Truy cập hiện tại

Đang có 228 khách và không thành viên đang online

Xây dựng nông thôn mới

Hội nông dân An Giang với công tác tuyên truyền vận động, xây dựng các mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới

(TGAG)- Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” là một trong ba phong trào trọng tâm của Hội. Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng chung tay thực hiện.

Với phương châm “Mô hình cụ thể, đối tượng cụ thể, địa bàn cụ thể, nội dung tuyên truyền cụ thể”, Hội đã biên soạn các tiêu chí thành tài liệu, tờ bướm, áp phích với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer để tuyên truyền ở các điểm tập trung đông dân, như: chợ, quán cà phê, văn phòng ấp... giúp nông dân hiểu rõ các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Với cách làm này, từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức trên 8.200 cuộc tuyên truyền cho 229.200 lượt nông dân tham gia.

Hội Nông dân tỉnh chọn các xã của 11 huyện, thị, thành để triển khai các hoạt động tuyên truyền; biên soạn, in ấn trên 67.000 tài liệu bướm tuyên truyền các tiêu chí NTM của tỉnh để cấp phát cho hội viên, nông dân; tổ chức 362 cuộc tại các xã điểm triển khai mô hình với hơn 19.200 lượt  cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; mở 8 lớp tập huấn cho 354 chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân, cán bộ Hội Nông dân ấp và xã.

 Hội Nông dân các địa phương còn nhấn mạnh các công việc cụ thể để hội viên, nông dân tham gia hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng nơi, như: thực hiện hàng rào cây xanh; bê tông giao thông nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng tổ hợp tác gắn với hỗ trợ vốn, tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xây dựng được 39 mô hình, nhân dân tự nguyện đóng góp trên 3,2 tỷ đồng và tham gia hơn 2.790 ngày công lao động để rải đá, đổ bê tông trên 10km lộ giao thông nông thôn. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã đóng góp xây dựng, sửa chữa trên 30 cầu giao thông, bê tông hóa trên 50km đường giao thông nông thôn; làm đường ra cánh đồng, xây dựng 20km đèn đường nông thôn, làm mới cột cờ, trồng cây xanh, xây dựng mới hàng rào... góp phần làm cho diện mạo nông thôn càng thêm khởi sắc.

Hội Nông dân tỉnh còn ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giai đoạn 2011 - 2015) về đầu tư tín dụng các xã NTM thông qua các mô hình hợp tác ở 34 xã NTM. Qua 5 năm, đã thành lập 250 Tổ hợp tác, với 8.634 thành viên tham gia vay vốn trên 54.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhiều tổ hợp tác phát huy hiệu quả, như: tổ hợp tác nhân giống lúa, trồng lúa Nhật, bơm tưới, chăn nuôi bò, chăn nuôi sinh học, rau màu, thu mua nông sản, đan võng, bó chổi... góp phần giải quyết việc làm tại địa phương, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, vừa giúp các xã thực hiện đạt tiêu chí 13 và tiêu chí 10.

Để góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ địa phương và nông dân, từ năm 2011 đến nay Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 4 lần Hội thi cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng NTM. Hằng năm tổ chức cho lãnh đạo cấp ủy, UBND, Hội Nông dân các xã NTM cùng Hội Nông dân các huyện, thị, thành học tập cách làm hay của các tỉnh, thành bạn như: huyện Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh, huyện Đơn Dương và Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng, huyện Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai, huyện Xuyên Mộc - Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, huyện Phước Long - tỉnh Bạc Liêu, huyện Vĩnh Thạnh - Hậu Giang, huyện Cầu Ngang - tỉnh Trà Vinh; huyện Hàm Thuận Bắc - Tỉnh Bình Thuận. Qua học tập, nhiều cách làm hay từ tuyên truyền, phân công phụ trách địa bàn, vận động người dân hiến đất làm đường, mô hình chuyển đổi sản xuất hiệu quả đã được lãnh đạo các xã áp dụng tại địa phương.

Các xã, phường, thị trấn có diện tích đất nông nghiệp thành lập 784 tổ hợp tác sản xuất, có 27.153 hộ tham gia sản xuất trên 50.140 ha. Thực hiện việc đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng ký kết, Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình hợp tác sản xuất lúa Nhật với Công ty TNHH Angimex - Kitoku (giai đoạn 2009 - 2015); phối hợp Công ty TNHH ADC ký kết thực hiện chương trình “Vững bước ngày mai”. Các mô hình: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong quy trình trồng hoa”, “Chuyển giao kỹ thuật trồng thử nghiệm rau mầm từ phế liệu phôi nấm bào ngư”, “Xây chuồng chăn nuôi bò cho đồng bào Khmer nghèo”, “Thu gom rác thải nông nghiệp”... đã được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân và tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.

Hội Nông dân còn đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, qua đó có 112.365 hộ giữ vững tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý. Toàn tỉnh thành lập 22 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, thu hút hơn 830 hội viên và nông dân tham gia.

Từ phong trào nông dân thi đua xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân đã được nâng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, các cấp Hội tiếp tục tăng cường  tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ Hội Nông dân và hội viên, nông dân - nhất là nông dân các xã điểm hiểu đầy đủ ý nghĩa, mục tiêu và nội dung các tiêu chí NTM. Thông qua tuyên truyền và hoạt động của Hội mỗi hội viên, nông dân tích cực tham gia, vận động gia đình, người thân cùng tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình nông dân tham gia xây dựng NTM ở các xã điểm của tỉnh. Tập trung xây dựng các mô hình Tổ đội phòng chống tội phạm giữ gìn an ninh trật tự, mô hình xây dựng - nâng cấp đường giao thông nông thôn, mô hình hợp tác phát triển ngành nghề sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, mô hình tương trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên khó khăn./.

THỜI MINH HUY
Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36992749