Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022

(TUAG)- Ngày 28/6 hàng năm được chọn là ngày Gia đình Việt Nam. Đây là ngày nhằm tôn vinh những giá trị gia đình - giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông ta. Gia đình là một tế bào của xã hội. Mỗi gia đình sẽ tạo môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.



Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” (*). Theo lời Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Và lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Qua đó, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đây, ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.

Từ quá khứ đến hiện tại, khi đất nước có chiến tranh hay hòa bình, gia đình vẫn luôn là một bộ phận quan trọng của xã hội, là nền tảng vững chắc góp phần làm nên sức mạnh dân tộc. Mỗi gia đình luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Việt Nam. Gia đình vẫn là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hoá dân tộc, là mạch nguồn vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là ngôi nhà an toàn nhất, vững chắc nhất cho mỗi thành viên trước những khó khăn, rủi ro trong cuộc sống.

Ngày nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội, gia đình thực hiện và phát huy.

Tuy nhiên, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gia đình còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao tự do cá nhân đang tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một và có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng rộng ra (có đôi lúc cả gia đình chỉ dành sự chú ý đến những chiếc smartphone mà quên đi những cuộc hội thoại, trò chuyện, tâm sự với nhau),... là một trong các nguyên nhân lớn khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng trở nên rộng hơn, không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà dần dần bị ảnh hưởng.


Để gia đình trở thành bến đỗ bình yên hạnh phúc, là nơi duy trì được bản sắc văn hoá, đồng thời tiếp thu được cái hay, cái mới, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam đồng thời phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường trong sáng nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Trong đó, mỗi gia đình nhắc nhở các thành viên quan tâm đến nhau, duy trì bữa cơm gia đình, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Mỗi gia đình hãy luôn quan tâm, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống, các giá trị văn hóa chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới; có những việc làm tích cực, hưởng ứng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đến người cao tuổi; thực hiện tốt an sinh xã hội, nhất là gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực gia đình, bất bình đẳng, bảo vệ đối tượng yếu thế.... góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.

Kỷ niệm 21 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2022) là dịp để các gia đình quây quần bên nhau, được gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mỗi chúng ta hãy tự nâng cao về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, hãy tự tìm hiểu và học những cách ứng xử gia đình để biết cách giải quyết những vướng mắc, các mối quan hệ trong gia đình một cách tốt đẹp nhất, hãy tự biết bảo vệ bản thân khi có bạo lực xảy ra, có như vậy chất lượng cuộc sống mới được nâng lên từ nền móng một gia đình yên ấm. Tất cả vì mục tiêu xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, hãy chung tay ngăn chặn và đẩy lùi bạo hành gia đình để mỗi người được sống yên lành hơn và tôn trọng pháp luật hơn./.

Các thông điệp truyền thông:
- Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn;
- Yêu thương và chia sẻ để xây dựng hạnh phúc gia đình;
- Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực;
- Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em;
- Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình;
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;
- Bạo lực gia đình vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người. 

Trúc Linh

________
(*) Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tháng 10/1959.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713810