Truy cập hiện tại

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

An Giang chủ động chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

(TUAG)- Sở Công thương tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 và để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý.
    
Mục đích nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động bình ổn thị trường có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn An Giang.


Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng kiểm tra việc chuẩn bị nguồn hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết tại các siêu thị.
    
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Thành Huân: Kế hoạch được triển khai thực hiện từ ngày 1-12-2021 đến hết ngày 7-2-2022 (nhằm ngày 27 tháng 10 năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 7 tháng 01 năm Nhâm Dần) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hiện có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh An Giang đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường, chuẩn bị lượng hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Từ ngày 1-12-2021 đến 7-2-2022, dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm 2020. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… là 342 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng là 1.000 tỷ đồng.
    
Các mặt hàng chính của doanh nghiệp chuẩn bị tham gia bình ổn thị trường cụ thể như: Gạo các loại 2.597 tấn; thịt heo 981; thịt gà, vịt 607 tấn; trứng gia cầm 1,226 triệu trứng; đường ăn 126 tấn; dầu ăn 2.211 ngàn lít; rau củ quả 398 tấn; thuỷ hải sản tươi, đông lạnh 94 tấn; bánh, mức, kẹo 127 tấn; khẩu trang 17,057 triệu cái; nước rửa tay y tế 305 ngàn lít; xăng 17,8 triệu lít; dầu diezel 16,440 triệu lít...
    
Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết: Toàn tỉnh có 451 cửa hàng bán hàng bình ổn thị trường, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 100 cửa hàng bán lương thực, thực phẩm; 351 cửa hàng bán xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng được bố trí rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng bình ổn thị trường gồm các mặt hàng thiết yếu, kèm theo các chương trình khuyến mại: giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng...; thích ứng an toàn, linh hoạt trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Sở Công thương tổ chức tuần lễ khuyến mại mua sắm online chào mừng Lễ Giáng sinh- Tết dương lịch 2022.

Là siêu thị lớn nhất vùng biên, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa hơn 16 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết cho nhân dân khi đến siêu thị, với nhiều dòng hàng hóa dồi dào, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu; cam kết giá cả ổn định. Tôi đánh giá rất cao tỉnh thực hiện tốt phòng chống dịch, không còn hạn chế ra đường, quyết liệt triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân tỷ lệ trên 98%..., giúp người dân an tâm mua sắm. Tin chắc rằng sức mua của người dân từ đây đến Tết Nguyên đán sẽ theo chiều hướng tích cực đi lên”.


An Giang đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022

Từ đây đến Tết Nguyên đán, Sở Công thương tỉnh sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tết. Qua đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết. Phối hợp các Sở, ngành triển khai Kế hoạch có hiệu quả, đảm bảo không để xảy ra khan hiếm hàng, hết hàng làm rối loạn thị trường, gây hoang mang trong nhân dân. Thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình, thông tin đến các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, hệ thống cửa hàng tiện ích chủ động dự phòng các mặt hàng thiết yếu, phục vụ tốt nhu cầu người dân. Đồng thời, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp điện an toàn, nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong dịp Tết.
    
Sở Công Thương tỉnh đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức đoàn công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm tra mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc phòng, chữa bệnh cho người và thực phẩm chức năng; kiểm tra việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh pháo... Kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.
    
Sở Công thương tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động các phương tiện vận chuyển hàng hóa cung ứng đến các nơi có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Đồng thời, chủ động nguồn hàng, dự trữ sẵn hàng hóa có thể cung ứng, phục vụ nhu cầu người dân, không để thiếu hụt hàng tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, tránh gây dư luận, hoang mang trong dân.

HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Số lần xem các bài viết
37144335