Truy cập hiện tại

Đang có 102 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Nội dung cốt lõi về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tư tưởng Hồ Chí Minh

(TGAG)- Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng ta về mọi mặt. Nhưng, đối với Người, vấn đề quan trọng, cần đặc biệt quan tâm trong công tác xây dựng đảng đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng đó là những người phải vừa có đức, vừa có tài. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Theo Người, đạo đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Nó được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Trong hai mặt đức và tài thì Người coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Với mọi cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: phải vững về chính trị, giỏi về chuyên môn; nghề nào cũng phải học, phải thông thạo. Người nhắc nhở: không thể lãnh đạo chung chung được nữa, chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, phải có tri thức nữa. 

Ngoài phẩm chất, năng lực, Người còn yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải có phong cách công tác khoa học, chống chủ quan, khoe khoang, kiêu ngạo, quan liêu đại khái, phô trương, ham chuộng hình thức; chống lối làm việc gặp đâu hay đấy, thiếu kế hoạch, thiếu kiểm tra. 

Người căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực và môi trường công tác.

Đảng lãnh đạo không phải chỉ bằng chủ trương, đường lối, chính sách... mà còn bằng sự nêu gương, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người nói: Đối với dân tộc phương Đông thì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng ta qua mỗi thời kỳ cách mạng, rất nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên trong chiến đấu, lao động và học tập đã gương mẫu trước quần chúng và làm nên những thành tích vẻ vang. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra phương pháp công tác đối với người cán bộ, đảng viên là: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự gương mẫu đi đầu, lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực là sự thuyết phục, cảm hóa để lôi cuốn nhân dân vào các phong trào cách mạng. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân cả về lời nói và việc làm, để cho dân tin, dân phục, dân yêu, từ đó làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và Chính phủ. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền thì người lãnh đạo cấp cao, người có chức vụ càng cao phải thể hiện là tấm gương càng sáng, để cấp dưới và quần chúng noi theo, Người nói: “Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu: “đặt lợi ích cách mạng của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài của người cán bộ, đảng viên vào xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc đào tạo, sử dụng, đánh giá cán bộ cần phải được gắn chặt với đức - tài. Điều này, đòi hỏi phải được hiểu một cách khoa học, đầy đủ. Đức và tài của người cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn chức danh đối với mỗi chức vụ, cương vị công tác, nhất là các tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, để mỗi cơ quan, đơn vị lựa chọn quy hoạch, bố trí cán bộ thật sự là những người có đức, có tài./.

Lâm Giàu
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37132040