Truy cập hiện tại

Đang có 208 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Tôn Đức Thắng người con ưu tú của quê hương An Giang

(TGAG)- Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình nông dân cần cù, trọng đạo đức, quý nhân nghĩa. Tuổi thơ của cậu Thắng trôi qua trong không khí rộn rã lao động ở nông thôn: làm rẫy, đương lờ, bắt cá... Nếp sinh hoạt của làng quê với tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau” đã hình thành nhân cách Tôn Đức Thắng: nhân hậu, tình nghĩa, giản dị, thích lao động.

Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất

Sinh ra và lớn lên từ vùng sông nước An Giang, có nhiều huyền thoại và truyền thống cách mạng với hào khí Bảy Núi, nơi tụ nghĩa của nhiều chí sĩ yêu nước, bao phen làm cho kẻ thù khiếp sợ, Tôn Đức Thắng sớm có tư tưởng yêu nước, ý thức phản kháng áp bức, bất công. Hàng ngày chứng kiến cuộc sống khốn khổ của nhân dân ta, cảnh thực dân Pháp bóc lột, đàn áp người dân trên quê hương, tấm lòng yêu nước, thương dân, căm thù bọn thực dân xâm lược và tay sai của Tôn Đức Thắng bộc lộ bằng hành động bênh vực người yếu, trị những kẻ ỷ thế hiếp đáp người khác. Những lời dạy về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, về đạo làm người của thầy học Nguyễn Thượng Khách; ngưỡng mộ những gương anh dũng chống Pháp, sự căm thù thực dân xâm lược đã thúc giục Tôn Đức Thắng quyết chí rời gia đình, thâm nhập thực tế xã hội tìm một hướng đi mới, có thể góp sức mình đấu tranh vì nước, vì dân.

Thay vì với học lực tốt nghiệp tiểu học có thể làm “thầy”, Tôn Đức Thắng lại chọn con đường không giống như nhiều người khác. Con đường làm thợ và là thợ cơ khí, hòa mình vào giai cấp công nhân. Chọn con đường làm thợ là Tôn Đức Thắng đã xác định cho mình một hướng đi đúng đắn theo xu thế phát triển của thời đại.

Trong cuộc sống người thợ, Tôn Đức Thắng được mang tính kỷ luật, năng động, nhạy bén và giàu sáng tạo. Dù chưa có giác ngộ giai cấp công nhân, chỉ đứng trên lập trường của một người yêu nước, Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân. Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Bá Nghệ Sài Gòn bãi khóa, giành thắng lợi. Qua các cuộc đấu tranh, nổi rõ khả năng tổ chức, tài tập hợp công nhân của Tôn Đức Thắng.

Những năm sống trong đội ngũ lính thợ ở Pháp, với bản chất bình dị, nhân hậu, Tôn Đức Thắng đã hòa vào cuộc sống của những người lao động Pháp, gần gũi, giúp đỡ không phân biệt chủng tộc, màu da. Tôn Đức Thắng nhận thấy người lao động ở đâu cũng cùng khổ, bị áp bức, bóc lột, nhận rõ bản chất thâm độc, tàn ác của thực dân, tư bản, càng nung nấu thêm ý chí đấu tranh. Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam hoạt động trong phong trào của giai cấp công nhân Pháp và học nhiều kinh nghiệm quý báu về tình đoàn kết và phương pháp đấu tranh.

Năm 1919, xuất phát từ lòng yêu nước, Tôn Đức Thắng cùng anh em binh lính trong chiến hạm France đứng lên phản chiến và là người Việt Nam duy nhất có hành động dũng cảm và nguy hiểm kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga. Chỉ có người yêu nước, khát khao tự do, căm thù đế quốc sâu sắc mới có hành động anh hùng như thế. Tôn Đức Thắng đã chọn một vị trí chính trị làm vinh dự giai cấp công nhân Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước nồng nàn trong Tôn Đức Thắng được nâng lên thành tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả. Hình ảnh người lính thợ Tôn Đức Thắng sáng ngời, đặt mốc son cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga.  

Rời khỏi nước Pháp sau vụ binh biến, Tôn Đức Thắng về Sài Gòn tiếp tục con đường đã chọn đi vào giai cấp công nhân. Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân, trong công đoàn Pháp, Tôn Đức Thắng có được kinh nghiệm quý báu về tập hợp và tổ chức lãnh đạo đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của đế quốc và tay sai, bảo vệ quyền lợi của công nhân và nhân dân lao động. Với lòng nhiệt tình và bản chất giản dị, nhân hậu của người thợ, Tôn Đức Thắng đã tập hợp, đoàn kết được đông đảo công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn và thành lập Công hội bí mật, một tổ chức của giai cấp công nhân. Sự hình thành Công hội bí mật có ý nghĩa quan trọng đối với giai cấp công nhân, gắn liền với tên tuổi của Tôn Đức Thắng. Dù chưa thật sự là một tổ chức cách mạng, nhưng Công hội bí mật đã đánh dấu thời kỳ giai cấp công nhân ý thức về sức mạnh của giai cấp mình. Sức mạnh đó thể hiện qua cuộc bãi công của hơn 1.000 công nhân Ba Son vào năm 1925, kéo dài thời gian sửa chữa tàu chiến Michelet của Pháp đưa sang đàn áp phong trào cách mạng Trung Quốc. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son thể hiện ý thức chính trị, trình độ tổ chức, tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Nó cũng cho thấy uy tín của Công hội và công lao lịch sử của Tôn Đức Thắng, người công nhân ưu tú và lãnh tụ chân chính của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn lúc bấy giờ, đã góp phần tạo ra bước chuyển biến quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác.

Năm 1926, Tôn Đức Thắng bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, thấy đây là tổ chức có đường lối cách mạng mà Công hội và Tôn Đức Thắng đang cần. Có sẵn trong lòng tình cảm sâu đậm với Cách mạng Tháng Mười, lại được rèn luyện trong phong trào công nhân, Tôn Đức Thắng tình nguyện gia nhập Hội Thanh niên và tích cực hoạt động, kết nạp nhiều hội viên của Công hội vào Hội Thanh niên. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Tôn Đức Thắng, đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng của Tôn Đức Thắng từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin.

Với sự đóng góp to lớn của Tôn Đức Thắng và Công hội, tổ chức Thanh niên và phong trào công nhân Nam kỳ phát triển mạnh mẽ. Kỳ bộ Nam kỳ được thành lập, Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên ban chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Giữa lúc phong trào cách mạng ở Nam kỳ đang sôi sục, chuyển biến mạnh mẽ thì Tôn Đức Thắng bị giặc bắt bởi sự kiện vụ án đường Barbier.

Trải qua 15 năm bị đọa đày trong địa ngục trần gian Côn Đảo với bao cực hình dã man của thực dân, đế quốc, khi thì làm công việc khổ sai, khi thì bị nhốt vào hầm xay lúa, nhưng không lay chuyển được ý chí kiên trung, bất khuất của Tôn Đức Thắng. Ngược lại càng nêu cao chí khí quật cường của người chiến sĩ cộng sản cho mọi người yêu nước noi theo. Tấm gương trong sáng làm cho uy tín và ảnh hưởng của Tôn Đức Thắng lan tỏa không những trong những người cộng sản mà còn cảm hóa được một số tù Quốc dân Đảng và tù thường phạm. Cũng chính tại nơi sống chết này, Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Côn đảo và tích cực tham gia đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.

Cách mạng Tháng Tám thành công, vừa ra tù Tôn Đức Thắng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, được bổ sung vào Xứ ủy Nam bộ. Đầu năm 1946, Tôn Đức Thắng được điều ra Hà Nội làm việc bên cạnh Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ.

Công lao nổi bật nhất, tiêu biểu nhất của Bác Tôn là thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, không ngừng mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, Bác Tôn đã động viên đoàn kết được các đảng phái, tôn giáo, dân tộc, các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ Mặt trận. Hơn 30 năm giữ trọng trách lãnh đạo Mặt trận, Bác Tôn phấn đấu không mệt mõi, cùng Bác Hồ và Trung ương Đảng chăm lo khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập thống nhất Tổ quốc. Bác Tôn không chỉ thực hiện xuất sắc chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn luôn chăm lo tình đoàn kết quốc tế, vun đắp, thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân trên thế giới, được nhân dân thế giới khâm phục và kính mến. Bác Tôn là chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới, là người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin.

Cuộc đời đấu tranh cách mạng của Bác Tôn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức của một chiến sĩ cộng sản. Đó là lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, tinh thần dũng cảm, bất khuất, phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân. Đạo đức cách mạng ở Bác Tôn còn nét nổi bật mà ai cũng dễ nhận thấy là đức tính, phong cách: giản dị, khiêm tốn, nhân hậu và thủy chung. Cách sống bình dị, chân chất từ lời nói đến miếng ăn và cần cù như người dân lao động, ngay cả ở vị trí cao nhất của Nhà nước.

Đối với đấng sinh thành, Bác Tôn là người con hiếu thảo. Mấy mươi năm xa cách cha mẹ, Bác luôn đau đáu nhớ về hình ảnh người mẹ già mòn mõi chờ mong. Năm 1952, từ chiến khu Việt Bắc Bác Tôn gửi thư về cho mẹ trong nỗi nhớ thương day dứt: “... Con rất đổi buồn lo không biết mẹ còn sống với con cháu không? Mẹ đã luống tuổi rồi. Chẳng may mẹ có bề nào mà chẳng được thấy mặt con, và con không thọ được tang cho phải đạo làm con, thì đau đớn biết nhường nào. Giặc còn giày xéo quê hương, con bận lo việc nước chưa tròn, chữ trung chưa trọn, chữ hiếu cũng chưa xong. Xin mẹ hiểu lòng con, tha lỗi cho con. Ngày đêm con mong sớm đến ngày độc lập, được sớm về quỳ bên chân mẹ, để nhận hết cái lỗi phải xa cha mẹ từ ngày con biết tự bước trên đường đời...”. Đạo lý truyền thống sáng ngời hiếu thảo với cha mẹ đọng lại mãi mãi trong bức thư của người con ngót sáu mươi tuổi gửi về thăm mẹ đã trên dưới tám mươi tuổi. Nhưng mãi mãi mẹ không nhận được tấm lòng hiếu thảo của Tôn Đức Thắng gửi trong thư vì mẹ đã qua đời vào năm 1947.

Thời gian Bác Tôn sống ở An Giang không nhiều, nhưng trong lòng Bác tình yêu và nỗi nhớ xứ sở tha thiết khôn nguôi. Lòng càng nghĩ về quê nhà sâu nặng thì Bác càng quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương.

Lần về thăm quê sau ngày miền Nam được giải phóng, Bác bùi ngùi xúc động. Xa nhà mấy mươi năm nhưng bác vẫn giữ nét chất phác của người miệt quê, ân cần, giản dị thăm hỏi mọi người. Bác nhớ rất dai, rất kỹ từ chiếc cầu sắt thường ngày qua lại đi học, nhớ con rạch Rít chảy qua nhà, nhớ cây cầu nhỏ cạnh bờ ao cùng nhiều vật dụng khác nữa. Những thứ đã gắn bó với Bác quãng thời thơ ấu, đã trở thành cội rễ bám sâu trong lòng Bác.

Bác đi thăm thị xã Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên), gặp gỡ nhân dân thị xã và một số nơi trong tỉnh. Bác rất vui mừng trước những thay đổi của quê hương. Bác nói: Được Đảng và Nhà nước cho phép về thăm quê nhà. Chưa bao giờ Bác thấy sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc - Nam thống nhất. Bác động viên nhân dân An Giang đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn trong di chúc lịch sử của Người.

Chuyến về thăm quê tuy ngắn ngủi nhưng Bác đã để lại trong lòng nhân dân An Giang bao niềm thương mến và kính trọng. Thật xúc động biết bao khi một vị Chủ tịch nước chỉ về thăm quê khi “được phép” của Đảng và Nhà nước. Càng xúc động hơn khi vị Chủ tịch nước về thăm quê lại mặc chiếc quần có mảnh vá.

Dù Bác Tôn đã đi xa, nhưng hình ảnh của Bác vẫn khắc sâu trong tâm trí đồng bào, đồng chí và nhân dân An Giang với giọng nói ấm áp mộc mạc, chan chứa ân tình; phong cách công nhân khiêm tốn, giản dị.

Sự nghiệp mà Bác Tôn suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tư do, vì hạnh phúc của nhân dân đã và đang trở thành hiện thực trên cả nước. Những lời căn dặn và ước nguyện của Bác Tôn đã và đang được các thế hệ An Giang phấn đấu không ngừng, quyết tâm vượt qua khó khăn vươn lên, xây dựng và phát triển đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Tôn, Đảng bộ và nhân dân An Giang nguyện ra sức học tập tấm gương trung thành, tận tụy, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tăng cường đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, xây dựng An Giang không ngừng phát triển đi lên cùng đất nước.

T.P.H


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713466