Truy cập hiện tại

Đang có 143 khách và không thành viên đang online

An Giang xây dựng kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình mới

(TUAG)- Ngày 11/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến các huyện, thị, thành trong tỉnh về lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh và Kế hoạch 572 KH/-UBND của UBND tỉnh về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19. Hội nghị do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì.     
 
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư đã thông qua dự thảo kế hoạch lấy ý kiến đóng góp phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, kế hoạch mở cửa hoạt động kinh tế cụ thể mức độ nguy cơ của từng vùng được áp dụng linh hoạt theo quy định theo các kịch bản. Kịch bản 1 thực hiện đối với mức độ tham gia phục hồi kinh tế trong vùng đỏ; kịch bản 2 dựa vào mức độ tham gia phục hồi kinh tế trong vùng vàng; kịch bản 3 theo mức độ tham gia phục hồi kinh tế trong vùng xanh. Việc xây dựng kịch bản phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang sẽ không phân chia thành giai đoạn hay mốc thời gian cụ thể mà căn cứ vào tình hình dịch tễ, mức độ rủi ro của từng vùng, từng địa phương, khu vực, năng lực y tế và độ phủ vắc-xin để quyết định các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, từng tình huống, từng đối tượng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong mọi trường hợp, mọi tình huống, mọi hoàn cảnh các hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa không được dừng (trừ khu vực phong tỏa) và phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc “linh hoạt, an toàn, hiệu quả”.

Sở Công thương An Giang đã thông qua Kế hoạch số 572 của UBND tỉnh về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19. Theo đó, tùy theo diễn biến thực tế của dịch COVID-19, sản xuất của doanh nghiệp được thực hiện trong các điều kiện: Doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động; doanh nghiệp hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội, cụ thể các mô hình sản xuất 3 tại chỗ, phương án kết hợp 3 tại chỗ với tổ chức người lao động lưu trú tập trung ngoài doanh nghiệp, phương án “1 cung đường-2 điểm đến”, doanh nghiệp tổ chức theo phương châm 4 xanh; doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới.

Hội nghị, cũng đã nghe ý kiến đóng góp của các sở ngành, doanh nghiệp về dự thảo Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội tỉnh và Kế hoạch số 572 của UBND tỉnh, qua đó đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm tháo gỡ về khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa hiện nay; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi sau khi phục hồi sản xuất trở lại; bổ sung thêm trách nhiệm của doanh nghiệp trong bộ quy chuẩn thích ứng với tình hình phòng chống dịch...



Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm của các sở ngành và doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Hiện nay, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đang tập trung nguồn lực cao nhất cho công tác kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan và đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc-xin với mục tiêu đến cuối tháng 02/2022 có 70% và đến cuối tháng 4/2022 có trên 95% người dân trên 18 tuổi được tiêm phòng trên địa bàn tỉnh. Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh COVID-19, thì việc thực hiện mở cửa phục hồi nền kinh tế là yêu cầu rất cấp bách, không thể chậm trễ trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù “mở cửa càng chậm, thiệt hại càng lớn” nhưng việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế cần phải được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có cách tiếp cận và phương thức phù hợp, nếu không sẽ càng làm tổn hại đến doanh nghiệp, đến người dân và cả nền kinh tế. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, các địa phương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất theo mục tiêu an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn. Đặc biệt quan tâm việc tổ chức tiêm phòng cho người lao động trong doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, để chuyển sang quản lý dịch trong trạng thái mới, các doanh nghiệp muốn trở lại hoạt động sản xuất phải xây dựng kế hoạch phục hồi; thực hiện cam kết sản xuất; người lao động cũng phải ký cam kết với doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, doanh nghiệp có trách nhiệm với nhà nước, thì nhà nước cũng phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho người lao động; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi phục hồi sản xuất sau giai đoạn ngừng hoạt động...
                                                 
  Hà Ngân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36705489