Truy cập hiện tại

Đang có 308 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Bác Hồ dạy về công tác đền ơn đáp nghĩa

(TGAG)- Trước khi ra đi, Bác Hồ kính yêu vẫn còn nhắc nhở chúng ta trong bản Di chúc (bản viết tay tháng 5/1968) “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (Nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”(1). Tấm lòng của lãnh tụ thể hiện một tư tưởng vĩ đại đúng với tinh thần của truyền thống dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.

Thật ra, Ngày Thương binh Liệt sĩ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ đầu năm 1946 và Người là Hội trưởng danh dự của tổ chức mang tên “Hội giúp binh sĩ bị nạn”, “Hội giúp binh sĩ bị thương”… với những phong trào Mùa đông binh sĩ, dẫn đến văn bản pháp quy đầu tiên về các chế độ “Hưu bỗng thương tật”“Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ” mà Chính phủ ban hành vào ngày 16/02/1947 thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta đối với thương binh, liệt sĩ.

Đến tháng 6/1947, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), một Hội nghị quan trọng của các cơ quan Chính phủ và các Hội, Đoàn thể chính trị ở Trung ương đã quyết định chọn ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Và chiều ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức một buổi mít-tinh lớn, mọi người được nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Ban thường trực của Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc. Và từ đó, hàng năm ngày 27 tháng 7 là ngày hội của toàn Đảng và toàn dân ta đánh giá kết quả thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa…

Ngay trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (5/1/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”… “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta…”(2).

Không phải chỉ với những lời phát biểu, hằng năm Bác Hồ luôn nhớ và vận động cán bộ đảng viên công tác bên cạnh mình gương mẫu trích tiền lương, tiền thưởng, quần áo… gởi cho thương binh, liệt sĩ.

Đất nước ta hôm nay đã thực sự độc lập-tự do, thoát khỏi sự cai trị, kềm kẹp của thực dân đế quốc; nhân dân ta bây giờ ngày càng ấm no hạnh phúc. Ta tự hào vì những chiến công vẻ vang của dân tộc ta, một dân tộc anh hùng thì càng phải biết ơn những người đã anh dũng hy sinh tính mạng, tài năng, của cải và hạnh phúc riêng tư cho công cuộc giữ nước và dựng nước, những người đã làm nên những chiến công vẻ vang đó.

Ai cũng khát khao được sống, được hưởng mọi điều kiện tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình mình, nhưng truyền thống của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất, kiên cường, thiết tha yêu nước, thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ đã thôi thúc biết bao lớp người từ biệt người thân, xóm làng và cả tương lai tốt đẹp của riêng mình để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Họ đã đến với những nơi gian lao, thử thách khốc liệt nhất, dưới bom đạn kẻ thù, nơi mà ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh. Họ chấp nhận ăn đói, mặc rách, nằm rừng, đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương cho độc lập - tự do của Tổ quốc. Có biết bao người đã ra đi không trở lại hài cốt còn thất lạc tận phương trời nào người thân chưa tìm ra; có biết bao người đã sống cảnh tù đày, ngày ngày bị kẻ thù tra tấn dã man, hành hạ dở sống, dở chết; có biết bao người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình trên các chiến trường, để khi đất nước hòa bình, thống nhất họ không còn cơ hội và điều kiện để xây dựng một tổ ấm cho riêng mình, cam chịu sống đời lẻ loi cô độc; có biết bao người đã hy sinh một phần thân thể của mình trong chiến tranh giữ nước, mỗi khi trở trời những cơn đau âm ỉ từ những vết thương trên người lại hành hạ; Và, còn biết bao người không may, con cháu họ không được vẹn toàn vì bị ảnh hưởng bởi chất độc màu  da cam…

Ân nghĩa đó không thể cân, đong, đo, đếm hay tính toán được, bởi sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình cơ sở nuôi chứa cán bộ cách mạng ngày ấy vô cùng thiêng liêng, cao cả. Chỉ cần một sơ hở nhỏ, họ cũng có thể bị tù đày, tra tấn dã man, bị kẻ thù tiêu diệt. Lúc đó, những chiến sĩ cách mạng đâu tính toán thiệt hơn hy sinh để sau này được đền đáp gì. Nhưng trách nhiệm của chúng ta hôm nay, những người may mắn được sống trong cảnh đất nước thanh bình, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng được nâng cao, chúng ta phải có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa - Đó là truyền thống, là đạo lý của người Việt Nam.

Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện trách nhiệm của mình bằng những chương trình đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; nhiều cơ quan, đoàn thể, cá nhân đã tự nguyện chăm sóc và nuôi dưỡng suốt đời những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đã có biết bao thân nhân những liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa được các cơ quan nhận chăm sóc; nhiều địa phương đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thương binh lao động sản xuất, tăng thu nhập ổn định trong cuộc sống và thực hiện đầy đủ mọi chế độ chính sách mà Đảng và Nhà nước đã quy định. Nhiều con em gia đình chính sách đã được bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng ở những vị trí quan trọng trong hệ thống của Đảng và Nhà nước. Nhà nước cũng đã thực hiện việc quy tập hài cốt liệt sĩ vào trong nghĩa trang, xây dựng nhà bia tưởng niệm ghi danh anh hùng liệt sĩ để làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho những thế hệ sau này. Đảng và Nhà nước cũng đã xây dựng nhà tình nghĩa, phát động nhiều phong trào, nhiều chương trình lồng ghép như hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn giảm viện phí, học phí, trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất v,v… cho những gia đình chính sách. Và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu, văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, báo chí… đã phản ánh, đã ghi nhận những đóng góp, những hy sinh của bao tấm gương anh hùng liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng…

Tất cả cũng chỉ nhằm làm vơi đi những đau thương, mất mát của những gia đình thương binh, liệt sĩ; bởi vì những tổn thất lớn lao của những gia đình thương binh liệt sĩ thì không có gì có thể bù đắp được. Và trách nhiệm của tất cả chúng ta, ngoài việc tích cực đóng góp vào phong trào đền ơn đáp nghĩa, còn phải giáo dục con cháu đời đời sau ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh để con cháu mình sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp người đi trước./.

M.B.M
_______________
(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t12, tr. 497-506.
(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t10, tr. 2-6.

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708652