Truy cập hiện tại

Đang có 174 khách và không thành viên đang online

Thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định và bền vững

(TGAG)- Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đến thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 05 đến ngày 06/11/2015.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phu nhân tới sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu của lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất trong Ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc tiếp tục coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam.

Sau 37 năm thực hiện cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 9-10% mỗi năm, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010. Năm 2014, tổng GDP của Trung Quốc đạt 10.360 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.600 USD. Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại và đầu tư; tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc năm 2014 đạt khoảng 4.300 tỷ USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 120 tỷ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) khoảng 103 tỷ USD; dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với trên 3.500 tỷ USD...

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) vạch ra phương hướng cho giai đoạn cuối của lộ trình xây dựng toàn diện xã hội khá giả đến năm 2020, khẳng định tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Sau Ðại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình triển khai mạnh mẽ nhiều chủ trương, quyết sách lớn nhằm đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Năm 2015, Trung Quốc đang nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng GDP khoảng 7%, tiếp tục cải thiện cơ cấu kinh tế, duy trì kinh tế phát triển ổn định trước sức ép giảm tốc tăng trưởng, thực hiện đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Trung Quốc trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng cho biết, đây là chuyến thăm có ý nghĩa cột mốc, hai bên Trung-Việt đều coi trọng cao chuyến thăm lần này, mong thông qua chuyến thăm để tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường hợp tác cùng có lợi, xử lý ổn thỏa vấn đề tồn tại giữa hai nước, thiết thực bảo đảm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển lên phía trước một cách lành mạnh và ổn định. Đại sứ nhấn mạnh: "Trung-Việt là cộng đồng vận mệnh chung có ý nghĩa chiến lược, kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt, thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước trong tình hình mới, điều này phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, đồng thời cũng có lợi cho hai nước thực hiện cùng có lợi, cùng thắng cũng như phát triển chung, phồn vinh chung, đồng thời cũng sẽ có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực".

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện quan trọng, góp phần duy trì xu thế phát triển tích cực của quan hệ giữa hai nước. Trong đó, lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hai nước thực hiện đi thăm lẫn nhau trong một năm.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy còn những khó khăn nhưng về tổng thể, vẫn phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Hai nước đã xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, triển khai hàng chục cơ chế hợp tác đa dạng ở mọi cấp, mọi ngành. Trong 10 năm qua, Trung Quốc luôn là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam đã trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Trung Quốc ở Ðông - Nam Á với kim ngạch song phương năm 2014 đạt hơn 58 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng cao, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc 9 tháng năm 2015 đạt khoảng 12,4 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại lên tới 36,7 tỷ USD.

Đến nay, Trung Quốc có gần 1.180 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, với hơn 12,6 triệu lượt khách trong 9 tháng năm 2015. Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Tuy nhiên, diễn biến trên Biển Ðông vẫn còn phức tạp, nhất là việc Trung Quốc tôn tạo bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa khiến dư luận Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế quan ngại.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi; duy trì trao đổi cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên Biển Đông./.
                   
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37021146