Truy cập hiện tại

Đang có 186 khách và không thành viên đang online

Những điểm sáng kinh tế 2014 và cơ hội cho năm 2015

Trước thềm năm mới 2015, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có những phân tích, đánh giá khái quát về những điểm sáng kinh tế năm 2014 và những cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm tới. 

 

 Đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương  (Ảnh: HH)

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2014, nền kinh tế nước ta có những điểm sáng nào đáng chú ý?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Qua theo dõi tình hình thực tế, cũng như báo cáo của Chính phủ, đánh giá khách quan của các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy nền kinh tế Việt Nam năm 2014 có 3 điểm sáng rõ nét nhất, đó là kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Thứ nhất là kinh tế vĩ mô năm 2014 tiếp tục ổn định, củng cố và vững chắc hơn năm 2013. Với mức tăng trưởng kinh tế dự báo trên 5,8% cho thấy đây là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ từ 2011 - 2014 đạt và vượt kế hoạch. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.

Điểm sáng thứ hai là thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn, biểu hiện qua các yếu tố như lãi xuất huy động, cho vay đều giảm mạnh khoảng 8 - 9% so với trước đây; Dự trữ ngoại hối tăng mạnh; Tỷ giá giữa tiền đồng với đôla Mỹ ít biến động. Điều này củng cố tâm lý thị trường, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất xuất khẩu; Thị trường chứng khoán có nhiều chuyển biến tích cực và được đánh giá nằm trong 5 thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới.

Điểm sáng thứ ba, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Cụ thể, lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bao gồm cổ phần hóa và thoái vốn đã được đẩy nhanh, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 16/3/2014. Đây được coi là điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tháo gỡ khó khăn về thoái vốn cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2014, tốc độ thoái vốn đã gấp 3,5 lần so với năm 2013; công tác cổ phần hóa tiến triển tích cực không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng đẩy nhanh cổ phần như Tập đoàn Dệt may, Việt Nam Airline...Quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Đối với tái cơ cấu ngân hàng đã đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định tính thanh khoản, nợ xấu từng bước được xử lý; hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về tái cơ cấu đầu tư công được triển khai đúng hướng, có chuyển biến tích cực bằng việc giảm dần đầu tư phân tán dàn trải, tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư...

Nhờ sự chuyển biến tích cực ấy, các đối tác quốc tế đã đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Các hãng đánh giá tín nhiệm trong năm vừa rồi có nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam: Moody’s nâng xếp hạng tín nghiệm Việt Nam từ mức B2 lên B1 cùng với đánh giá triển vọng và ổn định. Fitch Ratings đã nâng tín nhiệm nợ nội địa, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tuy đạt những kết quả kinh tế quan trọng, song chúng ta cũng gặp không ít khó khăn đang tồn tại và sẽ còn ảnh hưởng sang năm 2015. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Những khó khăn thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong 2015, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc, đáng chú ý là phải quan tâm nhất là cân đối thu chi ngân sách trong điều kiện nợ công cao và giá dầu thô xuất khẩu giảm sâu. Tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có thực hiện khá quyết liệt, nhưng còn chậm, không được như mong muốn.

Rủi ro còn lại là khả năng, năng lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của chúng ta như thế nào có tiếp tục được đà từ năm 2014 để tạo ra cái mới hay không.

Phóng viên: Cuối năm 2014, chúng ta phải đối mặt với việc giá dầu thế giới giảm. Là một nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, giá dầu sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, thưa đồng chí?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu dầu thành phẩm nên tác động của giá dầu thế giới đối với nước ta cũng có tính hai mặt. Như chúng ta đã biết, từ tháng 7/2014, giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm và giảm mạnh cho tới nay. Đến ngày 17/12/2014 đã xuyên qua mốc 60 USD/thùng, là mức thấp nhất trong vòng 54 tháng và đã giảm tới 47,8% so với đỉnh lập trong tháng 6/2014. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của sản xuất và tiêu dùng. Việc giảm giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho người dân tăng nhu cầu chi tiêu, doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo một số phân tích, nếu giá bán xăng dầu giảm 10% thì giá sản xuất gảm 0,57%, CPI giảm 0,55% và GDP tăng trưởng thêm 0,91%. Tuy nhiên, giá dầu thô nếu tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015 thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước trong năm 2015 vì chúng ta xây dựng dự toán 100 USD/thùng. Theo tính toán của Chính phủ, nếu giá dầu xuất khẩu giảm 1 USD/thùng thì sẽ làm ngân sách hụt thu từ dầu thô 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, bên cạnh việc tạo hiệu ứng lan tỏa kích thích kinh tế khi giá dầu giảm, chúng ta còn phải tính toán chi tiết cấp độ ảnh hưởng để có phương án bù đắp nguồn thu đi đôi với rà soát, kiểm soát chi tiêu trong bối cảnh nợ công năm 2015 đã gần mức chạm trần cho phép 65% GDP. Đây là điểm mà chúng ta phải hết sức thận trọng, không được chủ quan.

 

Kinh tế Việt Nam năm 2015 có nhiều cơ hội để bứt phá (Ảnh: HH)

Phóng viên: Thưa đồng chí, nền kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ đón chờ những cơ hội gì đang được mở ra?

Đồng chí Vương Đình Huệ: Năm 2015 xu hướng kinh tế thế giới tiếp tục được phục hồi: Nhật Bản kiên trì chính sách kinh tế Abenomics với 3 mũi tên về tín dụng, về tài khóa và vấn đề kích thích tăng trưởng; kinh tế Mỹ phục hồi khá hơn; Trung Quốc duy trì ở mức 7, 5%; EU giải quyết cơ bản vấn đề nợ công… Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố, kết hợp hai vấn đề này cho thấy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biết tích cực hơn trong năm 2015. Nhiều chuyên gia cũng có nói là chuyển biến tích cực hơn thôi, chưa nói vấn đề đột phá hay mạnh mẽ, chắc chắn xu hướng này là xu hướng tất yếu của năm 2015.

Năm 2015 cũng có thể là một năm hội tụ nhiều điều kiện chủ quan và khách quan:

Thứ nhất, năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, năm gọi là “chạy nước rút” để đạt mức hoàn thành chỉ tiêu cao nhất kế hoạch 5 năm. Nhiều phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp sẽ tạo ra khí thế, xung lực cho kinh tế - xã hội.

Thứ hai, năm 2015 là năm sẽ kết thúc đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại. Chúng ta đang đồng thời tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc, các khối kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Úc... Đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán FTA. Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Năm 2015 là năm sẽ có nhiều đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, cộng với cam kết của Chính phủ đưa môi trường đầu tư kinh doanh của ta xuống mức bình quân của Asean - 6, nhất là trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, đất đai…, sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: dangcongsan.vn

 

 

 

 

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37047166