Truy cập hiện tại

Đang có 251 khách và không thành viên đang online

Tin trong tỉnh

Tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở An Giang năm 2019

(TGAG)- Sáng ngày 29/10/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết và công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở An Giang năm 2019. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình dự và chủ trì.

Cục trưởng Cục Thống kê Thiều Vĩnh An cho biết: Tổng dân số vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 của tỉnh An Giang là 1.908.352 người, là tỉnh đông dân thứ 8 cả nước, trong đó: Nam là 847.570 người, chiếm 49,65%; Nữ là 960.782 người, chiếm 50, 35%, huyện đông dân nhất là Chợ Mới 307.981 người, chiếm 16,1% dân số toàn tỉnh; huyện dân số ít nhất là thành phố Châu Đốc có 101.765 người (chiếm 5,3%).



Sau 10 năm, tính từ thời điểm 2009, quy mô dân số tỉnh An Giang giảm khá nhiều, hơn 234 người (năm 2009 là 2.142.709), là tỉnh có mức độ di dân (đi khỏi địa phương làm ăn xa) nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, dân số giảm so với 10 năm trước chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 97, 6%), dân số giảm tập trung chủ yếu ở hai nhóm người, thứ nhất là đi làm ăn xa ngoài tỉnh, thứ hai là sinh viên đi học.

Mật độ dân số là 540 người/km2 (cả nước là 290 người/ km2), với kết quả này An Giang là tỉnh có mật độ dân số đứng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sau Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Thành phố Long Xuyên là đơn vị cấp huyện có mật độ dân số cao nhất trong tỉnh (bình quân là 2.361 người/km2), thấp nhất là huyện Tri Tôn (196 người/km2).

Tỷ số giới tính của dân số trên địa bàn tỉnh là 98,6 nam/100 nữ (cả nước là 99,1 nam/100 nữ), so với 10 năm trước tỷ số giới tính chưa thay đổi đáng kể (năm 2009 là 98,7 nam /100 nữ). Về phân bố dân cư, dân số  khu vực thành thị trên địa bàn tỉnh là 602.730 người, chiếm 31,59% và dân số khu vực nông thôn là 1.305.622 người, chiếm 68, 41%, so với đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có tỷ lệ dân số  sống ở khu vực thành thị đứng thứ nhì (sau tỉnh Sóc Trăng).

Về dân số chia theo nhóm dân tộc, trong số 1.908.352 người, dân tộc kinh chiếm đa số (1.815.712 người, chiếm 95,15 %), kế đến là dân tộc Khmer (75.878 người, chiếm 3,98%), dân tộc Chăm (11.171 người, chiếm 0,59%), dân tộc Hoa (5.233 người, chiếm 0,27%), phần còn lại là dân tộc khác và một số ít là người nước ngoài.

Về tình trạng hôn nhân, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đã từng kết hôn là 79,5%, trong đó đang trong tình trạng hôn nhân là  69,6%, đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,6%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn ở khu vực nông thôn có phần cao hơn so với khu vực thành thị 4,7%.

Về tình hình biết đọc, biết viết, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết trên địa bàn tỉnh là 91,6%, trong 11 đơn vị hành chính cấp huyện thì hai huyện miền núi và huyện đầu nguồn An Phú tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết thấp so với mặt bằng chung của tỉnh (Tri Tôn là 79,2%, Tịnh Biên là 81,4% và An phú là 85,0%). So với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (trừ thành phố Cần Thơ) tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết của tỉnh An Giang thuộc nhóm thấp (chỉ sếp trên tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh).

Về hộ dân cư, nhà ở, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 toàn tỉnh có 525.656 hộ dân cư, xấp xỉ 10 năm trước (thời điểm 01/4/2009 toàn tỉnh có 526.599 hộ), số hộ có từ 2-4 người/hộ chiếm đa số, chiếm 65,1% (cả nước 65,5%). Điều kiện  nhà ở của các hộ dân cư đã cải thiện rõ rệt cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn, hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (tỷ lệ hộ có nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ chiếm gần 22%, giảm gần 50% so với 10 năm trước (năm 2009 tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ chiếm 40,9%).



Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương, ghi nhận tinh thần, trách nhiệm tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lực lượng điều tra viên. Đồng chí cho rằng kết quả  từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng là căn cứ để xây dựng Quy hoạch tỉnh và các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và hằng năm, nhất là phục vụ kịp thời để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới. Đồng chí lưu ý ở hạn chế qua cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở An Giang đó là tỷ lệ di dân cao ở An Giang.

Đồng chí đề nghị Cục Thống kê tỉnh cần sớm tổ chức biên soạn các số liệu Tổng điều tra để cung cấp cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh kịp thời thống nhất sử dụng số liệu, tăng cường khai thác cơ sở dữ liệu, tổng hợp, phân tích chuyên sâu nhằm tăng tính hiệu quả của số liệu từ cuộc Tổng điều tra. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá nguyên nhân vì sao An Giang có tỷ lệ di dân cao, trên cơ sở đó  tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp phù hợp.

Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt là Ban Chỉ đạo tỉnh tập trung đánh giá việc thực hiện các nội dung quy định trong phương án Tổng điều tra năm 2019 và các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt chú trọng những kinh nghiệm để tổ chức thực hiện các cuộc tổng điều tra lần sau.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê để thu thập thông tin, hình thành hệ thống dữ liệu gắn với triển khai Đề án chính quyền điện tử An Giang, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.


Dịp này Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 18 tập thể, 166 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Tổng điều tra dân số trên địa bàn tỉnh./.

Ngọc Hân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
41702253