Truy cập hiện tại

Đang có 144 khách và không thành viên đang online

Ý nghĩa thắng lợi Hiệp định Paris


(TGAG)- Vào lúc 12 giờ 45 phút, ngày 23/01/1973, cố vấn Lê Đức Thọ và đại diện Mỹ Kít-xinh-giơ ký tắt Hiệp định. Ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uy-liêm Râu-giơ, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Lắm chính thức ký kết tại Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn Hoàng gia, đường Klêbe, Paris (Pháp).
Hiệp định là sự nhân nhượng lẫn nhau giữa hai bên tham chiến. Ta nhân nhượng Mỹ về việc chấp nhận trên thực tế sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn, Mỹ nhân nhượng ta về lực lượng vũ trang cách mạng đóng nguyên ở miền Nam. Nhưng sự nhân nhượng của ta là nhân nhượng có nguyên tắc vì nó bảo đảm lợi ích căn bản của nhân dân ta.
Căn cứ vào thế và lực so sánh trên chiến trường lúc ấy, thắng lợi căn bản của nhân dân ta là ở chỗ: Mỹ và các nước công nhận chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Thắng lợi được ghi trong điều 1 (chương I) của Hiệp định như sau: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1945 về Việt Nam đã công nhận”. Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và là thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ.
Thất bại lớn nhất của Mỹ là phải rút quân và cam kết chấm dứt mọi sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. Điều 4 của Hiệp định ghi nhận: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên nhân sự kỹ thuật, nhân viên nhân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác”.
Thắng lợi căn bản của nhân dân ta là ở chỗ: Mỹ phải từ bỏ yêu cầu vô lý “quân đội miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam” và chấp nhận lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam vẫn ở nguyên tại miền Nam, tức là vẫn duy trì tình trạng “da beo” trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Mỹ cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Hiệp định công nhận về mặt pháp lý ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Điều 3 của Hiệp định ghi nhận: “Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình”.
Lịch sử đã chứng minh, khi quân Mỹ đã rút đi và quân ta vẫn còn đó thì lực lượng so sánh giữa ta và địch đã thay đổi căn bản. Đây là tiền đề cơ bản cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam hơn hai năm sau. Bình diện chung trên chiến trường là thế. Nhưng, trước, trong và sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ vẫn không từ bỏ chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, cố giữ miền Nam trong quỹ đạo thực dân mới của Mỹ. Mỹ tiếp tục chi viện về quân sự và kinh tế cho chính quyền Thiệu, xây dựng quân Sài Gòn thành một quân đội mạnh nhất Đông Nam Á, tiếp tục chiến lược bình định, lấn chiếm mở rộng vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn và nhanh chóng khôi phục kinh tế, giúp cho chế độ Sài Gòn có thể tự lực và Mỹ tiếp tục thực hiện chế độ thực dân kiểu mới ở miền Nam. Chính vì vậy, quân dân ta vẫn phải tiếp tục kháng chiến với quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dân Việt Nam vô cùng phấn khởi với thắng lợi của Hiệp định. 
Đánh giá về cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV, năm 1976 viết: “Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của nhân dân ta”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam năm 1973 nhận định: Hiệp định Paris đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Đấu tranh ngoại giao là sự phản ánh cuộc đọ sức giữa ta và địch trên chiến trường, nhưng đấu tranh ngoại giao lại góp phần tích cực thúc đẩy và tạo điều kiện đẩy nhanh cuộc chiến đấu của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Trong suốt 5 năm, khoảng thời gian dài chưa từng thấy của lịch sử đàm phán, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân ta ở Paris đã thực sự góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ban Biên tập TTCTTT

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713270