Truy cập hiện tại

Đang có 101 khách và không thành viên đang online

Tin trong tỉnh

Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

(TGAG)- Những ngày Tháng Tư lịch sử sắp đến. Cùng với cả nước, An Giang đang hướng về những ngày chiến thắng hào hùng ấy. Và tên tuổi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn - nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam gắn liền với những chiến công thần tốc của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Đồng chí Lê Duẩn báo cáo tình hình cách mạng miền Nam với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1957 (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Lê Duẩn, nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Là nhà lý luận, nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và của nhân dân ta. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7/4/1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất ngày 10/7/1986 tại Hà Nội. Đồng chí thuộc lớp người đầu tiên đi theo con đường cách mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Sau gần 30 năm hoạt động và chỉ đạo công tác cách mạng ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng (tháng 9/1960 đến tháng 7/1986, 3 nhiệm kỳ Đại hội III, IV, V). Trong gần 30 năm là nhân vật lãnh đạo hàng đầu của cách mạng Việt Nam, làm việc bên cạnh Bác Hồ trong thời gian đầu và sau đó là người đứng đầu của Đảng, đồng chí Lê Duẩn là tiêu biểu của trí tuệ Trung ương, Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đồng chí đề xướng và tập hợp trí tuệ tập thể, xác định đường lối chính trị, đường lối quân sự, xác định đường lối đối nội, đối ngoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân cả nước và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đồng chí là người lãnh đạo việc tổ chức xây dựng nhà nước của nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng các lực lượng chiến đấu, trước hết là nâng cao năng lực của Đảng và các lực lượng vũ trang.

Cuộc đời hoạt động cách mạng 60 năm của đồng chí gắn liền với những trang sử đấu tranh oanh liệt của đất nước ta từ những năm 1920 đến những năm 1980. Dấu ấn thể hiện tư duy sắc sảo, nhạy bén với thực tiễn của đồng chí thể hiện rõ nét nhất trong chỉ đạo cách mạng miền Nam ở những năm đầu chống Mỹ. Từ năm 1954 – 1957, sau khi hiệp định Genève được ký kết, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam lãnh đạo cách mạng. Trong những tháng năm vô cùng khó khăn này, đồng chí sống giữa lòng dân, ngày đêm chen vai sát cánh với đồng chí, đồng cam cộng khổ với đồng bào, được quần chúng tin yêu và hết lòng bảo vệ, che chở. Đồng chí đến nhiều địa phương, từ những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển Tây Nam tới những trung tâm công nghiệp và đô thị lớn, nhằm củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống Mỹ. Bản “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” nổi tiếng do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo giữa sào huyệt quân thù vào mùa thu năm 1956 chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống Mỹ Diệm để cứu nước ta và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng, ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, tưởng chừng bế tắt của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, Đề cương có giá trị đột phá, khai thông, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng Khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam trong năm 1960.

Ý nghĩa to lớn của Đề cương là ở chỗ nó góp phần chuẩn bị cơ sở lý luận và chính trị cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15- bản thân Nghị quyết 15 đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam lúc bấy giờ từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh vũ trang, và tiếp theo đó là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 06/1960).

Năm 1957, Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí ra miền Bắc để lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Bác Hồ. Dưới sự chủ trì của Bộ Chính trị và Bác Hồ, đồng chí góp phần quan trọng hoạch định đường lối chính trị và chiến lược, giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trong phạm vi cả nước.

Phong cách tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo là nét rất đặc trưng ở đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí vừa có tầm nhìn sâu rộng, bao quát, vừa chú ý cái cụ thể, nhạy cảm với sự vật mới và có tài nắm bắt kịp thời cái mới khi vừa nảy sinh, từ đó sớm rút ra những kết luận cần thiết cho nhận thức và hành động. Ví dụ, từ chiến thắng Bình Giã, Ba Gia của quân giải phóng, đồng chí rút ra kết luận Mỹ đã thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”; từ trận Vạn Tường, đồng chí rút ra kết luận ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng quân Mỹ. Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột đến giải phóng Huế có nghĩa giải phóng Đà Nẵng. Giải phóng Đà Nẵng, đồng chí khẳng định ngay có nghĩa giải phóng Sài Gòn. Và thực tế, thời cơ đẻ ra thời cơ, kế hoạch chiến lược toàn thắng hai năm 1975 - 1976 rút xuống còn một năm, rồi trước mùa mưa năm 1975, cuối cùng là 56 ngày với phương châm hành động “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc chắng”. Ý nguyện của Bác Hồ: “Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” được thực hiện trọn vẹn.

Đồng chí không chỉ sắc sảo trong cách mạng dân tộc, dân chủ mà trong tư duy chiến lược về cách mạng XHCN của đồng chí rất nhạy bén. Những vấn đề đồng chí đặt ra cách nay nửa thế kỷ vẫn còn mang tính thời đại như: vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người giữ vị trí hết sức trọng yếu. Luận điểm “tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt” ngày càng được thực tiễn chứng minh là đúng…

Hoạt động thực tiễn và lý luận của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong 60 năm là những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Là một người Macxit Leninit lỗi lạc và có tính chiến đấu cao, đồng chí đã có những cống hiến quý báu trong việc xây dựng kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, trong việc vạch ra đường lối cách mạng độc lập, tự chủ đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong 2 cuộc cách mạng vừa qua: Cách mạng dân tộc dân chủ cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đồng chí là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với cách mạng Việt Nam như: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì CNXH tiến lên giành thắng lợi mới”, “Thư vào Nam”… đồng chí đã có 142 tác phẩm được ấn hành với tổng số 17.180 trang và 5 triệu 125 nghìn bản. Trong các tác phẩm lý luận của mình, đồng chí đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn những nguyên lý phổ biến của cách mạng miền Nam vào điều kiện cụ thể Việt Nam, phát triển thêm một bước ý tưởng thiên tài của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo khác, gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong cuộc chiến đấu anh hùng giải phóng đất nước, thống nhất tổ quốc, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc ta, độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng CNXH. Đồng chí đã toàn tâm, toàn ý, lúc nào cũng suy nghĩ, tìm tòi con đường đi phù hợp với cách mạng Việt Nam. Và suốt cuộc đời đồng chí Lê Duẩn phấn đấu không hề mệt mỏi vì độc lập tự do, thống nhất tổ quốc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ghi nhận công lao to lớn ấy, đồng chí Lê Duẩn được Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng các nước XHCN tặng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Sao vàng và Giải thưởng Lênin.

P.H (tổng hợp tư liệu)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37028992