Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Đồng bằng sông Cửu Long sớm triển khai dự án bố trí chỗ ở mới an toàn cho hơn 11.366 hộ dân vùng sạt lở

(TGAG)- Ngày 15/11, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị đánh giá công tác ứng phó với lũ đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho các năm tiếp theo.


Ông Nguyễn Hiệp, Phó cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, sau nhiều năm đồng bằng sông Cửu Long mới xuất hiện đỉnh lũ đạt mức báo động II; mực nước lũ vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười tăng mạnh vào nửa đầu mùa lũ và đạt đỉnh lũ chính vụ vào các ngày giữa đến tuần cuối tháng 9 (đỉnh lũ dạt đỉnh tử 3,04m - 3,80 m, cao hơn báo động II  từ 0,14m - 0,30 m, cao hơn năm 2014, 2015, 2016, 2017, nhưng thấp hơn đỉnh lũ năm 2000 và năm 2011) chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến 4 tỉnh gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Long An; làm 1.845 héc ta lúa Thu đông bị thiệt hại; 5.480 nhà bị ngập; 2.375 ha cây ăn quả và 140,6 ha rau màu bị ngập; 334 m đường giao thông bị hư hỏng; 118.840m đường giao thông bị ngập; 182.990m bờ bao bị tràn…

Nhưng với các giải pháo quyết liệt, chủ đông của các địa phương đã kịp thời hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích ngoài đê bao, bờ bao, giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất; kịp thời gia cố, xử lý sự cố đê bao, bờ bao, khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu; hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt chưa có thiệt hại về người.


Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, sau nhiều năm không có lũ hoặc lũ thấp nên người dân Đồng bằng sông Cửu Long có phần chủ quan. Nhiều người vẫn canh tác lúa, cất nhà vùng ngoài đê bao. Một số khu đê bao không được nâng cấp, tu sửa nên gặp nguy hiểm khi nước dâng cao. Công tác dự báo còn nhiều hạn chế, độ chính xác chưa cao; các thông tin về hồ chứa của các nhánh sông lớn và dự báo mưa trên lưu vực còn chưa được đầy đủ và kịp thời; lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa được trang bị kiến thức và các kỹ năng về phòng chống thiên tai; công tác di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm còn hạn chế do thiếu kinh phí…

Theo ông Đỗ Tiến Lanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, năm 2018 lũ về cơ bản là năm lũ đẹp, ngoài việc lũ đầu vụ ở mức cao, về sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 ngày và triều biển ở mức cao nên đã xảy ra ngập và thiệt hại một ít diện tích lúa Hè Thu, hoa màu sản xuất ngoài đê bao ở các tỉnh đầu nguồn và một số diện tích cây ăn trái ở các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Vĩnh Long và Bến Tre. Tuy nhiên, lợi ích của lũ mang lại sau những năm lũ nhỏ cũng rất đáng kể như gia tăng nguồn lợi thủy sản, vệ sinh và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng và cũng là một đợt để nhìn nhận và đánh giá lại công tác ứng phó với thiên tai cho Bộ và các địa phương sau những năm lũ nhỏ và không có lũ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, “lũ cuối vụ rút nhanh khả năng mặn sẽ xâm nhập sớm, các địa phương cần có những giải pháp thích ứng kịp thời cho mua khô 2019, vì theo dự báo, tổng dòng chảy của sông Mê kong vào mùa khô năm 2019 sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 - 35%; mực nước sông Cửu Long xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung mình nhiều năm từ 0,1 - 0,3m”- ông Lanh cảnh báo.

Dự báo, lũ ở đồng bằng sông Cửu Long những năm tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; để chủ động ứng phó, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo kịp thời đến cộng đồng để triển khai phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Chỉ đạo thời vụ gieo cấy, thu hoạch lúa Hè Thu sớm để tránh lũ, khuyến cáo nhân dân không cấy lúa vụ Thu Đông ở vùng đầu nguồn và ở những khu vực không đảm bảo an toàn để hạn chế thiệt hại. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội tu bổ các cụm, tuyến dân cư, các tuyến đê bao, bờ bao.


Các địa phương sớm kiện toàn tổ chức, cơ sở vật chất, lực lượng phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để người dân hiểu và có giải pháp chủ động; rà soát, tu bổ, gia cố hệ thống công trình thuỷ lợi, đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất và các khu dân cư.

Bên cạnh đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí nguồn vốn triển khai các dự án di dân khẩn cấp phòng chống sạt lở, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ để bố trí cho hơn 11.366 hộ thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An với tổng kinh phí là 2.348 tỷ đồng

Mặt khác, các địa phương cần chủ động xây dựng “kịch bản” ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chú trọng phát triển sinh kế cho người dân trong mùa lũ, thay vì khai thác, đánh bắt tự do, chính quyền các địa phương cần hướng người dân phát triển kinh tế dựa vào lũ. Đẩy nhanh việc xác định các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao triệt để, kết hợp xây dựng hệ thống trạm bơm để điều tiết nước đảm bảo sản xuất an toàn chống lũ, hạn. Xây dựng Dự án “Gia cố đê bao, bờ bao và hệ thống trạm bơm để bảo vệ sản xuất và các khu dân cư” trình Chính phủ, làm cơ sở để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu./.

Công Mạo
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36716696