Truy cập hiện tại

Đang có 306 khách và không thành viên đang online

Nâng tầm vị thế Việt Nam

(TGAG)- Cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ lần thứ 2 diễn ra cuối tháng 2-2019 tại thủ đô Hà Nội - Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt về chính trị lẫn sức ảnh hưởng đến một tương lai thịnh vượng ổn định của bán đảo Triều Tiên cả trên tầm quốc tế. Cả thế giới theo dõi sự kiện với kỳ vọng mở ra chương mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia trên lý thuyết vẫn đang đối đầu, thù địch, cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Triều Tiên chưa gỡ bỏ, khác biệt về chính trị vẫn còn nhiều sâu sắc và trên hết cuộc chiến tranh liên Triều do Mỹ hậu thuẫn về lý thuyết vẫn chưa chấm dứt. Do đó, ý nghĩa cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump được cả thế giới kỳ vọng sẽ mang đến hòa bình, ổn định và ký hiệp ước chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, hướng đến một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng sẽ được ký kết trong tương lai gần.



Không giản đơn mà Mỹ và Triều Tiên đồng thuận tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội, việc chọn quốc gia tổ chức gặp thượng đỉnh lần này mang ý nghĩa chính trị hết sức lớn lao. Đầu tiên phải nhắc đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Hai quốc gia từng đối đầu với cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hàng chục năm, tuy nhiên, với tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, Việt Nam và Mỹ đã có nhiều bước chuyển mình trong quan hệ ngoại giao. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Sau khi bình thường hóa, hai nước đã thiết lập và duy trì mối quan hệ chính trị-ngoại giao tích cực. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ đã thực hiện 6 chuyến thăm chính thức tới Thủ đô của hai nước: Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump thăm Việt Nam vào các năm 2000, 2006, 2016 và 2017; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Hoa Kỳ vào 2005, 2007, 2008 và 2017. Tất cả đã cho thấy, một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn hướng đến một tương lai tươi đẹp, ấm no, cuộc sống Nhân dân ngày một phát triển. Và cũng cần nhắc lại, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có lãnh đạo gọi điện chúc mừng ông Donald Trump sau khi ông đắc cử Tổng thống thứ 45 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Và tháng 5-2017, cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump đã diễn ra tại Nhà Trắng là cuộc gặp đầu tiên của ông Trump trên cương vị Tổng thống với lãnh đạo một quốc gia Đông Nam Á.

Đối với Triều Tiên, Việt Nam và Triều Tiên có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Là quốc gia theo chế độ XHCN, Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 31-01-1950. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai bên đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao, từ Bộ trưởng trở lên, trong đó đặc biệt có chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 8-12/7/1957 và phía Triều Tiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam từ 27/11-3/12/1958. Hai bên đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế khoa học kỹ thuật Việt Nam-Triều Tiên; đến nay đã họp được 9 phiên (phiên thứ 9 tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 10/2014). Hai nước cũng đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), Hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (9/1969), Hiệp định vận tải biển (3/6/2002), Hiệp định thương mại (3/5/2002), Hiệp định tương trợ tư pháp (3/5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/5/2002)...

Việt Nam đã, đang vươn mình phát triển mạnh mẽ về kinh tế; chính trị ổn định với đà tăng trưởng GDP trên 6% những năm qua là con số đáng tự hào của một quốc gia chỉ chấm dứt chiến tranh hơn 40 năm. Công cuộc phát triển của Việt Nam luôn trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, yêu chuộng hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam trên trường quốc tế. Chọn Việt Nam để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên – Mỹ lần thứ 2 với sự có mặt của hơn 3.000 nhà báo trên khắp thế giới, tại thủ đô ngàn năm văn hiến Hà Nội – Việt Nam, còn cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên cũng như các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhìn nhận Việt Nam hôm nay đã thực sự khép lại quá khứ chiến tranh để trở thành một hình mẫu quốc gia trẻ trung, năng động, chủ động hội nhập quốc tế, kinh tế ổn định, an ninh chính trị giữ vững và là biểu tượng cho sự hòa bình, thịnh vượng mới trên bình diện quốc tế.

Bảo Trị
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37135232