Truy cập hiện tại

Đang có 98 khách và không thành viên đang online

Công tác Lịch sử Đảng

Sự ra đời các tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang

(TGAG)- Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một móc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ đây, nhân dân ta tập hợp dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chi bộ Đảng các tỉnh lần lượt ra đời. Ở An Giang, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời ở Chợ Mới.

Ngay sau khi thực dân Pháp chiếm tỉnh An Giang (ngày 22-6-1867), người dân với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã đứng dậy đấu tranh bằng mọi hình thức với nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Ngô Tự Lợi, phong trào “Hội kín” của Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí... nhưng tất cả đều bị thực dân Pháp đàn áp và tan rã vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một giai cấp lãnh đạo phù hợp với cách mạng đương thời.

 
Cột dây thép  
Đúng lúc đó, vào năm 1911, Nguyễn Ái Quốc, một nhà yêu nước vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của dân tộc, đã ra đi tìm đường cứu nước, sau nhiều năm bôn ba nước ngoài, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và xác định “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ đưa về nước hoạt động.

Năm 1927, Nguyễn Ngọc Ba về tỉnh Long Xuyên hoạt động, tìm những thanh niên tích cực trong phong trào yêu nước như: Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm… để tuyên truyền đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm, Nguyễn Ngọc Ba đã kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào Hội. Cũng trong năm này, Châu Văn Liêm kết nạp thêm hai hội viên mới là Bùi Trung Phẩm và Lâm Văn Cẩn và lập ra Chi bộ hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Long Điền. Tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Sau hơn 60 năm chống đế quốc và tay sai, giờ đây mới có một tổ chức cách mạng có đường lối cứu nước và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu lịch sử lúc bấy giờ. Từ Long Điền, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên phát triển khắp các xã trong vùng Chợ Mới, Tân Châu, Lấp Vò… Tháng 02-1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, Châu Văn Liêm được chỉ định làm Bí thư. Hạt giống cách mạng đã nhanh chóng nảy mầm và phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của Nguyễn Văn Cưng, Trần Văn Thạnh, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn). Các đồng chí đã tuyên truyền, vận động, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho người dân hiểu nguyên nhân nghèo đói và chỉ rõ con đường cho họ tự giải thoát là phải đứng lên làm cách mạng như Cách mạng Tháng Mười Nga.

Hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ năm 1925 đến 1929 đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào quần chúng và trở thành đường lối của phong trào yêu nước. Với phong trào yêu nước và phong trào công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi phải có chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Trước tình hình đó, các tổ chức Cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lần lượt ra đời. Tuy nhiên, các tổ chức cộng sản hoạt động riêng lẻ, không tập hợp được sức mạnh, ảnh hưởng đến phong trào cách mạng cả nước. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị từ ngày 6-1 đến ngày 3-2-1930 hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3 năm 1930, các đồng chí lãnh đạo Hội Thanh niên ở Long Xuyên như Nguyễn Văn Cưng, Bảy Xuyến… được kết vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Lưu Kim Phong (cán bộ Đặc ủy) hình thành Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên do đồng chí Nguyễn Văn Cưng làm Bí thư. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng các chi bộ Đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức với lý do: Chợ Mới đất hẹp, người đông, tập trung nhiều mâu thuẫn đối kháng gay gắt: mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân với thực dân Pháp, giữa nông dân với địa chủ, giữa thợ thủ công và chủ xưởng. Chợ Mới còn là nơi có truyền thống đấu tranh lâu đời và đội ngũ trí thức ở đây sớm có điều kiện tiếp thu những tư tưởng tiến bộ trong phong trào dân chủ. Việc đi lại nơi đây tương đối thuận tiện, nhất là bằng đường bộ, đường thủy, làm cho tổ chức cách mạng dễ dàng lan rộng ra các nơi khác.

Đầu tháng 4 năm 1930, Chi bộ Đảng ở Long Điền (Chợ Mới) được thành lập gồm có 3 đồng chí: Lưu Kim Phong, Bùi Trung Phẩm và Đoàn Thanh Thủy. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang. Để chào mừng sự kiện lịch sử đó, Chi bộ Đảng giao cho Lê Văn Đỏ - một quần chúng trung kiên treo lá cờ Đảng trên Cột dây thép xã Long Điền. Cuối tháng 4-1930, các Chi bộ Kiến An, Bình Thành, An Phong... (Chợ Mới); Tân Huề, Long Thuận, Long Sơn... (Tân Châu - Hồng Ngự); Long Xuyên, Lấp Vò... lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển tất yếu của phong trào cách mạng của nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc. Tuy mới ra đời nhưng các chi bộ đã chứng minh được sự trỗi dậy của một tổ chức cách mạng dù còn non trẻ. Đêm 28 rạng 29-4-1930, trên đường phố tỉnh lỵ Long Xuyên, lần đầu tiên xuất hiện nhiều truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy chống chính quyền thực dân.

Sự ra đời Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên và Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng An Giang tiến lên một bước mới, hòa nhịp và có ý nghĩa lớn đối với phong trào cách mạng cả nước; góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn đối với quy luật thành lập Đảng ở Việt Nam./.

Phòng LLCT & LSĐ


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37017490