Truy cập hiện tại

Đang có 148 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (tiếp theo)

(TGAG)- Vận dụng và phát triển vào đâu?

Vận dụng và phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ mông lung, không đạt lợi ích thực tế nếu chưa xác định được đích hướng đến. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được “vận” vào đâu, “dụng” vào việc gì; phát triển trong môi trường gì. Đây là những vấn đề cần lưu ý nếu muốn vận dụng và phát triển có hiệu quả.

Nói một cách chung nhất, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh phải được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống theo phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn. Thực tiễn cuộc sống ở đây cần được hiểu như thế nào? Có quan niệm đó là thực tiễn đời sống xã hội công cộng bên ngoài (không phải là thực tiễn sống của bản thân và gia đình) nên không gian để vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không bao hàm môi trường sống trong gia đình. Có người xem tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh dành riêng cho hệ thống chính trị nên môi trường vận dụng là các cơ quan, cá nhân nằm trong đó; môi trường ngoài hệ thống chính trị thì giáo dục đạo đức truyền thống. Trong cán bộ, đảng viên cũng tồn tại quan niệm cho rằng vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình thực thi công vụ, ở môi trường công; ngoài ra, khi trở về sinh hoạt tại địa phương, gia đình với tư cách người dân bình thường thì không đặt vấn đề vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Có ý kiến quan niệm ở đâu, người nào có vấn đề tiêu cực, suy thoái về đạo đức, lối sống thì phải học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; ngoài ra, những ai không suy thoái đạo đức, có đạo đức tốt thì không cần thiết phải vận dụng. Tất cả những quan niệm nêu trên đều sai lầm.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần phải được vận dụng vào thực tiễn sống của con người Việt Nam. Mỗi người luôn sống trong một không gian nên vận dụng vào thực tiễn sống của họ cũng chính là vận dụng vào không gian họ thực hiện hoạt động sống. Cần lưu ý hai điểm: thực tiễn sống và không gian sống. Thực tiễn sống là toàn bộ hoạt động trong cuộc sống của mỗi người. Vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn sống là vận dụng vào quá trình thực hiện hoạt động sống của mỗi người, trong đó cần lưu ý hai hành động phổ biến và căn bản là lao động - sản xuất và sinh hoạt. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần phải được vận dụng vào quá trình lao động - sản xuất để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức làm việc. Trong trường hợp đối với người cán bộ, đảng viên, vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để rèn luyện đạo đức công vụ. Gắn với thực tiễn ấy là môi trường lao động - sản xuất. Tùy đặc thù của mỗi môi trường mà vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào xây dựng đạo đức đặc thù của ngành nghề, lĩnh vực, không gian địa lý - nghề nghiệp đó. Mặt khác, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần được vận dụng vào thực tiễn sinh hoạt của mỗi người, bao gồm hai hoạt động chủ yếu: sinh hoạt gia đình và sinh hoạt cộng đồng - xã hội. Các hoạt động sinh hoạt diễn ra trong không gian gia đình cần thiết vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng lối sống đạo đức, nền nếp. Không gian gia đình tương đối gọn nên dễ dàng cho việc gắn kết điều kiện, đặc điểm cụ thể của người vận dụng với nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hành vi và không gian sinh hoạt cộng đồng - xã hội thì phức tạp hơn nhiều bởi sự đa dạng của hành vi và quy mô không gian. Đó  có thể là không gian làng xóm, không gian vùng miền,... chứ đựng trong đó rất nhiều yếu tố. Do vậy, vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào thực tiễn sinh hoạt cộng đồng - xã hội của mỗi cá nhân là thiên biến vạn hóa, nhằm tạo nên cho người vận dụng sự đảm bảo đúng chuẩn mực đạo đức khi hoạt động trong môi trường đa dạng và phức tạp.

Như vậy, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần được vận dụng vào thực tiễn sống của mỗi con người Việt Nam, không phân biệt là cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân; mỗi người lại sống trong không gian rất đa dạng, là một thành tố trong đó, nên từ chỗ vận dụng vào thực tiễn bản thân mình cũng chính là góp phần vận dụng vào môi trường mình đang là thành tố; không gian môi trường ở đây là môi trường sống, không đơn giản là môi trường làm việc, môi trường công. Tiêu chí để xác định “đích đến” của vận dụng, nói chung nhất, chính là “thực tiễn sống”; ở đâu có thực tiễn sống của con người Việt Nam, ở đó cần thiết phải vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

“Phát triển” tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc cần thiết nhưng không dễ thực hiện tốt. Sức sống của một tư tưởng thể hiện ở nhu cầu cuộc sống cần đến. Tư tưởng chỉ có thể tồn tại và “sống” mạnh mẽ khi gắn chặt với thực tiễn. Nói cách khác, chính thực tiễn làm gia tăng sức sống của tư tưởng. Để phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cần phải đưa tư tưởng ấy, dưới hình thức vận dụng, vào thực tiễn sống của con người Việt Nam. Sự biến chuyển không ngừng và đa dạng của thực tiễn sống sẽ được chắt lọc những giá trị tinh túy, cô kết lại thành lý luận bổ sung thêm vào tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Thực tiễn sống đó phải đi từ thực tiễn sống mỗi cá nhân đến thực tiễn của tổ chức, cộng đồng và toàn dân tộc. Cần phải bao quát như vậy thì mới đảm bảo những giá trị bổ sung, phát triển vào tư tưởng Hồ Chí Minh sát với thực tiễn, được thực tiễn chấp nhận.

Cuộc sống không giờ phút nào thiếu đạo đức. Ở đâu có cuộc sống người Việt Nam, ở đó cần thiết phải học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phương An

Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37147686