Phong trào học sinh – sinh viên tỉnh An Giang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Được đăng: Chủ nhật, 01 Tháng 2 2015 20:21
- Lượt xem: 10971
(TGAG)-
Lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị
Lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị
Tính xung kích của phong trào học sinh, sinh viên thể hiện ở chỗ, ngoài đóng góp vào thắng lợi chung, phong trào còn là lực lượng nòng cốt nâng cao khẩu hiệu, hình thức đấu tranh chung toàn tỉnh với quy mô lớn và sáng tạo; đồng thời, phong trào còn chủ động tổ chức các hình thức đấu tranh riêng, quyết liệt của giới mình. Cuộc đấu tranh của 500 sinh viên Viện đại học Hòa Hảo tại quân trường Quang Trung tháng 9/1971 là một minh chứng rõ nét. Các hình thức ra tuyên cáo, tán phát các bài báo tiến bộ nói về quân sự hóa học đường, đốt quân trang, đêm không ngủ hay tuyệt thực... với khẩu hiệu “sinh viên chống quân sự hóa học đường chứ không chống cán bộ trung tâm” là một cách thức đấu tranh khôn khéo, khiến địch bối rối, không dám đàn áp. Ngoài mặt là chống quân sự hóa học đường nhưng tính chất cốt lõi của nó gắn kết chặt chẽ với phong trào chống bắt lính đang diễn ra sôi nổi khắp vùng nông thôn và thành thị trong tỉnh. Sự quyết liệt và quy mô cuộc đấu tranh thêm lan rộng khi nó thu hút sự chú ý của dư luận qua những tuyên cáo công khai trên các mặt báo, điều đó tạo ra áp lực dư luận rất lớn buộc địch phải nhượng bộ, kết quả cuộc đấu tranh giành được những thắng lợi như kế hoạch đã định.
Một cuộc đấu tranh khác cũng làm nổi rõ tính xung kích của lực lượng học sinh, sinh viên là phong trào lên án chính quyền Lonnol tàn sát đồng bào Việt Kiều. Trong làn sóng đấu tranh chung của toàn tỉnh, từ khắp vùng nông thôn cho đến thành thị, lực lượng học sinh, sinh viên với các cuộc biểu tình, bãi khóa liên tục, khắp các nơi, nhất là tại các điểm trường lớn làm cho làn sóng đấu tranh càng lan rộng, đặc biệt thu hút và lôi kéo cả giới giáo chức, trí thức tham gia. Trong số 336 cuộc đấu tranh với 46.130 lượt quần chúng đấu tranh thì có hơn 50% là lực lượng học sinh, cho thấy quy mô phong trào là rất lớn. Tính liên đới và liên kết chặt chẽ của lực lượng học sinh, sinh viên trong cuộc đấu tranh này là ở chỗ không chỉ sôi nổi tại thành thị, tại thị xã Long Xuyên với 16 cuộc đấu tranh của 13.000 học sinh và quần chúng mà nó còn tác động đến cả học sinh ở các vùng nông thôn, đến nỗi chính quyền tay sai phải ra lệnh thiết quân luật để đàn áp.
Điển hình nổi bật, duy nhất của phong trào học sinh, sinh viên Nam Bộ
Phong trào học sinh, sinh viên An Giang là một mắt xích làm trầm trọng thêm mâu thuẫn nội tại giữa ngụy quyền và các lực lượng tay sai. Các cuộc đấu tranh vào tháng 6/1972; tháng 02 và tháng 8/1974 của học sinh, sinh viên lý giải cho tính chất độc đáo đó. Khi các cuộc mít tinh kỷ niệm ngày 09/01, các cuộc biểu tình, bãi khóa nổ ra liên tục đòi dân chủ học đường, đòi tăng tuổi hoãn dịch, chống thu học phí trường công... làm cho địch bối rối, và khi chúng sử dụng lực lượng bảo an quân để đàn áp thì đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của quần chúng, đặc biệt là giới trí thức, giáo hội và tín đồ, kể cả nhiều nghị sĩ, dân biểu đối lập. Những khuyến cáo phản đối của giáo hội, sự ủng hộ của nhiều dân biểu đã tạo điều kiện đưa phong trào học sinh, sinh viên lan đến Quốc hội ngụy ở Sài Gòn. Những đầu sỏ như: Nguyễn Văn Thiệu, Lương Trọng Tường, Lê Phước Sang có thâm độc đến đâu thì cũng không thể làm ngơ trước làn sóng căm phẫn đang sôi sục trong dư luận, trong giáo hội. Và khi Nguyễn Văn Thiệu phải có động thái để xoa dịu công luận; Lương Trọng Tường phải “lắng nghe” tiếng nói của giáo hội, các chức sắc cao cấp và đông đảo tín đồ; Lê Phước Sang đang bị dân biểu, binh lính và quần chúng lên án thì coi như cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên đã đạt được mục đích.
Cuộc đấu tranh giành thắng lợi không chỉ chứng minh sự trưởng thành của phong trào đô thị, của lực lượng học sinh, sinh viên nằm trong lực lượng chính trị công khai, mà qua đó còn làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn cơ bản giữa ngụy quyền và các tầng lớp tay sai. Khi binh lính, quần chúng ủng hộ cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên và ngăn cản không cho bảo an quân đàn áp, đã cho thấy sự bất đồng trong mối quan hệ tay ba giữa Thiệu - Tường - Sang trong vấn đề bảo an quân sớm muộn gì cũng bộc phát, tan rã.
Phong trào học sinh, sinh viên An Giang, qua đấu tranh đã được tôi luyện và trưởng thành của cán bộ chỉ đạo trực tiếp và lực lượng nòng cốt công khai trong tổ chức đội ngũ tham gia, chủ động chi phối từ tổ chức điều khiển đến khẩu hiệu và hình thức đấu tranh, xoay hướng đấu tranh từ mục đích cục bộ sang liên kết rộng rãi để đạt đến những thắng lợi cao hơn. Phong trào đấu tranh chính trị và những thắng lợi của nó trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào học sinh, sinh viên đã góp phần to lớn, nhất là tại các khu vực đô thị, đưa phong trào đấu tranh chính trị lan rộng, hỗ trợ đắc lực cho hai mũi đấu tranh còn lại, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng ở một địa bàn phức tạp.
Châu Quốc Hùng