Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước

(TGAG)- Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy Bác đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Bác nêu lên mục đích thi đua yêu nước là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nêu rõ mục đích thi đua yêu nước là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, để đem lại kết quả đầu tiên là toàn dân đủ ăn, đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

Nội dung thi đua yêu nước phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, Bác kêu gọi “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến”.

Bác chỉ ra cách tổ chức phong trào thi đua yêu nước là “phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng. Người chỉ rõ “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao; “giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay”; thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua; khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.

Ngay từ khi bắt đầu phát động thi đua Bác đã nói “thi đua yêu nước để ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước”. Đó là nguyên tắc, mục đích của thi đua mà người lãnh đạo phải tôn trọng. Thực hiện từng bước, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích chung để khuyến khích thi đua, nhất là khi nền kinh tế cho phép.

Mặt khác, theo quan niệm của Bác, thi đua không chỉ là lao động tạo nên sự gia tăng về số lượng và chất lượng trong việc làm của con người để thêm nhiều của cải vật chất làm giàu cho đất nước, mà còn là tấm lòng, là trái tim và khối óc đối với đất nước, phấn đấu cho đất nước được tự do, độc lập, thống nhất, phát triển, tăng tiến cả về kinh tế và văn hóa xã hội, mạnh về quốc phòng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Người lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế trong lao động sản xuất và chiến đấu. Và ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Gắn thi đua với yêu nước và yêu nước với thi đua, Bác làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta mang bản sắc của dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó là lòng yêu nước được hun đúc hàng nghìn năm. Bác tin ở truyền thống yêu nước của nhân dân, có lòng tin vững chắc vào bản chất tốt đẹp, sức mạnh của nhân dân. Bác nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chính vì vậy mà Bác đặt tên phong trào thi đua của nhân dân ta là phong trào thi đua yêu nước và Bác phát động thi đua yêu nước, biến thi đua yêu nước thành sức mạnh của hàng triệu người, của toàn dân kháng chiến thắng lợi.

Trải qua 70 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước và đang vững bước trên con đường đổi mới. Có thể khẳng định, việc đề ra và phát động các phong trào thi đua luôn xuất phát, gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng mà cụ thể hóa thành các nội dung thi đua trong từng phạm vi lĩnh vực cụ thể, đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Hoài Trường



Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37039581