Truy cập hiện tại

Đang có 131 khách và không thành viên đang online

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến – Người vẽ lá cờ Tổ quốc

(TGAG)- Lá cờ đỏ có một ngôi sao vàng 5 cánh nằm ngay chính giữa lần đầu tiên tung bay trên chiến trường là trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau này lá cờ ấy được chọn làm Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người vẽ nên lá cờ đó là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến.

Nguyễn Hữu Tiến (thường gọi là Giáo Hoài) sinh ngày 05/03/1901, quê quán thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ nhỏ đã có tiếng học giỏi nhất làng và khi lớn Tiến mở trường dạy học tư, giáo dục thanh niên tinh thần yêu nước. Hằng ngày chứng kiến bao chuyện bất công ở làng quê do cường hào ác bá gây ra nên Tiến sớm có ý thức căm ghét sự bạo ngược cũng như giàu lòng thương những người dân nghèo khổ. Kính phục nhà yêu nước Phan Chu Trinh, thầy giáo Tiến cổ động học trò mang bức trướng có ghi bốn chữ “tinh thần bất tử” ra Nam Định dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh.


Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ cờ (tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao).

Năm 1927, đồng chí tham gia cách mạng, năm 1929 gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương và thành lập chi bộ đầu tiên ở Duy Tiên. Đồng chí hướng dẫn những học sinh có chí hướng cũng như thanh niên tiến bộ tham gia rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga và còn dành thời gian tổ chức cho thanh niên học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về cách mạng, về Đảng. Năm 1931 được bầu làm Phó Bí thư tỉnh ủy phụ trách tờ báo “Đỏ búa liềm công nhân” của Nam Hà, bị thực dân Pháp bắt kết án tử hình. Được giới trí thức và học sinh phản ứng, thực dân hạ mức án là khổ sai chung thân. Trong thời gian bị giam cầm ở Hỏa Lò, đồng chí Tiến tham gia viết tạp chí Lao Tù, sau đó lần lượt bị đày đến các nhà lao Sơn La, Côn Đảo.

Không cam chịu chôn vùi nơi tù ngục, tháng 4/1935 đồng chí đã cùng với các bạn tù tổ chức vượt ngục đến hai lần mới thành công, gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Tiến, Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thái, Tạ Uyên và Nguyễn Văn Trọng. Tất cả về đến đất liền Bạc Liêu an toàn và sau đó tiếp tục hoạt động ở Liên tỉnh ủy Long-Châu-Rạch-Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên) với bí danh là Quế Lâm.

Đồng chí Tiến được tỉnh ủy Long Xuyên điều về Chợ Mới, nơi có phong trào cách mạng hoạt động mạnh nhất tỉnh. Theo đồng chí Trần Thụy Liễu (Năm Liễu) cán bộ lão thành cách mạng kể lại: anh em lúc đó gọi là Huế Tiến (thói quen của dân Nam bộ thường gọi dân miền Trung, miền Bắc là Huế). Đồng chí nghi trang là người làm công cho gia đình ông Tư An - gia đình khá giả tại thị trấn Chợ Mới, có các con tham gia cách mạng - đi chăn ngựa, cắt cỏ cho bò, ngựa… Đồng chí Tiến rất ít nói, thường hay quan tâm, giúp đỡ mọi người. Ban ngày làm lụng cực nhọc, nhưng ban đêm đồng chí chong đèn đọc, viết rất khuya. Ông Tư An cũng biết là “người mình” nên thường tạo điều kiện giúp đỡ. Có lần đồng chí Năm Liễu thấy đồng chí Tiến đọc tài liệu toàn là tiếng Pháp, biết Tiến là người có học nhưng vì yêu nước nên chấp nhận làm những việc nặng nhọc để mưu tính việc lớn nên gia đình ông Tư An càng kính phục !

Sau những năm sôi nổi của phong trào Mặt trận bình dân, cuối năm 1939, bị thực dân Pháp khủng bố, đồng chí Tiến được điều về Sài Gòn – Gia Định.

Năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng chí Bí thư xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần giao cho đồng chí vẽ lá cờ làm biểu trưng cho cuộc khởi nghĩa. Trong thời gian này, đồng chí Tiến có gặp đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, qua lời kể của đồng chí Minh Khai về lá cờ búa liềm của Liên Xô và đồng chí được truyền đạt lại ý kiến của Tổng Bí thư Trần Phú khi bị bắt giam cầm ở khám lớn Sài Gòn là: ở hoàn cảnh một nước thuộc địa như nước ta, nếu đánh đổ được đế quốc, phong kiến thì thành lập một chính phủ cộng hòa và Quốc kỳ nên là một lá cờ đỏ có sao vàng năm cánh. Được gợi ý của lãnh đạo, sau những đêm trắng bên ngọn đèn dầu leo loét, người chiến sĩ ấy miệt mài vẽ đi vẽ lại nhiều lần, khi đạt được sự hoàn chỉnh, đồng chí mới vẽ lá cờ Việt Nam thẳng trên phiến đá Litho. Tác phẩm thiêng liêng ấy lần đầu tiên được in trang trọng trên trang nhất tờ báo Tiến Lên của Xứ ủy Nam Kỳ.

Những ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, cờ đỏ sao vàng tươi thắm xuất hiện đầu tiên tại đình Long Hưng (Mỹ Tho) và sau đó hàng nghìn, hàng vạn cờ đỏ sao vàng tung bay khắp vùng nông thôn Nam bộ. Theo nhà văn Sơn Tùng, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã giải thích cờ bằng các câu thơ:

“Nền cờ thắm – máu đào vì nước
Sao vàng tươi – da của giống nòi
Đứng lên mau, hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”

Thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng giao phó xong, ngày 30/7/1940 đồng chí Tiến bị bắt cùng với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và 2 bạn chiến đấu khác tại cơ quan của Đảng ở Chợ Lớn, lúc đó đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là Xứ ủy viên, Bí thư Sài Gòn – Gia Định. Ngày 26/8/1941 (có tư liệu ghi ngày 28/8/1941) cả bốn chiến sĩ trung kiên bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn rồi thủ tiêu mất xác. Trước lúc hy sinh, đồng chí để lại 2 câu thơ tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng:

“Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”

Trung tuần tháng 8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định lấy cờ Việt Minh: cờ đỏ sao vàng 5 cánh là cờ khởi nghĩa trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi vào hiến pháp: “Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh”.


Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.

Để tưởng nhớ công lao đồng chí, tỉnh Hà Nam đã cho xây dựng nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến trên nền nhà cũ ngày xưa, nơi đồng chí sinh ra và lớn lên. Tại nơi đây, còn trưng bày bức tranh của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao vẽ Nguyễn Hữu Tiến đang vẽ quốc kỳ Việt Nam./.
BBT

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36983414