Truy cập hiện tại

Đang có 275 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Xây dựng Đảng trên nền tảng những giá trị đạo đức Hồ Chí Minh

(TGAG)- Trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng về xây dựng đạo đức cách mạng. Bởi đạo đức là biểu hiện trực tiếp của tư tưởng, chỉ đạo tư duy và hành động của con người. Xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức.

 
 Trong các giá trị đạo đức của Hồ Chí Minh thì lòng yêu nước, thương dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc và Nhân dân là giá trị cốt lõi, chi phối mọi suy nghĩ và hành động cách mạng của Người. Vì vậy, Người luôn coi phụng sự Tổ quốc và Nhân dân là hạnh phúc cao nhất, là ham muốn tột bậc của Người. Đảng do Người sáng lập và rèn luyện cũng vì thế mà phải thấm nhuần tư tưởng lấy lợi ích tối cao của dân tộc và Nhân dân mà phụng sự. Nếu xa rời tôn chỉ mục đích đó thì Đảng sẽ bị “hỏng”, sẽ không đủ tư cách chính trị - xã hội mà lãnh đạo Nhân dân.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần quán triệt cán bộ, đảng viên về nguyên tắc xây dựng Đảng; trong di chúc Người đã viết “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Xây dựng Đảng về đạo đức là một mục tiêu xuyên suốt và cấp thiết của công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức được đề cao và được xem là điểm nhấn quan trọng trong Đại hội XII của Đảng. Để có thể đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước, xứng đáng với trọng trách là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn, tự đổi mới về mọi mặt: tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức.

“Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần”. Quan điểm “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” được toàn xã hội quan tâm. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thì nhiệm vụ trước tiên là xây dựng Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng; từ thực tiễn cách mạng hơn 87 năm qua Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó với Nhân dân”. Những kết quả bước đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy khi Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu đi đầu thì niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững, củng cố và tăng cường; sức mạnh của cách mạng nước ta vì thế mà được khơi nguồn, giữ gìn và phát huy cao nhất. Xây dựng Đảng về đạo đức là kiên trì bồi dưỡng đạo đức cách mạng với lý tưởng vì độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cùng với xây dựng lý tưởng và chuẩn mực thì cái cấp thiết hơn đòi hỏi trong Đảng là đạo đức hành động, hướng tới Nhân dân và vì Nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì nhỏ cũng phải quyết tâm làm cho được, cái gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh.

Xây dựng Đảng về đạo đức để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng trong niềm tin cậy và sự mong đợi của Nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức bắt đầu bằng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Bởi Đảng không phải là một cái gì trừu tượng, mà bao gồm tất cả đảng viên. Lý tưởng của Đảng được cụ thể hóa trong nhận thức sâu sắc và hành động đúng của mỗi đảng viên.

Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó được hình thành trong quá trình rèn luyện bền bỉ mà nên như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Đồng thời chú trọng kết hợp giữa giáo dục nhận thức với rèn luyện lập trường quan điểm, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cách mạng, hình thành niềm tin khoa học và thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong từng tổ chức cơ sở Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Xây dựng Đảng về đạo đức có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng ta là vì độc lập của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, là lý tưởng đạo đức của Đảng, của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng đạo đức không chỉ thể hiện nhận thức đúng đắn về các giá trị, chuẩn mực đạo đức, mà còn chi phối hành vi đạo đức của mỗi người. Thông qua thực hành đạo đức, thực hành dân chủ, thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, thực hiện sự giám sát, kiểm tra của Nhân dân đối với tổ chức Đảng và các cán bộ, đảng viên để tự sửa chữa khuyết điểm, yếu kém là cách thức tốt nhất để xây dựng Đảng.

Đảng lãnh đạo Nhân dân bằng định hướng các giá trị văn hóa, do đó xây dựng Đảng về đạo đức phải được gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Thực hành đạo đức cách mạng, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở các cấp phải nêu gương thực hành đạo đức sẽ có tác dụng thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Cùng với xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với mỗi người dân tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng là Nhân dân đang góp phần xây dựng cuộc sống “ấm no, tự do và hạnh phúc” của mình./.

Lâm Giàu


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36714457