Truy cập hiện tại

Đang có 138 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Bác Hồ - Bác Tôn, hai con người - một chí hướng

(TGAG)- Nửa cuối thế kỷ XIX, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã chống cự yếu ớt, nhanh chóng thất bại và đầu hàng. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành thuộc địa nửa phong kiến. Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thì ngọn lửa đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc lại bùng cháy mạnh mẽ khắp nơi, tuy nhiên các phong trào đấu tranh đó đều dần dần rơi vào thất bại. Đến đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã diễn ra cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đang ở trong tình thế rất nguy kịch, đen tối như không có đường ra.

Cùng sinh ra trong cảnh đất nước lầm than và lớn lên với thân phận của người dân mất nước, Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng ngay từ rất sớm đã nuôi trong lòng hoài bão giống nhau là cứu nước nhà thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang.

 
  Di tích Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, bên ngoài cửa Đông Ba Kinh thành Huế, nay là một vườn hoa thuộc phố Phan Đăng Lưu, TP Huế.
 
  Trường Quốc học Huế, được thành lập năm 1896.
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành vào học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, năm sau vào học Trường Quốc học Huế (1). Tại đây, Nguyễn Tất Thành có điều kiện bổ sung kiến thức nho học và tiếp thu văn hóa phương Tây. Thất bại của phong trào chống thuế ở Huế cùng các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX đã giúp cho Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn bộ mặt thật của bọn thực dân và phong kiến tay sai. Không hài lòng với những con đường cứu nước của các vị tiền bối, Nguyễn Tất Thành muốn chọn cho mình một lối đi riêng, đến với các nước phương Tây, đặc biệt là nước Pháp để xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ: Tự do, bình đẳng, bác ái để sau này trở về giúp đồng bào mình. Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm đi tìm chân lý của thời đại để trở về giải phóng dân tộc.

Cùng mốc thời gian năm 1906 đó, Tôn Đức Thắng học xong tiểu học ở Long Xuyên, sau đó Người quyết định lên Sài Gòn để mở mang tầm hiểu biết. Tôn Đức Thắng vào học Trường thợ máy Á Châu - trung tâm duy nhất đào tạo thợ máy tàu thủy của Pháp ở Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp, Tôn Đức Thắng vào làm việc tại xưởng Ba Son. Đây là sự khởi đầu quan trọng trong bước ngoặt cuộc đời của người thợ máy Tôn Đức Thắng: đưa anh đến với giai cấp công nhân. Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh Trường Bách nghệ Sài Gòn bãi khóa. Cuộc bãi công giành thắng lợi, bọn thực dân Pháp ra sức tìm mọi cách dập tắt phong trào và bắt những người lãnh đạo đấu tranh, trong đó có Tôn Đức Thắng. Để thoát khỏi sự lùng bắt của bọn thực dân, cuối năm đó Tôn Đức Thắng đã tìm đường ra nước ngoài. Con tàu La-Coóc của công ty tàu biển chạy trên Đại Tây Dương đã đưa Tôn Đức Thắng từ Sài Gòn đến nước Pháp, từ đó Người bắt đầu cuộc sống trên biển cả, với lòng yêu quê hương tha thiết và với nguyện vọng học tập để sau này trở về đấu tranh mạnh mẽ hơn.

Như vậy là trong khoảng thời gian ngắn hơn một năm (từ 5/6/1911 đến cuối 1912), Sài Gòn đã hai lần đưa tiễn hai người con ưu tú của dân tộc ra nước ngoài với chung một hoài bão là học tập để sau này trở về giúp đỡ đồng bào mình.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm thợ máy tại xưởng quân giới đóng sửa tàu tại Tu-Lông nước Pháp, sau đó chuyển sang làm lính thợ tại chiến hạm France của Pháp. Tháng 4/1919, mặc dù Chiến tranh thế giới đã kết thúc nhưng Chính phủ Pháp điều động một hạm đội gồm năm chiến hạm tiến vào Hắc Hải để cùng với các nước đế quốc khác chống lại nước Nga Xô Viết. Điều đó đã làm cho các anh em binh lính bất bình vì phải tiếp tục đổ máu vô lý. Biết được âm mưu ấy, thợ máy Tôn Đức Thắng đã cùng với anh em binh lính Pháp quyết định phản chiến. 8 giờ sáng ngày 20/4/1919, cuộc binh biến đã nổ ra trên chiến hạm France. Người thợ máy Tôn Đức Thắng vinh dự được anh em binh lính trao trách nhiệm kéo lá cờ đỏ phản chiến lên trên chiến hạm France trước cửa thành Xêvattôpô, ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Bằng hành động đó, Tôn Đức Thắng đã trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ nước Nga Xô Viết thân yêu và xây đắp tình hữu nghị Việt - Xô. Sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng bị buộc phải rời khỏi nước Pháp.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở về nước Pháp tiếp tục hoạt động cách mạng. Cũng thời gian này, ở Nguyễn Tất Thành đã hình thành phẩm chất, tư tưởng, tâm lý của giai cấp công nhân, mà theo Lênin, đó là những điều kiện cơ bản để đứng trong hàng ngũ công nhân, và quan trọng hơn, để đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào Hội những người Việt Nam yêu nước, tham gia vào Đảng Xã hội Pháp nhưng Người vẫn chưa tìm được con đường để giúp dân tộc mình giải phóng. Hai tháng sau sự kiện Hắc Hải, tháng 6/1919, tại Vécxây Nguyễn Tất Thành thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm để đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam và ký tên Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, bản yêu sách cùng những kiến nghị của các dân tộc thuộc địa đều không được bọn thực dân quan tâm.

Bản yêu sách và sự kiện Hắc Hải là hai đòn chính trị liên tiếp đánh trực diện vào đầu não của thực dân Pháp. Qua đây, chúng ta thấy rằng cả Nguyễn Ái Quốc và Tôn Đức Thắng đều có một tư tưởng chung: hân hoan hướng về nước Nga Xô Viết – Nhà nước Công nông đầu tiên của nhân loại với tâm trạng của một người dân mất nước đối với một dân tộc đã giành được độc lập tự do.

Cuối năm 1920, trở về nước Tôn Đức Thắng đã mang theo "gói hành trang" là một tư tưởng tiến bộ và những hạt giống của những mô hình tổ chức Công hội để chuẩn bị đất gieo mầm cho cách mạng sau này. Cũng chính vào thời gian này, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân Đạo (16-17/7/1920). Bản luận cương của Lênin đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức tư tưởng, giúp Nguyễn Ái Quốc đi đến khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản". Đó là con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường của Quốc tế Cộng sản và Đảng Bônsêvích Nga, con đường của chủ nghĩa Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm kiếm suốt gần 10 năm qua!

Trong những năm tháng này, Tôn Đức Thắng đã biết tới Nguyễn Ái Quốc và đã bao lần đi tìm Nguyễn Ái Quốc như tìm một đồng chí, một người dẫn đường. Tuy chưa gặp Nguyễn Ái Quốc, song người thợ máy Tôn Đức Thắng đã có tình cảm đặc biệt với đồng chí Nguyễn Ái Quốc qua những bài báo của Người. Ngay cả khi trở về nước hoạt động, Tôn Đức Thắng vẫn tiếp tục tìm đọc những bài báo, những tác phẩm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc như để đem lại ánh sáng mới cho đời hoạt động của mình.

Đến năm 1927, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu (6/1925) đang ngày càng phát triển tại Sài Gòn. Tuy lúc này, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa gặp nhau nhưng qua các hoạt động cách mạng nổi tiếng đã tìm cách liên hệ với nhau. Nguyễn Ái Quốc đã từng dặn các đại biểu Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu về hoạt động ở Nam Kỳ phải tìm cho được anh thợ máy Tôn Đức Thắng để gầy dựng phong trào trong công nhân. Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo sáp nhập những hội viên tích cực của công hội mình vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và trở thành Bí thư chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên ở Nam Kỳ. Từ đấy, tổ chức Công hội của đồng chí Tôn Đức Thắng là cơ sở cho sự phát triển của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung và giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin trong giai cấp công nhân Việt Nam, tham gia hoạt động tích cực trong quá trình vận động thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản Việt Nam. Qua đây chúng ta thấy rằng, nếu như Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam thì Tôn Đức Thắng là người đã dày công chăm lo, xây dựng mảnh đất màu mở, để những hạt giống cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin được ươm trồng một cách tốt nhất.

 
Hầm xay lúa trong trại Phú Hải nơi ghi dấu ấn của Bác Tôn  
Tháng 12/1928, "phần tử nguy hiểm" Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn và bị kết án 20 năm tù khổ sai đày đi Côn Đảo. Gần 17 năm bị tù đày, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Tại Côn Đảo, Người đóng vai trò rất quan trọng: tham gia thành lập Chi bộ Đảng trong nhà tù (cuối năm 1932), vừa đấu tranh chống lại những chế độ hà khắc của nhà tù, vừa tích cực thực hiện chủ trương "biến nhà tù thành trường học cách mạng" nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa, chính trị Mác - Lênin, ngoại ngữ cho anh em tù nhân, vừa giáo dục cảm hóa những phần tử lưu manh, lạc hậu trong tù, vừa bí mật tổ chức cho các đồng chí cách mạng vượt ngục...

Trong cùng khoảng thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Người vừa làm nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản giao phó, vừa theo dõi chỉ đạo những hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở trong nước và đặc biệt là chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một tổ chức duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 3 đến 7/2/1930).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của hai Người đều trải qua những năm tháng bị tù đày gian khổ của bọn thực dân đế quốc. Nếu như đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 20 năm tù khổ sai (nhưng chỉ bị tù đày gần 17 năm trong đó có 15 năm bị tù đày Côn Đảo) thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng từng hai lần bị tù đày: lần đầu tiên là bị đế quốc Anh bắt giam tại Hồng Kông (1931 đến 1933), lần thứ hai là Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giữ tại Quảng Tây (1942 đến 1944) và một lần bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt!

Năm 1945, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng phát động toàn dân tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền bằng cuộc cách mạng long trời, lở đất. Cùng khoảng thời gian đó tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng với các đồng chí khác tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền và nhanh chóng đưa các chiến sĩ cách mạng trở về đất liền để tiếp tục lãnh đạo cách mạng ở Nam Bộ. Từ giữa năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của đất Nam Bộ vinh dự được Bác Hồ mời ra Trung ương để công tác bên cạnh Người. Tuy đến lúc này hai Bác mới gặp nhau, nhưng về tư tưởng và chí hướng thì hai Bác đã gặp nhau từ hơn 20 năm trước. Từ đây, hai Bác luôn ở bên cạnh nhau, cùng nhau lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc.

Công lao của hai vị Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng đối với dân tộc ta thật là to lớn, sánh tựa trời cao biển rộng. Người dân Việt Nam từ già đến trẻ luôn yêu mến và dành cho hai Người hai danh hiệu đặc biệt mà ở người khác không thể có – đó là hai tiếng Bác Hồ và Bác Tôn - vừa thiêng liêng, tôn kính, lại vừa gần gũi thân thương. Hai Bác là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộcViệt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của hai Bác là tấm gương mẫu mực xứng đáng để cho chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau học tập và làm theo./

Đỗ Văn Đờ La Guôl - Nguyễn Phương An
________________

(1) Hồ Chí Minh tiểu sử. NXB. LLCT, năm 2006.


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37059495