Truy cập hiện tại

Đang có 163 khách và không thành viên đang online

Các Mác - nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài!

(TGAG)- Mác là người đầu tiên chứng minh: “Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”. Chưa đầy một thế kỷ, nó đã tạo ra những lực lượng sản xuất đồ sộ, nhiều hơn tất cả những gì lịch sử trước đó đã làm được - một sự phát triển “mau chóng lạ thường”! Cùng với đó, trong mỗi bước phát triển đều có một bước tiến bộ chính trị. Kết quả: Nó đã “chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị” và “cái lâu đài” nhà nước đã trở thành của riêng nó… Mặc dù vậy, giai cấp tư sản vẫn: “… không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp”. Nó chỉ đem lại những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới. Trong cuộc đấu tranh mới đó: “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản”. “Nhưng giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”. Mác kết luận: “… chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng”- vì nó là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản khẳng định: “Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”. Đây chính là căn nguyên mà ngay từ khi ra đời, nhất là từ sau khi Liên Xô sụp đổ, sự chống đối chủ nghĩa Mác ngày càng gia tăng.

Hiện nay, thế giới đã biến đổi rất nhiều và ngày cành nhanh chóng hơn, “lạ thường” hơn! Người ta đang nói về một “Thế giới phẳng”, nói về Thời đại số hóa, về Cách mạng công nghiệp 4.0,… Nhưng dù biến đổi thế nào, thế giới vẫn phát triển theo các quy luật mà Mác đã dự báo. Trong trái tim của những người tiến bộ trên toàn thế giới: Mác mãi mãi là một vĩ nhân, nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại…

Gần đây Terry Eagleton, giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste (Anh), tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? được Trường Đại học Tổng hợp Yale, một trường danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011 là một ví dụ. Ông bác bỏ quan niệm: “Chủ nghĩa Mác đã kết thúc, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ XIX, không ăn nhập gì với xã hội Phương Tây hậu hiện đại…”. Ông tiếp tục chứng minh Mác là người đầu tiên chỉ ra chính xác nguyên nhân sâu xa của sự hình thành và phát triển phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN); là người đầu tiên, duy nhất phê phán CNTB một cách sâu sắc, toàn diện và khắt khe nhất; đó là sự phê phán trực tiếp góp phần làm thay đổi bộ phận lớn của thế giới, thậm chí thay đổi cả thế giới. Terry Eagleton còn dẫn nhiều tư liệu để chỉ ra: CNTB đang suy nhược do cạnh tranh quốc tế gia tăng khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt nguồn đầu tư, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài, nền dân chủ xã hội trở thành một sự lựa chọn chính trị cực đoan và đắt đỏ… Trật tự TBCN ngày càng cực đoan và tàn nhẫn. Tư bản bị tập trung nhiều hơn vào trong tay một số ít người và ngày càng mang tính cướp đoạt chủng tộc; ngày càng lan rộng tình trạng ngu si văn hóa, nguy cơ đẩy loài người vào cuộc chiến tranh hủy diệt, thậm chí có thể quét sạch loài người ra khỏi trái đất bởi kho vũ khí hạt nhân khổng lồ… Tất cả đúng như Mác từng dự báo!  T.Eagleton kết luận: Sự phê phán của C. Mác đối với hệ thống TBCN đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tương tự như vậy Fredrie Jamoson trong cuốn “Hệ tư tưởng của học thuyết”, xuất bản năm 2008 ở London cũng viết: “Chủ nghĩa Mác dứt khoác đúng!”.

Trong tương lai gần, CNTB tuy vẫn còn tiềm năng phát triển; có mặt đã bớt “xấu xí” hơn, nhưng bản chất áp bức, bóc lột thì vẫn không hề thay đổi. Những mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, giữa lực lượng sản xuất đã xã hội hóa cao độ với cái vỏ quan hệ sản xuất TBCN chật hẹp vẫn phát triển ngày càng sâu sắc. Các cuộc khủng hoảng, gần đây, nhất là khủng hoảng tài chính năm 2008 càng chứng minh sự bế tắc mà Mác vạch ra! Tờ Financial Times ra ngày 27/5/2011 trong bài bình luận cuốn sách của T.Eagleton đã cho rằng: “Cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với CNTB”. Giắc-cơ Đê-ri-đa, triết gia có uy tín người Pháp, đã kêu gọi nhân loại “Trở về với Mác”, rằng nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”. Ngay Brê-din-xki, mặc dù rất thù ghét chủ nghĩa Mác, cũng phải thừa nhận: “Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý các mâu thuẫn hiện thực”. Tỷ phú đầu cơ chứng khoán George Soros - còn được mệnh danh là “nguyên thủ quốc gia không có quốc gia” nhận xét: “Mác và Ăngghen đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản từ cách đây hơn 200 năm”…

V.I.Lê-nin đánh giá: "Ðiểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa"; xây dựng xã hội tương lai mà trong đó: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Đi theo sự chỉ dẫn của Người chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch; ra sức vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống: Nhanh chóng xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu; Nhân dân có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc; Đất nước có vị thế ngày càng cao, vai trò ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Trung Thành
Bài đăng trên TTCTTT số 05/2020
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37048032