Truy cập hiện tại

Đang có 93 khách và không thành viên đang online

Trông đợi những quyết sách lớn

Năm 2015 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, do đó chương trình làm việc của Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII được "dồn nén" nhiều đầu mục quan trọng xét từ góc độ làm luật đến việc đưa ra quyết sách cho những vấn đề lớn của đất nước. Đây cũng sẽ là phiên họp mà mỗi đại biểu Quốc hội như mang trên vai mình gánh nặng lớn hơn trước những đòi hỏi của cử tri và nhân dân cả nước về biết bao vấn đề đang đặt ra từ thực tế cuộc sống không ngừng vận động với yêu cầu phát triển ngày một cao hơn.

 
"Thước đo" từ đời sống

Sau một năm vô cùng khó khăn, năm 2014 tình hình kinh tế- xã hội nước ta đã có những cải thiện, lòng tin của các nhà đầu tư đã được tăng thêm. Sự bật lên của chỉ số tăng trưởng GDP mang đến điểm sáng cho bức tranh chung. Và không phải không có lý khi nhiều đại biểu tán thành với "Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015" do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc. Rằng: "Cộng đồng DN đã có niềm tin hơn vào môi trường kinh doanh sau thời kỳ khủng hoảng và yên tâm đầu tư, đã có các DN ngừng hoạt động quay trở lại với thị trường". Một điểm sáng nữa là không ít chỉ số an sinh xã hội cũng được bảo đảm như: số người có việc làm là 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83% so với năm 2013, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 71,6%...

Rõ ràng, những con số tích cực là điều mà cả đại biểu và cử tri đều mong mỏi vì nó đưa đến cái nhìn lạc quan hơn về bức tranh chung. Tuy vậy, cũng không thể không chú ý đến những điểm nổi cộm không kém trong Báo cáo của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ sự lo ngại về công tác điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2014 khi mà theo số ước thực hiện tại Kỳ họp trước và số liệu thực tế có sự chênh lệch quá lớn (CPI Quốc hội giao tăng khoảng 7%, số báo cáo của Chính phủ là tăng 4,5-4,8%, nhưng cũng Chính phủ lại báo cáo số liệu đánh giá lại chỉ tăng 1,84% so với tháng 12-2013). Điều này sẽ tác động mạnh đến kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN, người dân và tâm lý xã hội cũng như tâm lý thị trường.

Số DN giải thể, dừng hoạt động vẫn cao ở mức 67.832 DN so với hơn 60 nghìn DN rơi vào hoàn cảnh tương tự năm 2013 rồi tỷ lệ DN hoạt động có lãi thấp, chất lượng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao... là những vấn đề khiến đại biểu chưa an tâm về một sự tăng trưởng bền vững của GDP. Ngành nông nghiệp - nơi đang tập trung tới hơn 60% lao động nhưng vẫn còn lúng túng,vướng mắc khi tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động... cũng đặt ra bài toán không dễ giải...

Và không chỉ các đại biểu chia sẻ với nhau, mà chính những cử tri đang dõi theo phiên họp cũng gặp nhau ở nhiều nhận định. Có thể có những con số còn có sự khác biệt, hoặc là chưa thống nhất, nhưng có một cách để đánh giá về tính thực chất chính là căn cứ vào đời sống của người dân. Rõ ràng, một bộ phận người lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng như còn tồn tại sự chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, nhóm dân cư, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thật sự bền vững. Điều ấy, sẽ khiến cho các đại biểu cân nhắc kỹ hơn trong việc thẩm định và phản biện Báo cáo từ Chính phủ.

Cơ chế chính sách và yêu cầu thực tế

Năm 2015 cũng được ghi dấu bởi sức ép hội nhập hiển hiện rõ rệt. Một khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết với các quốc gia được thực thi, rồi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, sẽ là phép thử cho độ sẵn sàng của nền kinh tế, của doanh nghiệp với hội nhập. Chúng ta chỉ có thể vươn lên tốp bốn của ASEAN khi sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế được gia cố và phát triển dựa vào những yếu tố cơ bản như thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế; kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế. Đặc biệt, cần phải sớm tổng kết, đánh giá việc thí điểm chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và giao thông vận tải để từ đó có cơ sở nhân rộng ra.

Một vấn đề đang diễn ra rất sôi động là việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khuyến nghị: "Cần tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, phải có tầm nhìn chiến lược và xây dựng đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt, không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp". Một lần nữa có thể thấy, cơ chế chính sách cần thiết được đưa ra không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà cần được nhìn nhận trong dài hạn để có được cơ chế thích hợp thúc đẩy những điểm mới trong thực thi.

Chính phủ làm tốt công tác đàm phán chuẩn bị hội nhập nhưng công tác chuẩn bị cho doanh nghiệp và người dân thì cần phải được chú trọng và làm tốt hơn nữa. Sự lưu ý này của Quốc hội được đưa ra rất sát với những quan ngại của giới chuyên gia. Theo kết quả đánh giá về tầm nhìn của DN với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của VCCI cho thấy cả nền kinh tế lẫn bộ máy chính quyền, các chính sách... đều chưa sẵn sàng cho hiệp định quan trọng này. Kết quả khảo sát hơn 50% nhà đầu tư nước ngoài thể hiện, trước khi lựa chọn điểm đến đầu tư, họ đã phải cân nhắc một số nước khác trước khi chọn Việt Nam nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn do nạn tham nhũng, vấn đề chi phí không chính thức và chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích). Do vậy, những giải pháp cụ thể nhằm tăng tính minh bạch của nền hành chính công, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ cho nền kinh tế được Quốc hội đề cập rõ ràng như một nhiệm vụ cấp bách.

Những trông đợi của cử tri

Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân cả nước chính là những quyết sách về đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án trình ra trước Quốc hội lần này đã được điều chỉnh sau những đóng góp và yêu cầu từ phiên họp trước, với sự thay đổi về tổng mức đầu tư còn 15,8 tỷ đô-la, dự toán đầu tư giai đoạn 1 khoảng 5,2 tỷ đô-la. Đứng trước một "siêu dự án" với nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các đại biểu cần phải thảo luận kỹ, cân đối tính cấp thiết của dự án, triển vọng đầu tư mang lại với những khó khăn về nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế. Cử tri trông đợi vào sự tỉnh táo, sáng suốt và kiến thức của các vị đại diện cho dân trong phiên họp này. Và đây hẳn cũng là nội dung khiến cho các đại biểu cảm nhận rõ hơn sức nóng của Kỳ họp.

Đối với công tác làm luật, diễn biến mới nhất về việc Chính phủ phải kiến nghị sửa đổi điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội ở thời điểm có hiệu lực thực thi không còn bao xa cũng là một chuyện chưa từng có tiền lệ. Và điều này sẽ khiến cho các phiên họp bàn thảo và thông qua dự án luật của Kỳ họp thứ chín đứng trước đòi hỏi cần phải nâng cao chất lượng làm luật như thế nào. Người đại biểu sẽ phải đi sâu hơn vào đời sống để hiểu được những đòi hỏi cũng như thách thức khi xây dựng và thực thi luật. Đại biểu cũng phải được Chính phủ cung cấp rõ ràng và kỹ càng hơn những gì còn tranh luận, những gì cần phải truyền thông và hướng dẫn cho đối tượng thực thi luật nắm bắt được... Điều ấy sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông qua luật.

Với một khối lượng công việc khổng lồ - xem xét thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết, cho ý kiến về 14 dự án luật, các cử tri tiếp tục đặt kỳ vọng vào sự sáng suốt của Quốc hội khi bấm nút thông qua các dự án luật.

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII (từ 20-5 đến 25-6-2015) sẽ tập trung giám sát các vấn đề quan trọng như: xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 và những tháng đầu năm 2015; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013; giám sát tối cao về tình hình oan sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan; xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Quốc hội sẽ tổng kết việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và quá trình đàm phán, triển khai các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015./.

Theo:
Nhân dân
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36713013