Truy cập hiện tại

Đang có 198 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Hội An - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

(TGAG)- Xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Phía Đông Bắc giáp xã Mỹ An, phía Đông giáp nhánh sông Tiền, phía Đông Nam giáp xã Mỹ An Hưng (tỉnh Đồng Tháp), phía Nam giáp Hội An Đông (tỉnh Đồng Tháp). Phía Tây Nam giáp xã Hòa An, Hòa Bình, phía Tây Bắc giáp xã An Thạnh Trung.

Trong kháng chiến, Hội An là căn cứ của Huyện ủy và Tỉnh ủy và bị địch đánh phá ác liệt. Trong tình thế khó khăn, nguy hiểm Chi bộ và Nhân dân Hội An luôn anh hùng, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hội An đã lập được những thành tích xuất sắc trong các hoạt động chính trị, vũ trang, binh vận, tiêu biểu như:

Đêm 18/3/1961, đồng bào xã Hội An tổ chức mít-tinh chào mừng ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng huyện Chợ Mới. Sau đó, cuộc mít-tinh biến thành cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ của hàng ngàn đồng bào, được lực lượng vũ trang huyện, xã hỗ trợ bao vây, bức rút đồn bót, lùng bắt gián điệp, ác ôn… Bốn tên chỉ điểm bị bắt giữ và tuyên án tử hình, một địa chủ bị án “tử hình treo” vì tội xáo canh, bóc lột tá điền. 5 trên 6 ấp của xã (An Ninh, An Khương, An Phú, An Thái, An Bình) được giải phóng trở thành căn cứ địa của huyện Chợ Mới, liên hoàn với các căn cứ “lõm” xã Hòa Bình, An Thạnh Trung, Bình Phước Xuân và vùng giải phóng của xã Mỹ An Hưng. Quận trưởng Chợ Mới thừa nhận: “Đêm 18 rạng 19/3/1961, Việt Cộng kéo vào Hội An… dân chúng phải theo bọn chúng để phá hủy hai cây cầu Mương Sung và La Kết… đồng thời cũng đào hầm tuyến và đắp trận địa để phòng sự tấn công của ta, ban đêm chúng tập hợp dân chúng mít-tinh và đánh trống mỏ làm kinh động tại chợ Hội An. Vì lẽ ấy hiện nay có một vài ủy viên trong Ban Chấp hành phong trào cách mạng quốc gia xã Hội An định rút đi nơi khác không muốn ở tại xã Hội An nữa”.

Để giữ vững vùng giải phóng, xã tăng cường xây dựng lực lượng du kích xã, tự vệ các ấp, lập vành đai chiến đấu ở ấp Thị (gần chùa Bà Lê), thành lập chính quyền tự quản, củng cố và phát triển đoàn thể. Đại hội thành lập mặt trận xã được tổ chức tại La Kết, hơn 4.000 đồng bào với băng cờ, khẩu hiệu, bích chương tham dự mít-tinh. Trong khí thế phấn khởi, xã phát động phong trào thi đua làm chông tre, chông sắt, trồng cây, phong trào du kích chiến tranh được đẩy mạnh.

Xã tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân nghèo (riêng ấp An Khương đã chia 106 công cho 44 gia đình), đẩy mạnh công tác giáo dục, bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống lành mạnh. Đoàn văn công xã có tên “Chim Việt” thường xuyên phục vụ bà con trong các đợt vũ trang tuyên truyền ở xã nhà và các xã lân cận.

Phòng tuyến của du kích xã thành lập kéo dài từ ấp An Khương đến tận chùa Bà Lê (ấp Thị), địch chỉ còn giữ được 1 phần ấp Thị và con đường về Mỹ Luông. Ngày 25/6/1961, cách chợ Cái Tàu 100 mét, du kích xã tổ chức diệt tên Nguyễn Ngọc Thanh (tự lực Đực), đoàn phó dân vệ xã ác ôn, đồng bào vô cùng hả dạ.

Ngày 20/6/1963, hai nội tuyến trong đồn kinh Cựu Hội phối hợp địa phương quân huyện chỉ huy tiêu diệt đồn thu 9 súng. Ngày 21/9/1963, ta tấn công ấp chiến lược An Phú, giết và làm bị thương 8 tên (trong đó, có 1 phụ tá an ninh ác ôn, 1 tiểu đội trưởng), bắt giáo dục 12 tên, thu 9 súng, 50 lựu đạn. Ngoài ra, ta ném lựu đạn diệt 3 thanh niên chiến đấu ở ấp An Ninh (trong đó, có 1 trưởng ấp ác ôn). Đầu tháng 11 năm 1963, lực lượng vũ trang tiêu diệt đồn Mương Sung, phá hủy trụ sở ấp chiến lược An Thái, An Khương, An Ninh, hỗ trợ đồng bào phá hết các ấp chiến lược An Thái, An Khương, An Ninh, An Bình, An Phú... Trong Hội nghị tổng kết phong trào phá ấp chiến lược của tỉnh, Hội An được chọn làm điển hình vì sức phấn đấu, vượt qua tổn thất nặng nề, ba mũi quân sự, chính trị, binh vận kết hợp chặt chẽ.

Mùng Một Tết Mậu Thân năm 1968, cùng với địa phương quân huyện, du kích xã về ấp An Ninh phát động Nhân dân xé cờ 3 sọc, đập bảng liên gia, treo biểu ngữ, rãi truyền đơn… Ta giành quyền làm chủ 1 phần ấp An Ninh từ Mương Chùa đến An Phước Tự. Cuối tháng 5/1969, lực lượng vũ trang tổ chức bao vây ấp Thị, bắn sập một góc nhà của xã trưởng, bắn pháo vào đồn nghĩa quân ở Cái Tàu và đồn La Kết. Trận đấu làm tinh thần địch hoang mang, dao động vì lực lượng cách mạng được bảo toàn sau Mậu Thân.

Từ đầu năm 1973 đến giữa 1974, cuộc đấu tranh giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Về chính trị, chi bộ Hội An đã nắm được hầu hết các chức sắc Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã, ấp nên công tác tuyên truyền giáo dục có nhiều thuận lợi, quần chúng xã tích cực đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực, chống địch kèm kẹp, bắt lính, làm tiền. Về binh vận, thông qua Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo ta tìm cách hạn chế hoạt động của bọn ác ôn, cô lập xã trưởng. Ngoài ra, các chức sắc ở Hội An vận động tín đồ kêu gọi con em đi lính trở về nhà. Chi bộ còn xây dựng được một số cơ sở trong hàng ngũ địch, trong đó có liên toán trưởng phòng vệ dân sự ấp An Khương, trung đội phó nghĩa quân đóng ở ấp An Phú. Cả hai cung cấp cho ta nhiều tin tức, tài liệu và đạn dược. Về võ trang, Chi bộ xây dựng được 8 du kích mật trong Phòng vệ dân sự (có 3 đoàn viên) làm nòng cốt cho thanh niên trốn lính hơn 150 người ở các ấp trong xã. Trong tháng 4 và 5/1974, du kích mật bắn bọn cảnh sát đi bắt lính ở ấp An Phú làm chúng không dám càn vào địa hình nơi thanh niên trốn lính.

Trưa ngày 30/4/1975, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Huyện ủy Chợ Mới chỉ đạo đưa lực lượng dân quân chánh đảng (khoảng 30 đồng chí) về Hội An. Lực lượng phối hợp với cơ sở tại chỗ nổi dậy giành quyền chính quyền. Phần lớn sĩ quan binh lính ngụy, tề ấp tan rã. Riêng phân chi khu, đồn bốt ở ấp Thị bị lực lượng Bảo an quân chiếm giữ, tử thủ. Trưa ngày 01/5/1975, Huyện ủy quyết định tấn công. Bộ đội bắn loạt pháo trúng ngay đội hình địch, những phần tử ngoan cố bỏ chạy về Tây An Cổ tự. Xã Hội An hoàn toàn giải phóng.

Với những chiến công đã lập, ngày 29/01/1996, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân xã Hội An vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

KIM TUYẾN

Tài liệu tham khảo:

1. Địa chí An Giang, 2013.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang, tập II: 1954 – 1975.
3. Lịch sử Đảng bộ huyện Chợ Mới 1927 - 2010.
4. Xã Hội An 75 năm đấu tranh và Xây dựng 1930 - 2005.
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722824