Truy cập hiện tại

Đang có 243 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân

(TGAG)- Trong chuẩn mực đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh tự coi mình là công bộc của dân. Trong Di chúc (1969), Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân được thể hiện là phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân.



Ý thức tôn trọng Nhân dân của Người thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị, Bác luôn đề cao ý dân, sức dân, bởi “dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.

Phong cách tôn trọng Nhân dân của Bác thể hiện một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người.

Bác luôn coi sức mạnh của Đảng nằm ngay trong mối quan hệ giữa Đảng với dân và dân với Đảng. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Khi sức dân được huy động, tập hợp, tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch…

Trong Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”. Để có được chủ trương, quyết định đúng, Bác nhấn mạnh: việc gì cũng phải “Bàn bạc với dân chúng”, “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Tôn trọng Nhân dân nghĩa là biết lắng nghe và chân thành bàn bạc với dân. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Tấm gương tôn trọng Nhân dân của Bác là mẫu mực về đạo đức, phong cách của người cộng sản, người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước không ngừng đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, quản lý, hướng tới người dân và cơ sở. Trong quan hệ với Nhân dân, Đảng đề ra phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Trong nhiều năm qua, ý thức vì dân, tôn trọng Nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể có chuyển biến rõ nét. Nhiều người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ động gặp gỡ, đối thoại với dân, tháo gỡ nhiều vướng mắc, với tinh thần cải cách mạnh mẽ. Điển hình qua cuộc điền tra xã hội học của Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh về sự hài lòng của người dân đối với lĩnh vực hành chính công… (năm 2018), cho thấy nhiều kết quả chuyển biến tích cực. Trong đó, nội dung sự hài lòng của người dân về thái độ giao tiếp lịch sự của cán bộ, công chức, viên chức, đồng ý với tỷ lệ 66,5%; không đồng ý  chỉ còn 5,1%...

Mặc dù, sự chuyển biến trên bình diện chung là tích cực, song chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, mong ước của Nhân dân. Các cấp các ngành, từng cán bộ đảng viên cần tiếp tục nhận thực sâu sắc hơn về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân.

Tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự tin dân, hiểu dân, gần dân, bàn bạc với dân và vì dân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Chỉ đạo thực hiện tốt cải cách hành chính, dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội…

Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân định kỳ và đột xuất, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Giải quyết dứt điểm, thấu đáo, đúng pháp luật những tố cáo, khiếu kiện của dân. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm và công khai trước Nhân dân.

Đặc biệt, những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm ở vị trí tiếp dân  ở các cấp phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng lắng nghe, hòa nhã, biết gợi chuyện để nắm chắc vấn đề và tìm ra hướng giải quyết, phải nhẹ nhàng, lễ phép chứ không phải vô cảm hay quát nạt. Một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu của người cán bộ tiếp dân là phải có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng để có thể phân tích, xử lý những tình huống khi người dân trình bày trong trạng thái mất bình tĩnh, cực đoan, hiểu sai …

Trả lời với dân phải cụ thể, rõ ràng, tránh đùn đẩy trách nhiệm, qua loa đại khái. Quá trình tiếp dân, cần giải thích rõ trên cơ sở các quy định của pháp luật một cách đầy đủ, chính xác liên quan đến nội dung mà người dân trình bày. Đồng thời, cán bộ tiếp dân phải là người có đạo đức trong sáng, không lợi dụng hoạt động tiếp dân để vụ lợi, thí dụ thông qua hoạt động tiếp dân để hứa hẹn chạy việc làm, hoặc vòi vĩnh nhận giải quyết thủ tục hành chính để vụ lợi...

Thấm nhuần và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước của dân, do dân, vì dân./.

Lê Hoài Trường
(TTCTTT-4/2019)
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37136648