Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Người “lái đò” thầm lặng

(TUAG)- Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây trên đất
Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”.

Đọc những vần thơ ấy, tôi thấy thật tự hào về nghề dạy học và càng yêu quý, kính trọng hơn đối với các thầy cô giáo đã từng dạy mình, yêu kính hơn những người làm nghề giáo. Đặc biệt gần đây, trong một lần tác nghiệp tôi đã gặp và trò chuyện với một giáo viên ở một trường tiểu học nơi tôi công tác, “Cô mong sao mỗi giáo viên đều có tâm với nghề quan tâm đến học sinh, tìm hiểu giúp đỡ từng học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có kiến thức sau này ra đời biết suy nghĩ và có nghề nghiệp nuôi sống bản thân để cuộc sống các em tốt hơn”. Đó là lời tâm sự của cô Thái Thị Ánh Ngọc, sinh năm 1967, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Long Điền B, một giáo viên sắp về hưu, nhưng trái tim luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê, cống hiến hết mình cho đời bằng cái tâm của người thầy miệt mài “gieo chữ”, đi đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường là một tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người.



Cô Ánh Ngọc sinh ra và lớn lên tại ấp Đông Châu, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, trong một gia đình công chức, từ thuở nhỏ cô đã luôn ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Nên sau khi tốt nghiệp phổ thông cô quyết định theo học ngành sư phạm. Năm 1987 tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học C Mỹ Hiệp. Đến năm 1998 xây dựng gia đình và chuyển về dạy tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Long Điền B cho đến nay. Với cương vị giáo viên dạy khối tiểu học. Cũng như bao thầy cô mới vào nghề, cô Ngọc gặp nhiều bỡ ngỡ bởi quá trình học và thực tế công tác khác nhau khá nhiều. Nhưng chính nhờ chính lý tưởng, tình yêu đối với học trò, sự giúp đỡ của đồng nghiệp đã giúp cô vượt qua khó khăn.

Trong phương pháp giảng dạy, cô chú trọng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của từng cá nhân. Đi kèm với đó, cô còn sử dụng những dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho giảng dạy. Đó là những bức tranh sinh động do cô sưu tầm, đồ dùng dạy học tự làm hay những tiết ứng dụng công nghệ thông tin với màn hình máy chiếu. Nhờ đó, học sinh càng thích thú học tập hơn và dưới sự hướng dẫn của cô, học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức một cách vững chắc. Cô chia học sinh thành nhiều nhóm để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Những em năng động, tiếp thu bài nhanh sẽ hỗ trợ, giúp đỡ những bạn nhút nhát, tiếp thu bài chậm. Trong tiết học của cô, mỗi bàn học là một đôi bạn cùng tiến, gồm 1 bạn học giỏi và 1 bạn tiếp thu bài còn chậm. Theo đó, các bạn sẽ dò bài, nhắc nhở nhau học tập và bạn học giỏi có thêm nhiệm vụ kèm, hỗ trợ bạn tiếp thu bài còn chậm.  Nếu các em vẫn không theo kịp các bạn, cô sẽ tranh thủ thời gian nghỉ giải lao giữa giờ giảng giải lại và động viên để các em hiểu bài, xóa bỏ tâm lý tự ti mặc cảm. Bằng cái tâm và trách nhiệm của giáo viên cô Ngọc luôn quan tâm giúp đỡ từng học sinh, nhất là các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô tự xuất tiền túi ra mua tập, vở, dụng cụ học tập để các em được đến lớp. Và một điều đặc biệt là cô luôn từ chối nhận quà các em học sinh vào ngày 20/11, ngày Tết thầy cô. Cô chia sẻ: “Ba mẹ tụi con đã khó khăn cực khổ lo cho các con đi học, các con đừng có mua quà tặng cho cô. Cô cho các con thiếu nợ, chừng nào các con làm ra tiền thì hãy mua quà tặng cô”.

Ngoài dạy các em về kiến thức và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, thông qua các bài học, cô còn lồng ghép dạy đạo đức, kỹ năng sống. Bởi đó là những bài học quan trọng và rất cần thiết với các em, đặc biệt ở lứa tuổi cấp 1. Trong suốt những năm làm tổ trưởng chuyên môn, với tinh thần tự học và sáng tạo trong công việc, cô luôn chỉ đạo và quản lí tốt công tác chuyên môn của tổ, cùng với nhà trường nâng cao chất lượng mũi nhọn và đại trà góp phần xây dựng trường trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với việc giảng dạy cô còn đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp; cô luôn thực hiện tốt đoàn kết nội bộ, tương thân tương ái, hòa nhã với đồng nghiệp; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua, cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Dạy tốt, học tốt”; “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận xét về cô Ngọc, cô Võ Thị Minh Huệ, giáo viên cùng tổ chuyên môn cho biết: “Cô Ngọc là người rất vững về chuyên môn, đối với đồng nghiệp vui vẻ, hòa đồng và giúp đỡ đồng nghiệp, đối với học sinh yếu kém hay gặp hoàn cảnh khó khăn cô cũng quan tâm giúp đỡ, tận tình chỉ dạy từng chút một cho các em”.

Cô là điển hình của người phụ nữ Việt Nam "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà". Không chỉ làm tốt việc ở trường, trong gia đình cô là người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, chăm sóc chồng con tận tụy, khéo léo. Cô luôn sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian chăm lo gia đình, noi theo gương mẹ, con gái của cô đang học năm thứ 4 Trường  Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngành Công nghệ thông tin.

Thành quả cô gặt hái được thật đáng tự hào: Trong 9 năm liền, cô đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2 năm liền...  Đây sẽ là nền tảng, là động lực để cô phấn đấu, làm tốt hơn sứ mệnh của người thầy, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương. Cô chính là tấm gương tốt về đạo đức nghề nghiệp, sự tận tụy với nghề, sự năng động sáng tạo và tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi không ngừng vì một tập thể vững mạnh. Tuy còn khoảng 2 năm nữa là cô sẽ về hưu, nhưng cô Ngọc vẫn không ngừng phấn đấu, khiêm tốn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và chuyên môn để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh. Chúc cô sẽ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để hoàn thành tốt công việc trồng người./.

Thu Trang
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37143422