Truy cập hiện tại

Đang có 323 khách và không thành viên đang online

Dựa vào ai trong bảo vệ chủ quyền quốc gia?

(TGAG)- Thực tiễn lịch sử chứng minh quy luật giữ vững chủ quyền quốc gia gắn liền với sự tồn vong và phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, toàn cầu hóa làm thu hẹp quyền lực quốc gia, thu hẹp phạm vi và hiệu quả tác động của nhà nước dân tộc, chủ quyền quốc gia dễ bị xâm phạm, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trở nên khó khăn hơn.

Thời gian gần đây, việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam, trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế, gây hấn, xung đột với các đơn vị chấp pháp của Việt Nam, một lần nữa đặt ra các thách thức và khó khăn to lớn cho việc giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh ấy, tồn tại không ít trong dư luận, trong những câu chuyện bên lề về các ý kiến xoay quanh trả lời cho câu hỏi: Việt Nam dựa vào ai trong bảo vệ chủ quyền quốc gia? Có người cho rằng nên dựa vào một cường quốc phát triển nào đó để tạo đối trọng với Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng nên dựa vào một liên minh trong khu vực. Đây là vấn đề quan trọng, nếu không được phổ biến nâng cao nhận thức một cách đúng đắn thì rất dễ tạo nên những băn khoăn, bất đồng trước các quyết sách của Đảng và Nhà nước để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta từ lâu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Muốn bảo vệ đất nước phải tạo dựng được sức mạnh tổng hợp được hình thành từ sự kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nội lực với ngoại lực. Trong mối quan hệ của sự kết hợp ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến vai trò chủ yếu, quyết định của sức mạnh dân tộc, của nội lực. Hồ Chí Minh căn dặn: Sự giúp đỡ của bạn là quý báu, chúng ta phải biết ơn sự giúp đỡ đó, nhưng chớ vì bạn giúp ta nhiều, mà trông chờ ỷ lại. “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác đến giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Rõ ràng, ở Hồ Chí Minh, ở Đảng và Nhà nước ta, không bao giờ chỉ trông chờ vào việc dựa vào một chủ thể thứ ba nào đó trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hồ Chí Minh cũng hiểu rõ rằng các đối tác, đặc biệt là những nước lớn không đơn thuần muốn cộng tác thật thà với Việt Nam. Đằng sau những thiện chí được thể hiện ra mặt luôn có những động cơ thôn tính hoặc đơn giản là khống chế. Đó là điều thường hay xảy ra trong quan hệ với các nước lớn. Chiến lược và những tính toán của các nước lớn trong mối tương quan đa chiều quốc tế luôn khiến cho các thách thức, khó khăn trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia càng trở nên phức tạp và nguy hại hơn. Trên thực tế, trong thập niên bảy mươi của thế kỷ XX, trước hành động Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa, Mỹ lúc ấy là “bà đỡ”, “người bảo hộ”, đồng minh chiến lược đã bỏ rất nhiều vật chất, con người để dựng lên và bảo vệ chế độ ngụy quyền Sài Gòn nhưng hầu như không có các hành động ngang tầm để giúp đỡ quân đội Sài Gòn thực thi các hoạt động bảo vệ biển đảo. Trong thập niên sau đó, Trung Quốc tiến hành các hành động xâm phạm chủ quyền đất nước ở quần đảo Trường Sa. Bấy giờ, Liên Xô dù có đơn vị quân đội đóng tại cảng Cam Ranh nhưng cũng không thật sự “tích cực” trong giúp đỡ chúng ta. Thời gian gần đây, trước nhiều mối tương quan lợi ích, khi Việt Nam đang kiên quyết đấu tranh chống hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải quốc gia, thì vẫn có nơi không muốn vì Việt Nam mà gây mất lòng Trung Quốc. Do vậy, tiếng nói của họ trong bảo vệ công lý còn nặng về hình thức và dè chừng. Đặc điểm ấy một lần nữa chứng minh sự đúng đắn của luận điểm dựa vào sức mình là chính được Hồ Chí Minh và Đảng ta quán triệt thực hiện. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: Để bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam không dựa vào ai hết ngoài dựa vào dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”. Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng kiến những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Thắng lợi có được là do sức mạnh của nhân dân được tập hợp và phát huy.

Nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng. Có Nhân dân, Đảng mới có quyền lãnh đạo. Nhân dân lại là lực lượng cách mạng to lớn. Lực lượng mạnh thì Đảng mới vững, cách mạng mới thắng lợi. Làm cho dân mạnh tức là làm cho đối tượng lãnh đạo của Đảng, làm cho lực lượng cách mạng của Đảng vững mạnh. Đó cũng là làm cho Đảng vững mạnh. Nhân dân là một tập hợp không thuần nhất. Trách nhiệm của Đảng là phải không ngừng đoàn kết nhân dân thành một khối, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy dân chủ, khai thác trí dân, lực dân, tài dân phục vụ sự nghiệp cách mạng. Khi Đảng làm cho Nhân dân phát huy được sức mạnh vô địch là lúc Đảng mạnh, làm cho Nhân dân trở thành anh hùng là Đảng anh hùng. Nhân dân thế nào, rất quan trọng, quyết định Đảng thế ấy.

Tuy nhiên, cần tránh cái nhìn siêu hình, cực đoan trong dựa vào dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Dựa vào dân là chính, là cốt lõi, là nền tảng, nhưng không chỉ có thế là đủ, thế là được, thế là không cần đến các yếu tố khác. Trên cái nền tảng là sức mạnh nhân dân, cần có sự kết hợp với sức mạnh của thời đại, của ngoại lực. Muốn vậy, cần xây dựng một nội lực quốc gia vững mạnh kết với với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo. Một khi trở lên mạnh, trở nên khéo thì chúng ta sẽ tạo nên “lực hút” lớn cho sự quan tâm và ủng hộ của các quốc gia, tổ chức quốc tế.

Giữ vững chủ quyền quốc gia không phải là trách nhiệm thiêng liêng của riêng ai mà là của toàn dân tộc Việt Nam. Mặc dù đất nước chúng ta không lớn, đang phát triển với nhiều khó khăn, nhưng nếu biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, trên tất cả các lĩnh vực, với các đối sách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kiên trì,... thì chắc chắn chủ quyền quốc gia sẽ được giữ vững.
Khánh Minh
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37058606