Truy cập hiện tại

Đang có 360 khách và không thành viên đang online

Phương châm chỉ đạo trong giáo dục rèn luyện đạo đức

(TGAG)- Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã hun đúc nên hệ thống giá trị đạo đức làm người cao đẹp trong đó chủ nghĩa yêu nước giữ vị trí chuẩn mực cao nhất và đứng đầu thang bậc giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam. Đạo đức truyền thống đó dạy con người ăn ở có tình, có nghĩa, có nhân, có đức, có thủy, có chung “trước sau như một”, giữ lòng trung thành với nước, hiếu với cha mẹ, với anh em, giữ nghĩa xóm làng “bà con xa, láng giềng gần”; biết tôn kính, noi gương những bậc anh hùng nghĩa sĩ dân tộc, những người có công với dân, với nước...


Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã kết tinh tinh hoa văn hóa đạo đức nhân loại, từ Nho giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo đến đạo đức Phương Tây. Trong tư tưởng đạo đức của mình, Người đã tiếp thu các yếu tố tích cực, những “hạt nhân hợp lý” trong các giá trị đạo đực trên phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ tư tưởng đạo đức của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I. Lênin. Người đánh giá cao “một tấm gương sống, còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn”. Người coi tấm gương đạo đức cao cả của các ông là hiện thân của tình anh em bốn bể. Người ca ngợi Lênin không phải chỉ vì thiên tài của ông, mà còn vì ông là người rộng lượng, vĩ đại và sự khiêm tốn cao độ, tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, lòng yêu nước vĩ đại.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là “cái gốc”, cái “nền tảng” của người cách mạng. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có thể nêu tóm tắt những chuẩn mực cơ bản như:

- Trung với nước, hiếu với dân, quyết tâm suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

- Yêu thương con người, trước hết là người lao động và những người bị đọa đầy, đau khổ.

- Cần kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng.

- Đạo đức cách mạng là chí công vô tư, là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân; là giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục, dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ, dù trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

- Đoàn kết là một chuẩn mực quan trọng trong đạo đức Hồ Chí Minh.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã nêu bật các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng như: tu dưỡng bền bỉ suốt đời; nói đi đôi với làm, phải nêu gương tốt, làm việc tốt cho người khác noi theo; xây đi đôi với chống; kết hợp rèn luyện cá nhân với phong trào quần chúng, gia đình và xã hội.


Quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xuất phát từ yêu cầu của thời kỳ mới Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cơ bản của con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo về và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất lao động cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn thẩm mỹ và thể lực.

Đây chính là những nội dung cơ bản của hệ thống đạo đức mới. Để hệ thống chuẩn mực đạo đức mới trở thành ý thức, chính kiến, thành tình cảm, tập tục, thói quen của mỗi thành viên xã hội, phải thông quan hoạt động giáo dục đạo đức. Chỉ có thông qua hoạt động giáo dục mới có thể xác lập được quan điểm nhận thức đạo đức, hình thành năng lực ứng xử đạo đức và tính cách đạo đức theo hệ thống chuẩn mực đạo đức mới. Chỉ có thông qua hoạt động giáo dục đạo đức thường xuyên, sâu rộng mới có thể xác lập được văn hóa đạo đức XHCN cho mỗi thành viên cũng như trong toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, chúng ta phải nắm vững và sử dụng đồng thời cả hai con đường giáo dục đạo đức đó là: con đường trực tiếp và con đường gián tiếp.

Con đường trực tiếp là chủ thể giáo dục trực tiếp truyền đạt tri thức đạo đức cho đối tượng giáo dục. Để nâng cao hiệu quả giáo dục của con đường này đòi hỏi chủ thể giáo dục phải có tri thức, kinh nghiệm đạo đức, cũng như khoa học và nghệ thuật truyền đạt. Hiệu quả của phương pháp này hoàn toàn tùy thuộc vào việc chủ thể giáo dục phải là những tấm gương sáng về đạo đức cho đối tượng giáo dục noi theo. Con đường trực tiếp có tác dụng rất quan trọng nhằm nâng cao quan điểm nhận thức đạo đức, xây dựng hoặc làm thay đổi ý thức đạo đức của đối tượng giáo dục. Đây là con đường ngắn nhất nhưng tính vững chắc của kết quả giáo dục đạo đức không cao. Vì thông qua con đường giáo dục trực tiếp, chủ yếu mới giải quyết được vấn đề nhận thức đạo đức, mà từ nhận thức đến hành vi đạo đức còn là một quá trình. Từ nhận thức đến hành động cần một quá trình biến tri thức thành giá trị, tạo ra nhu cầu bên trong của chính cá nhân đối tượng... và để họ tự rèn luyện rất nhiều kỹ năng đạo đức mới trở thành kinh nghiệm đạo đức của đối tượng giáo dục.

Con đường gián tiếp là thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua việc đưa đối tượng giáo dục rèn luyện trong thực tế cuộc sống, nhất là thông qua các phong trào hành động cách mạng để từng cá nhân tự rút ra những kết luận về quan điểm, nhận thức, kinh nghiệm và kỹ năng ứng xử đạo đức. Thông qua thực tiễn cách mạng để giáo dục đạo đức là con đường có tác động rất quan trọng. Nó giúp cho đối tượng giáo dục không thụ động tiếp thu mà trực tiếp nhận thức, rèn luyện kỹ năng ứng xử, hình thành kinh nghiệm đạo đức thông qua thực tiễn cuộc sống của chính mình và của tập thể mình. Thông qua con đường này, đối tượng giáo dục còn có thể sáng tạo ra những kỹ năng mới trong ứng xử đạo đức.

Thông qua thực tiễn là con đường gắn chặt học với hành trong học tập và tu dưỡng rèn luyện đạo đức. Vì vậy, tính bền vững trong kết quả giáo dục đạo đức của con đường này rất cao, mặc dù nó phải diễn ra trong một quá trình lâu dài hơn, khó khăn hơn con đường trực tiếp.

Khi thông qua hai con đường để giáo dục đạo đức, phải thực hiện thật tốt các phương thức cơ bản của giáo dục đạo đức, đó là: giáo dục đạo đức trong gia đình, kết hợp chặt chẽ với giáo dục đạo đức ở nhà trường, cơ quan, đoàn thể, xã hội.

Phải kết hợp chặt chẽ giữa chủ thể giáo dục với sự tự giáo dục của đối tượng giáo dục, trong đó chủ thể giáo dục là điều kiện, là tiền đề cho tự giáo dục. Chỉ có thông qua việc đối tượng giáo dục tự tu dưỡng, rèn luyện, họ mới tiếp nhận được sự giáo dục và mới hình thành các hành vi đạo đức trên cơ sở tự nguyện và kết quả này mới mang tính bền vững cao.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục đạo đức, chủ thể giáo dục không chỉ nắm vững tiêu chí chuẩn mực và các con đường giáo dục rèn luyện đạo đức mà rất cần phải nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc, phương châm chỉ đạo trong giáo dục rèn luyện đạo đức.

Phương châm hàng đầu là nói đi đôi với làm, phải nêu gương về mặt đạo đức. Nguyên tắc này đòi hỏi chủ thể giáo dục đạo đức không chỉ là người truyền bá có sức thuyết phục về các chuẩn mực đạo đức mà phải thực sự là tấm gương đạo đức.

Phương châm thứ hai là trong giáo dục đạo đức phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là chính. Phương thức này đòi hỏi chủ thể giáo dục phải phát hiện kịp thời những nhân tố mới tích cực, những khía cạnh tốt đẹp của đối tượng giáo dục để biểu dương, khen ngợi, động viên, khuyến khích họ tiếp tục vươn lên, hoàn thiện nhân cách. Mặt khác, cũng phải kịp thời đấu tranh, phê bình những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa, biến chất... Phải tạo ra được phong trào quần chúng rộng rãi tham gia trực tiếp vào quá trình xây và chống là điều kiện tốt nhất để xây dựng đạo đức mới. Kết hợp chặt chẽ giáo dục đạo đức với giáo dục tri thức, giáo dục chính trị, giáo dục lao động, giáo dục pháp luật, giáo dục thể lực, giáo dục thẩm mỹ... vì các môn giáo dục này sẽ hỗ trợ, sẽ tác động rất tích cực cho giáo dục đạo đức. Thí dụ: Một hành động nhảy xuống nước lũ cứu dân là biểu hiện đồng thời của tinh thần dũng cảm, lòng nhân ái, khả năng thể lực...

Phương châm thứ ba là phải tu dưỡng đạo đức thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, suốt đời. Bởi vì đạo đức chỉ được hình thành và phát triển bền vững thông qua quá trình tu dưỡng bền bỉ, hàng ngày và suốt cuộc đời.

Sự thành công của công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn toàn tùy thuộc vào hiệu quả của sự nghiệp trồng người. Giáo dục đạo đức là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng con người mới, xã hội mới./.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727584