Truy cập hiện tại

Đang có 403 khách và không thành viên đang online

Nhịp cầu Tuyên giáo

Đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong tình hình mới

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước đầy khó khăn, phức tạp, nhất là đứng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Ngày 13-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề về đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong tình hình mới". Các đồng chí Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Bùi Thế Đức chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh, trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của mình, Đảng ta luôn coi trọng công tác tuyên giáo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và có tính chất mở đường về tư tưởng chính trị, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng cách mạng, nền tảng chính trị của Đảng, nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc để có những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và đối ngoại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp khó lường đang hàng ngày, hàng giờ tác động trực tiếp và sâu sắc đến tư tưởng chính trị và mọi mặt đời sống tinh thần của xã hội, khiến cho công tác tư tưởng của Đảng và nhiều lĩnh vực thuộc công tác tuyên giáo đứng trước nhiều vấn đề có tính thử thách thời đại. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước đầy khó khăn, phức tạp, nhất là đứng trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã khái quát những thành quả mà ngành tuyên giáo đã đạt được và thẳng thắn chỉ ra sự hạn chế, yếu kém của công tác tuyên giáo trong thời gian qua. Từ đó, đưa ra các giải pháp để đổi mới mạnh mẽ các lĩnh vực trong công tác tuyên giáo, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tuyên truyền, cổ động và tổ chức các phong trào cách mạng của nhân dân, góp phần xây dựng con người mới và thúc đẩy sự phát triển quốc gia.

Đề cập tới đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong giai đoạn hiện nay, Thượng tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, đổi mới ở đây thực chất là xác định, lựa chọn nội dung đấu tranh cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm cụ thể, nhất là trước những sự kiện quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình do các thế lực thù địch gây ra.

Về phương thức, đồng chí Mai Quang Phấn cũng cho rằng, cần thực hiện tốt 5 giải pháp. Đó là, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục chính trị; tăng cường các hình thức đấu tranh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới, mở rộng các hình thức, biện pháp đấu tranh; chú trọng xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng đấu tranh chống diễn biến hòa bình một cách khoa học, hợp lý; thường xuyên cung cấp thông tin chính thống, chính xác nhằm kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận, nhận thức cho mọi người dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận nhằm xác định đúng và trúng nội dung, phương thức đấu tranh sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài, TS. Lê Hải Bình, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) cho biết, là một trong những lực lượng chủ lực trong binh chủng thông tin đối ngoại, với mạng lưới 98 cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại, tăng cường gắn kế giữa thông tin đối ngoại và đối nội, góp phần đưa thông tin về Việt Nam ra thế giới một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; thông tin vào Việt Nam một cách có chọn lọc, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, TS. Lê Hải Bình cũng cho rằng, để tăng cường hơn nữa hiệu quả, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra nước ngoài, cần tranh thủ, phát huy vai trò và tiếng nói của phóng viên nước ngoài trong việc giới thiệu hình ảnh địa phương ra thế giới. Cần tăng cường sử dụng và khai thác tối đa các tiến bộ của khoa học công nghệ thông tin vào công tác báo chí; nghiên cứu đổi mới cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin đối ngoại. Để công tác đấu tranh dư luận kịp thời, hiệu quả, cần tăng cường công tác phát ngôn, nghiên cứu, dự báo và xây dựng lập luận, đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống  và định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí, góp phần đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Dưới góc nhìn từ tuyên giáo ở cơ sở, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để đổi mới nội dung, phương thức công tác của ngành tuyên giáo, cần tiếp tục kiên trì đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng. Theo đồng chí Phạm Đức Hải, người quán triệt triển khai nghị quyết phải là người đứng đầu của cấp ủy. Khi học tập, quán triệt triển khai nghị quyết, cần tập trung vào bàn luận chương trình hành động cụ thể. Làm như thế, nghị quyết mới “sống” trong mỗi người cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Cần có sự trao đổi trực tiếp, thẳng thắn và thường xuyên, liên tục giữa những người làm công tác tuyên giáo với cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Kịp thời giải quyết những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ tạo được sự đồng thuận xã hội.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh đánh giá cao tất cả những ý kiến, tham luận tại Hội thảo ngày hôm nay. Đây là những ý kiến quý báu, tâm huyết với công tác tuyên giáo đa dạng, nhiều chiều. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tiếp thu, chắt lọc, bổ sung vào hệ thống đổi mới nội dung phương thức công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu của tình hình mới./.

Nguồn:  BTGTW
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36709813