Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Xây dựng nông thôn mới

Xây dựng giai cấp nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

(TGAG)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) đến nay, giai cấp nông dân tiếp tục có sự đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện ở hầu khắp các địa phương. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ với hiệu quả ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển lớn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Toàn tỉnh hiện có 11 đơn vị hội nông dân huyện, 152 cơ sở hội và 882 chi hội với 1.808 cán bộ chi hội. Cùng với công tác tham mưu của ban thường vụ hội các cấp và sự quan tâm của các cấp ủy, cán bộ chủ chốt hội có bước chuyển biến lớn, tỷ lệ cán bộ trẻ, có trình độ tham gia cấp ủy, HĐND của xã-huyện tăng lên đáng kể. Toàn tỉnh có 133/152 chủ tịch hội nông dân phường xã là cấp ủy, 08/11 chủ tịch hội nông dân huyện, thị, thành là cấp ủy. Hàng năm, 100% cán bộ mới thay đổi và cán bộ đương nhiệm đều được bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nông dân theo từng loại hình sinh hoạt cụ thể. Từ đó, chất lượng hoạt động của các cơ sở hội và chi, tổ hội được nâng lên. Trong 10 năm, 100% đơn vị hội cấp huyện luôn đạt vững mạnh; 100% cơ sở hội đạt khá và vững mạnh; 95% chi hội giữ vững loại hình sinh hoạt 4 chủ động, tập hợp 85% hộ nông dân tham gia các hoạt động, 80% hộ nông dân gia nhập hội, tạo chuyển biến lớn trong các phong trào hành động cách mạng ở nông thôn.

Để tập hợp nông dân vào các loại hình kinh tế hợp tác, công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng, hướng dẫn về kỹ năng tập hợp, quản lý tổ hợp tác (THT) theo Nghị định 151/CP, kỹ năng điều hành hợp tác xã (HTX) theo Luật hợp tác xã 2012 cho các thành viên không ngừng được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 836 THT tập hợp diện tích 131.019 ha; 16.710 thành viên và 125 hợp tác xã nông nghiệp 10.737 thành viên, diện tích 2.149.125ha; Câu lạc bộ nông dân có 237 CLB, diện tích 4.261 ha, 2.146 thành viên. Tổng diện tích tập hợp vào các mô hình hợp tác toàn tỉnh chiếm tỉ lệ 72,44%. Công tác dạy nghề nâng cao trình độ sản xuất, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho nông dân luôn được đẩy mạnh, đã có trên 3.200 lớp dạy nghề được tổ chức với 64.496 học viên tham gia, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo việc làm lao động nông thôn.

Thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao vai trò trách nhiệm Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020”; Hội đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 tỉnh; đề xuất UBND tỉnh ban hành 2 Quyết định 476/QĐ-UBND và 1928/QĐ-UBND giai đoạn 2013-2016, 2016-2020 nhằm thực hiện hiệu quả Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, có kế hoạch cụ thể hàng năm. Phối hợp các Sở-Ngành xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm cụ thể Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673-TTg nhằm đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của nông dân trên các lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật (đã có 34 sáng kiến, 15 sản phẩm nông nghiệp đạt giải sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa); phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi có trên 85.345 nông dân đạt danh hiệu nông dân giỏi 4 cấp, với 169 sản phẩm và 59 mô hình nông nghiệp tiêu biểu, trong đó có 1.116 nông dân giỏi có thu nhập từ 1 tỷ đến 25 tỷ/năm, 500 nông dân giỏi đủ điều kiện đi lên trang trại và doanh nhân nông thôn. Đây chính là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. Hưởng ứng phát động của tỉnh và chương trình Hội Nông dân tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, chỉ riêng 5 năm 2013-2018 đã huy động được trên 102 tỷ vận động đóng góp từ nông dân cho các công trình cầu, đường, đèn giao thông nông thôn và 33 mô hình tại các xã nông thôn mới, 32.000 ha sản xuất lúa được chuyển sang làm vườn, trồng rau màu và chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, trên 10.000 hộ nông dân được tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân số tiền 23 tỷ đồng chuyển đổi sản xuất hiệu quả.

Để phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong tham gia giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218/QĐ-TW của Bộ Chính trị và thực hiện kế hoạch 929-KH/HNDTW về triển khai chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 – 2020, Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch ký kết 5 năm 2016-2020 và kế hoạch hàng năm phối hợp các đơn vị giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp các huyện trong tỉnh góp phần đảm bảo quyền lợi nông dân trong tiêu dùng, sử dụng vật tư, phân bón.

Trong điều kiện khả năng, tiềm lực tài chính của tỉnh còn khó khăn, Hội Nông dân tỉnh xây dựng, đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức Phi Chính phủ 21 dự án về xử lý - thu gom rác bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch nông thôn, mô hình du lịch nông dân, bảo tồn - phát huy nghề truyền thống làm đường thốt nốt của người Khmer số tiền 29 tỷ đồng, giúp trên 20.354 hộ dân ở 45 xã của 11 huyện, thị, thành. Phát động cán bộ hội các cấp trong tỉnh cùng các doanh nghiệp hỗ trợ 17.000 thẻ BHYT cho cán bộ chi hội và con em hội viên hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh cho gần 20.000 hội viên nông dân nghèo tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe hội viên - nông dân ở nông thôn, khu vực biên giới. Phối hợp Công an, Quân sự, Biên phòng vừa thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ biên giới đất liền vừa hỗ trợ cây giống, con giống, nhà ở cho các gia đình hội viên, nông dân là thành viên lực lượng nòng cốt, bộ đội phục viên vùng giáp biên giới. Chỉ riêng trong 3 năm 2016-2018 đã hỗ trợ trên 15 tấn lúa giống, hàng chục ngàn cây giống, con giống, gần 400 căn nhà cho các xã 5 huyện biên giới. Tổ chức ký kết phối hợp giữa hội nông dân 11 huyện với 12 đồn biên phòng khu vực biên giới; tổ chức các chương trình Liên hoan tiếng hát nông dân, Hội thao nông dân cấp huyện và tỉnh hàng năm tạo khí thế thi đua sôi nổi ở nông thôn …

Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10/1930-14/10/2018 cùng với thời điểm cả nước tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) là dịp tổ chức Hội và giai cấp nông dân tỉnh nhà cùng nhìn lại chặng đường phấn đấu đầy khó khăn nhưng kết quả đạt được cũng thật đáng tự hào, bởi dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, điều hành năng động của chính quyền các cấp tất cả đều tin tưởng rằng nông thôn An Giang sẽ ngày càng đổi mới, đời sống và thu nhập người dân sẽ ngày càng được nâng cao hơn./.

CHÂU VĂN LY
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36716127