Truy cập hiện tại

Đang có 151 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Những câu chuyện Bác Hồ nói về Bác Tôn

(TGAG)- Bác Tôn sinh năm 1888, hai năm sau - 1890, Bác Hồ cũng được sinh ra đời, hai con người vĩ đại được sinh ra khi đất nước đang là nô lệ của thực dân Pháp, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than... Bác Tôn đến Sài Gòn khi tuổi đời 18 và từ đây Bác gắn bó với một giai cấp hoàn toàn mới ở Việt Nam, giai cấp công nhân. Tròn 20 tuổi Bác Tôn xin vào học ở trường Bách Nghệ. Tháng 6/1911, từ Sài Gòn, Bác Hồ xin làm thuê trên một tàu buôn của Pháp với mong muốn sang phương Tây xem họ sống như thế nào sau đó sẽ về giúp đồng bào mình. Bác Hồ và Bác Tôn, hai người thanh niên đều có lòng yêu quê hương tha thiết, với nguyện vọng học tập để sau này giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân khỏi kiếp nô lệ.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Đảng và Bác Hồ điều động Bác Tôn từ Nam bộ ra miền Bắc công tác. Từ đây Bác Tôn và Bác Hồ mới được gần gũi cộng tác làm việc với nhau, hướng đến mục tiêu kháng chiến, kiến quốc.

 
Nhân ngày Bác Tôn tròn 70 tuổi, Bác Hồ đã có lời chúc mừng Bác Tôn - Bác Hồ nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để giữ gìn hòa bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Quả thật như vậy, năm 21 tuổi khi đang còn học nghề, Bác đã lãnh đạo những cuộc đấu tranh đầu tiên của công nhân giành thắng lợi. Năm 1909 với cuộc đấu tranh của học sinh thủy thủ; năm 1910 với cuộc đấu tranh của công nhân kiến trúc cầu đường và năm 1912 là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son. Năm 1919 Bác Tôn được đưa vào phục vụ trong hải quân Pháp và Bác đã gắn bó với phong trào đấu tranh của hải quân Pháp. Ngày 20/4/1919, Bác Tôn đã kéo cờ đỏ trên chiến hạm France chào mừng nhà nước Xô Viết và làm binh biến, buộc các tàu chiến của hạm đội Pháp phải rút khỏi Biển Đen. Từ hành động này, Bác Hồ đánh giá Bác Tôn “là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới… là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”. 

Tháng 8/1925, có Bác Tôn, Công hội ra đời biểu hiện sức mạnh ở cuộc bãi công của hơn 1.000 thợ binh công xưởng Ba Son, giam chân tàu chiến của Pháp hàng tháng, không để tàu chiến này kịp sang Trung Quốc đàn áp cách mạng Trung Hoa. Từ khởi nghĩa Hắc Hải đến bãi công Sài Gòn, cả hai cuộc chiến đều là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước với tinh thần quốc tế trong sáng của Bác Tôn. Năm 1929, thực dân Pháp bắt Bác Tôn ở Sài Gòn, từ đó liên tục 17 năm Bác sống trong cảnh tù đày.

Sau khi từ Côn Đảo trở về cho đến năm 1980, Bác Tôn giữ nhiều trọng trách. Đặc biệt từ tháng 3/1946, Bác Tôn được Bác Hồ và Đảng cử ra đảm nhiệm công tác Mặt trận dân tộc thống nhất; dưới sự điều hành trực tiếp của Bác Tôn, Mặt trận đi vào thời kỳ phát triển toàn diện và ngày càng được củng cố vững chắc. Trước những cống hiến của Bác Tôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Đồng chí Tôn Đức Thắng tuy tuổi tác đã cao, nhưng vẫn cố gắng để phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng: Trưởng Ban Thường trực Quốc hội; Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị; Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam; Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới”; và theo Bác Hồ “Đồng chí Tôn Đức Thắng 70 tuổi nhưng rất trẻ, đối với Đảng, đồng chí là 29 tuổi; đối với nước Việt Nam độc lập, đồng chí là 13 tuổi”.

Bất kỳ ở vị trí nào, Bác Tôn vẫn luôn hết lòng vì công việc, nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, như Bác Hồ đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Là người đứng đầu Mặt trận và Nhà nước, sống giữa thủ đô, Bác Tôn vẫn giữ được nếp sống, tác phong và đạo đức của người công nhân. Những ngày nghĩ, vẫn thấy Bác tự sửa chữa, lau chùi chiếc xe đạp mà Bác vẫn thường dùng hoặc mài, dũa, sửa chữa đồ dùng trong gia đình. Mẫu mực đạo đức của Bác Tôn chẳng những cho con cái noi theo mà còn là tấm gương cho các thế hệ Việt Nam phấn đấu rèn luyện để trở thành con người có ích góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Do những hoạt động và những cống hiến xuất sắc, cùng tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Tôn, cũng trong ngày sinh nhật lần thứ 70, Bác Hồ đã có lời chúc cảm động về Bác Tôn: “Hôm nay chẳng những chúng ta ở đây, mà toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam và toàn thể nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình đều vui mừng chúc người lão chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng sống lâu, mạnh khỏe. Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng là huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.

Trong lời đáp từ của mình, Bác Tôn nói: “Trong giờ phút cảm động này, tôi không biết nói gì hơn là hứa lấy cố gắng của tôi để đền đáp công ơn của Đảng, công ơn của Hồ Chí Minh, Người sáng lập và xây dựng Đảng, đã đưa tôi vào con đường vẻ vang và để đền đáp sự tín nhiệm của Nhân dân và Chính phủ”.

Qua những nhận định của Bác Hồ về Bác Tôn đã cho thấy, Bác Tôn không chỉ là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn là chiến sĩ quốc tế có uy tín lớn trên thế giới. Điều đó được biểu hiện không chỉ bằng những lời ca ngợi của bạn bè khắp năm châu, mà còn bằng những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước Việt Nam và phong trào hòa bình thế giới đã trao tặng Bác.

Hòa Bình

___________
Tham khảo tài liệu: Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và quê hương An Giang.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708971