Truy cập hiện tại

Đang có 84 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(TGAG)- Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta rất nhiều di sản quý báu, trong đó tư tưởng về một “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đây là một tư tưởng nổi bật, xuyên suốt trong quá trình làm cách mạng của mình. Người luôn mong muốn, Việt Nam phải xây dựng cho được một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc thật sự cho nhân dân.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đó là điểm khác nhau về bản chất giữa nhà nước dân chủ nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Quyền quyết định của nhân dân về các vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết”.

Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, có quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm, và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc của dân”. Người phê phán những “vị đại diện” lầm lẫn sự uy quyền đó với quyền lực cá nhân, sinh lộng quyền, cửa quyền: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước do dân.

Nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình. Nhà nước đó do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để Nhà nước chi tiêu, hoạt động. Nhà nước do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và sự kiểm soát của nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có Nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát mới có thể là nhà nước vì dân. Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thật sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh...” Cán bộ nhà nước phải là đầy tớ của dân, đồng thời là người lãnh đạo hướng dẫn nhân dân. Đầy tớ thì phải trung thành, tận tụy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người lãnh đạo phải trí tuệ hơn người, minh mẫn, sáng suốt, nhìn xa, trông rộng, gần gũi nhân dân, trọng dụng hiền tài. Như vậy, “Người thay mặt dân phải đủ cả đức và tài, vừa hiền lại vừa minh”.

Để Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhỡ việc dùng cán bộ, đặc biệt là với cán bộ quản lý nhà nước, điều quan tâm thường xuyên của Người vẫn là phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, bởi thiếu điều này thì dù giỏi mấy cũng không dùng được.

Xuất phát từ nhận thức chỉ có trí tuệ và lòng dân mới có thể làm cho chính quyền trở nên mạnh mẽ và sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải “thân dân, gần dân, trọng dân, không được lên mặt “quan cách mạng” với dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh, hiệu quả của Nhà nước là dựa vào tính nghiêm minh của việc thi hành pháp luật và sự gương mẫu, trong sạch về đạo đức của người cầm quyền. Người đòi hỏi “cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Người đã sớm chỉ ra ba thứ “giặc nội xâm”, “giặc trong lòng”. Người nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Hồ Chí Minh khẳng định: chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. “Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.

Để xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thiết nghĩ, mỗi cán bộ đảng viên cần xác định rõ chế độ trách nhiệm của mình, đề cao sự gương mẫu, chủ động và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tích cực đấu tranh, góp phần xây dựng thiết chế để nhân dân tham gia giám sát; kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng những gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có chính sách tôn vinh những người có tài năng, tâm huyết để xứng đáng là người “đày tớ” trung thành của nhân dân./.

Lâm Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37146730