Truy cập hiện tại

Đang có 193 khách và không thành viên đang online

Nâng cao công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh, thiếu niên

(TUAG)- Tội phạm ma túy - tội phạm của tất cả loại tội phạm với những diễn biến ngày càng phức tạp. Ma tuý đang biến hình thành hàng chục loại khác nhau và liên tục tấn công, len lỏi vào tận ngóc ngách của đời sống xã hội và cả trong học đường.

Là tỉnh có đường biên giới dài hơn 96km, An Giang được xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Các đối tượng lợi dụng An Giang làm địa bàn trung chuyển lượng lớn độc chất này từ Campuchia vào nội địa đi các nơi tiêu thụ. Hiện nay, toàn tỉnh An Giang có hơn 3.615 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó thanh thiếu niên chiếm 80,72% (dưới 18 tuổi 27 người, từ 18 đến dưới 30 tuổi 2.508, từ 30 tuổi đến dưới 35 tuổi 383 người). Mặc dù lực lượng Công an đã liên tục triển khai loại trừ tệ nạn này, nhưng số lượng người sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá ngày càng gia tăng và trẻ hóa, đây “nguồn” phát sinh các loại tội phạm khác và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đặt ra nhiều vấn đề cho các cấp chính quyền và địa phương để có những giải pháp cụ thể phòng, chống loại tệ nạn này ở lứa tuổi thanh thiếu niên.


Tuyên truyền ma túy cho lực lượng thanh niên công nhân tại các nhà trọ trên địa bàn thành phố Long Xuyên

Nhận thức rõ hiểm họa của ma túy và các loại tệ nạn xã hội khác đối với xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, Tỉnh Đoàn An Giang đã chủ động phối hợp với các ngành, nhất là lực lượng Công an để ngăn ngừa và đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Ngay từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn An Giang phối hợp Ban Giám đốc Công an tỉnh ký kết, ban hành Kế hoạch phối hợp số 1158/KH-CAT-TĐAG ngày 26/5/2016 về thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT ngày 24/6/2010 giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về “Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2016 - 2020”. Trên cơ sở đó, các huyện, thị, thành Đoàn và Công an cùng cấp đều xây dựng, ký kết, triển khai kế hoạch phối hợp, thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả nhất định.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thanh thiếu niên luôn được lãnh đạo 02 đơn vị thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt, trong đó, chú trọng thực hiện trên cả chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo đúng đối tượng, nghiên cứu đổi mới hình thức và nội dung, tập trung tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm, nơi có tình hình phức tạp về an ninh trật tự. Đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy vào sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội như: Câu lạc bộ (CLB) tuổi 17, CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuyên truyền pháp luật, CLB nói không với ma túy, CLB Sống khỏe, CLB Tuổi trẻ với pháp luật, CLB tiền hôn nhân, Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; Đội tuyên truyền măng non trong trường học... Đồng thời, đa dạng hóa về nội dung, phương thức thông tin, giáo dục, truyền thông đảm bảo tính thân thiện, phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi thanh niên, từng địa bàn; lồng ghép các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại cơ sở đoàn, để kịp thời cung cấp thông tin về công tác phòng, chống ma tuý, các tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh để phổ biến, tuyên truyền trong thanh thiếu niên nhằm nâng cao ý thức cảnh giác. Đẩy mạnh việc tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp như: nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ người thật việc thật; tổ chức hội nghị tuyên truyền; trình chiếu hình ảnh, video clip về phòng, chống tệ nạn ma túy và tội phạm mua bán người; thi diễn tiểu phẩm với nội dung về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội phục vụ ở các địa phương, nhất là vùng nông thông, vùng đồng bào dân tộc, ... Đặc biệt chú trọng tuyên truyền gương người tốt, thanh thiếu niên sau cai nghiện, hoàn lương tiến bộ và các mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm và ma túy trong thanh thiếu niên.

Trong 05 năm qua, lực lượng Công an và Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp cùng với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma tuý được trên 3.841 lượt, có trên 223.643 lượt cán bộ đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia; thực hiện đưa 5.268 tin, bài có nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma tuý phát trên sóng truyền thanh địa phương; thực hiện 153 phóng sự truyền hình; biên soạn, cấp phát 149 đĩa DVD/VCD; in ấn, cấp phát trên 54.123 sổ tay, tài liệu, các pano, áp phích tuyên truyền, website của tổ chức Đoàn và trên các trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo, Instagram…) về tác hại của ma tuý đối với từng nhóm thanh thiếu niên, với các nội dung như: “Tác hại của thuốc lắc”, “Nhận biết người nghiện ma tuý”, “Các biện pháp cai nghiện ma tuý”, “Tác hại của ma tuý đá”,… Tổ chức diễn tiểu phẩm, phiên toà giả định, cuộc thi tìm hiểu, các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cuộc thi trực tuyến trên Internet, hội nghị tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy... Triển khai thành lập 26 mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” ở địa bàn dân cư. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp với từng đối tượng thanh niên, đến tận gia đình, xóm, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, nhất là trong nhóm thanh niên có nguy cơ cao; tổ chức cho 100% học sinh khối THCS, THPT và sinh viên các trường Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Nghề, Đại học An Giang trên địa bàn tỉnh kiên quyết “Nói không với ma túy” và ký cam kết “3 không” trong phòng chống ma túy (không sử dụng ma túy; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy). Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên trong công tác phòng, chống ma tuý.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh, thiếu niên vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn nhất định: cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương, ban ngành, đoàn thể chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý nên kết quả đạt được chưa như mong muốn; sự phối hợp của lực lượng Công an và Đoàn thanh niên cấp huyện chưa thường xuyên; công tác phối hợp tuyên truyền còn có những hạn chế, chưa phát huy thế mạnh của mạng xã hội; công tác tiếp xúc, vận động đối tượng cá biệt còn yếu, đối tượng tuyên truyền chưa được sâu sát, phù hợp; nội dung tuyên truyền chưa thực sự phong phú hấp dẫn, còn mang nặng tính hình thức; việc tiếp xúc vận động, cảm hóa, giáo dục đối tượng nghiện các chất ma tuý gặp nhiều khó khăn, do thiếu sự hợp tác của đối tượng hoặc cán bộ ngán ngại tiếp xúc với đối tượng; đa số các đối tượng sau khi lập hồ sơ đưa vào cơ sở điều trị, cai nghiện ma tuý tỉnh về địa phương vẫn tiếp tục tái nghiện; kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp phòng, chống ma tuý vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh phí Trung ương; chế độ bồi dưỡng cho cán bộ đoàn làm công tác vận động, tuyên truyền hiện nay chưa có; tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp; số người nghiện ma tuý và số vụ phạm tội về ma tuý do thanh thiếu niên gây ra gia tăng cao, ngày càng trẻ hóa và xu hướng sử dụng ma tuý tổng hợp ngày càng nhiều.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do  tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 96,6 km, tiếp giáp 02 tỉnh Kandal và Takeo thuộc Vương quốc Campuchia, có 02 cửa khẩu quốc tế 02 cửa khẩu quốc gia và 01 cửa khẩu phụ. Hàng ngày có rất nhiều người dân hai bên biên giới qua lại để làm ăn, giao thương, thăm thân nhân qua các đường mòn, lối mở tự phát rất khó kiểm soát. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động, trong đó có tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý từ Campuchia vào địa bàn tỉnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương, ban ngành, đoàn thể vẫn còn coi nhiệm vụ đấu tranh phòng chống ma tuý là nhiệm vụ riêng của ngành Công an. Vai trò của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục đạo đức lối sống con em, học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Một số trường hợp do bi quan, chán nản trong cuộc sống, kết quả học tập yếu kém; do tiếp nhận các thông tin trên các trang mạng xã hội nên tò mò muốn tìm hiểu cảm giác mạnh từ ma túy;… đã đẩy một bộ phận thanh thiếu niên sa vào con đường nghiện ngập các chất ma túy. Cán bộ đoàn ở cơ sở thường xuyên thay đổi do nhiều nguyên nhân như luân chuyển, thay đổi vị trí công tác... nên việc phối hợp thực hiện công tác phòng, chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp chưa được thường xuyên.

Trong thời gian tới, tình hình an ninh, trật tự xã hội tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp, nhiều khó khăn, thử thách. Tội phạm có xu hướng gia tăng và tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên vẫn chiếm tỷ lệ cao. Để  nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an và tổ chức Đoàn trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy lứa tuổi thanh, thiếu niên cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống ma tuý.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý ở các ngành, các cấp và tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.

Ba là, phối hợp thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê chính xác số người nghiện các chất ma tuý, nhất là đối tượng thanh thiếu niên; tham gia vào công tác vận động, quản lý, giám sát, giúp đỡ, định hướng, tạo ra các sân chơi lành mạnh, an toàn cho thanh thiếu niên; giúp họ nhận thức rõ được hậu quả, tác hại của tệ nạn ma tuý đối với gia đình và xã hội để chủ động phòng tránh.

Bốn là, tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma tuý”. Duy trì và nâng chất hoạt động của mô hình, CLB tuổi 17, CLB Tuổi trẻ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuyên truyền pháp luật, CLB nói không với ma túy, CLB Sống khỏe, CLB Tuổi trẻ với pháp luật; CLB Tiền hôn nhân; Đội Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; Đội tuyên truyền măng non trong trường học... Xem đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên trong thời gian tới.

Năm là, quan tâm xây dựng, kiện toàn các ban chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống ma tuý ở các cấp đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức về công tác phòng, chống ma tuý cho cán bộ đoàn viên, thanh niên làm công tác tuyên truyền, vân động... đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sáu là, tăng cường công tác hỗ trợ thanh thiếu niên, nhất là đối tượng hoàn lương, yếu thế tiếp cận được các nguồn vốn vay, quỹ hỗ trợ để phát triển kinh tế, có nghề nghiệp và việc làm ổn định.

Bảy là, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra các cấp; thực hiện xã hội hoá các nguồn lực trong phối hợp phòng, chống ma tuý; đảm bảo chế độ bồi dưỡng cho cán bộ đoàn viên, thanh niên làm công tác tuyên truyền, vận động.

Tám là, tổ chức nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma tuý.

Với những gì đạt được trong 05 năm qua, tin rằng, công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và Đoàn thanh niên sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, từng bước kéo giảm tệ nạn xã hội, cùng nhau đem đến sự bình yên, hạnh phúc và xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Minh An
Tỉnh đoàn An Giang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37149738