Truy cập hiện tại

Đang có 64 khách và không thành viên đang online

Thi đua ái quốc nhằm đem lại hạnh phúc cho Nhân dân

(TGAG)- Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. 72 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân Việt Nam, biến thành sức mạnh đưa cách mạng nước ta đến những thắng lợi ngày càng to lớn hơn.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải  thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong việc xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ Tổ quốc đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” vì thù trong rắp tâm phá hoại, giặc ngoài lăm le xâm lược, việc động viên sức lực của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều cần thiết. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh thì “Một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ trọng thưởng”. Việc đề xuất thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh được nêu lên lần đầu tiên năm 1947 trong tác phẩm “Đời sống mới”. Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề ra sáng kiến về tổ chức, lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước để giành thắng lợi to lớn hơn. Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc; mục đích là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc.

Thi đua ái quốc nhằm đem lại hạnh phúc cho Nhân dân

Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau... Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận, quân sự, kinh tế, chính trị , văn hoá”. Mục đích của thi đua ái quốc là nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, toàn dân đủ ăn mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt giặc ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.
 
Lời kêu gọi mang tính chất một lời “hịch” để phát động một phong trào quần chúng rộng lớn, nhằm “kháng chiến và kiến quốc thành công”, nhưng đồng thời thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào cách mạng với ý nghĩa quan trọng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, và việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài với những nhiệm vụ cụ thể trước mắt.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Người cho rằng: “Số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng Huân chương, Huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”. Bên cạnh hình thức tuyên dương anh hùng, chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt việc tốt, để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Việt Nam đang bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, nhân rộng và thực hiện một cách hiệu quả hơn.

Ngày 4/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngày 15/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tấm gương của Người, trên khắp đất nước, trong các ngành, các giới, các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang dấy lên các phong trào thi đua lao động sáng tạo sôi nổi rộng khắp và phát triển mạnh mẽ: phong trào xóa đói giảm nghèo; thanh niên tình nguyện; dạy tốt - học tốt; phong trào vì an ninh tổ quốc; rèn đức luyện tài, con cháu thảo hiền; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.

Có thể khẳng định rằng trải qua hơn 7 thập kỉ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn. Từ những ngày đầu phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp!.

Hòa Bình
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36730292