Truy cập hiện tại

Đang có 106 khách và không thành viên đang online

Công tác tuyên truyền

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - một thắng lợi của chiến lược cách mạng không ngừng

(TGAG)- Cách mạng không ngừng là một nội dung hợp thành học thuyết cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nội dung cơ bản nhất của lý luận là giai cấp công nhân có thể và cần phải làm cho cách mạng phát triển liên tục, muốn vậy, cách mạng phải trải qua từng giai đoạn xác định, với những mục tiêu và nhiệm vụ được quy định bởi các điều kiện lịch sử cụ thể. Dựa trên lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác giúp Lê-nin phát hiện ra cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở các quốc gia phụ thuộc, quốc gia thuộc địa hoàn toàn có thể và cần phải là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới. Cuộc cách mạng ấy kết thúc sẽ tạo ra những tiền đề chính trị tiên quyết cho cách mạng XHCN.

Đảng ta, tiên phong là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận đó để xác định mục tiêu, tính chất của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tạo ra các tiền đề chính trị cần thiết cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam xuyên suốt từ Đường cách mệnh đến Chánh cương vắn tắt, đến Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941), cho đến những bài viết và nói sau này của Người là con đường cách mạng không ngừng: Tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) xác định nhiệm vụ cách mạng: “Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạnh dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”. Đây là sáng tạo lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta: một nước, một dân tộc, một Đảng phải tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, có quan hệ tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Miền Bắc giành được độc lập, tiến lên xây dựng CNXH. Còn miền Nam không có con đường nào khác ngoài thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với sự chi viện của hậu phương miền Bắc.

Với ánh sáng của lý luận cách mạng soi đường, Đảng ta, nhân dân ta đã anh dũng, mưu trí kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cách đây 50 năm, với tình hình chiến trường: Mỹ đã thua to nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ta đã thắng lớn nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị đã ra một Nghị quyết lịch sử, chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến lên giành thắng lợi quyết định bằng phương pháp tổng công kích- tổng khởi nghĩa. Nghị quyết lịch sử đã được Hội nghị lần thứ mười bốn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) vào tháng 1-1968 thông qua.

Thực hiện quyết tâm chiến lược, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, đúng vào dịp Tết Mậu Thân, thừa lúc địch sở hở và hoàn toàn bất ngờ, quân dân khắp miền Nam đã phát động Tổng tiến công và nổi dậy đợt một trên toàn miền từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Quân ta đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn và các thành thị, đồng loạt tiến công địch ở 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, kho tàng. Hàng triệu quần chúng đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ ở những mức độ khác nhau. Hầu hết các cơ quan đầu não của địch từ trung ương đến địa phương đều bị quân ta tiến công. Cùng với 2 đợt tiến công tiếp theo trong tháng 5 và tháng 8-1968, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng thêm hàng triệu đồng bào.
 
Quân giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968. (ảnh: Tư liệu)

Tổng tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ Xuân Mậu Thân (1968) là một thắng lợi oanh liệt của quân dân ta, đã làm chấn động nước Mỹ và cả thế giới, tạo nên làn sóng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lan rộng khắp thế giới, làm đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, mở ra bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến: đánh dấu sự thất bại của “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải chủ trương “phi Mỹ hoá chiến tranh”, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari về lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Về mặt chính trị và ngoại giao, dù Mỹ- ngụy có đoán trước được hay không thì ba đợt tiến công của ta trong Mậu Thân 1968 đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng, tạo một ảnh hưởng sâu đậm tại chính nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara, rồi Tổng thống Lyndon B. Johnson cùng đa số thành phần chủ chiến đều nghiêng về phía tìm một giải pháp chính trị bằng hòa đàm Paris, một cuộc xuống thang rõ ràng sau gần 5 năm “leo thang chiến tranh”.
 

Biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại thành phố New York năm 1968. (ảnh: Tư liệu)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân- 1968 giữ một vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Quân và dân ta giành được thắng lợi to lớn trong lúc địch tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai với trên 1 triệu 300 ngàn quân cùng phương tiện chiến tranh hiện đại, đã leo thang chiến tranh đến mức cao nhất.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã khắc phục muôn vàn gian khổ hy sinh, phát huy mạnh mẽ tư tưởng chiến lược tiến công, kết hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, lập nên chiến công Xuân Mậu Thân.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một bước phát triển liên tục của cách mạng Việt Nam trong tiến trình từ khi Đảng ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc. Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nói riêng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung để lại cho dân tộc Việt Nam những bài học lịch sử vô giá, khắc ghi những dấu son chói lọi về một thời kỳ oanh liệt của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân và quân đội ta trong sự nghiệp cách mạng không ngừng: tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì một nền hòa bình, độc lập, tự chủ./.

Nguyễn Thành Nhân


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708971