phải ra sức tăng cường pháp chế XHCN, hiệu quả thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngày Pháp luật đã được xã hội đón nhận, tích cực hưởng ứng, tạo nên dấu ấn mới trong nhận thức về Hiến pháp, pháp luật của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đang thực sự trở thành Ngày hội toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong đó, nhiều hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện Ngày pháp luật có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng đã được thực hiện thành công như: PBGDPL trực tiếp; tổ chức phổ biến trên báo chí, phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan; thực hiện PBGDPL thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, xét xử lưu động, triển khai các mô hình điểm PBGDPL tại khóm, ấp...

Thông qua các hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần đưa các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật đi vào thực chất, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động của cá nhân, tổ chức trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương.

Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu cao hơn, thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thông qua Ngày Pháp luật cũng đã góp phần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác xây dựng, thực thi, áp dụng pháp luật, trong đó kết quả nổi bật là các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ đã hướng trọng tâm đến việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật đã đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; hạn chế oan sai, khiếu kiện, khiếu nại; tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện, xử lý khá triệt để, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật.

Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong các quy định của pháp luật và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân….

Bước sang năm 2015, Hiến pháp đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực pháp luật được 2 năm, do vậy, chủ đề của Ngày Pháp luật được xác định là: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Một số khẩu hiệu thực hiện Ngày Pháp luật năm 2015 :

- Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!

- Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

- Tuân theo Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân!

- Chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa, là việc làm thiết thực của mỗi người dân để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân!

BBT


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37116607