Truy cập hiện tại

Đang có 308 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Rèn luyện đạo đức theo tư tưởng của Bác là phải bề bỉ hàng ngày từ những việc đời thường nhất

(TGAG)- Trong số vô vàn những câu chuyện về Bác Hồ, có rất nhiều mẩu chuyện khiến chúng ta không khỏi xúc động vì đức độ và nhân cách của Người. Nhưng đối với riêng tôi, câu chuyện “Việc chi tiêu của Bác Hồ” đã khiến tôi xúc động và đã tác động đến suy nghĩ, hành động của tôi nhiều hơn cả.

Câu chuyện: VIỆC CHI TIÊU CỦA BÁC HỒ

Các đồng chí ở gần Bác đều cho biết Bác rất tiết kiệm. Có đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần Bác cũng không dùng tất mới. Bác nói:
- Cái gì còn dùng được nên dùng. Bỏ đi không nên...
Khi tất rách chưa kịp vá, anh em đưa đôi mới để Bác dùng, Bác xoay chỗ rách vào bên trong rồi cười xí xóa:
- Đấy, có trông thấy rách nữa đâu...
Có quả chuối hơi nẫu, anh cán bộ chê không ăn, Bác lấy dao gọt phần nẫu đi, bóc ăn ngon lành, rồi nói:
- Ở chiến khu có được quả chuối này cũng đã quý...
Câu nói và việc làm của Bác làm đồng chí cán bộ hối hận mãi.
Dù cho đã làm đến Chủ tịch nước, suốt trong những năm ở Việt Bắc, ở Hà Nội, Bác chưa bao giờ “có tiền” (như anh em cán bộ, chiến sĩ, công tác quanh Bác thường nhận xét).
Thực tế lịch sử cho thấy rằng: suốt thời gian hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do những nguyên nhân khác nhau. Được đồng nào, chủ yếu do lao động tự thân mà có, Bác dành cho công tác cách mạng. Bác chi tiêu rất dè xẻn, cân nhắc từng xu. Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chỉ có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quần, người Trung Quốc, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người (năm 1939), Bác cũng chỉ “khao một món canh và 2 đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc”.
Tự thết đãi mình “khi nghe tin Hồng quân bắt sống 33 vạn quân Hít le ở Xtalingrát năm 1943”, tại nhà tù, trong túi chỉ còn vẻn vẹn một đồng bạc, Bác đã “nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và dầu chả quẩy”. Sau khi phấn khởi hô mấy khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Liên Xô, Bác “ngồi một mình, chén tạc, chén thù rất đàng hoàng vui vẻ”...     
Năm 1957, Bác về thăm Nghệ Tĩnh, khi ăn cơm chung với đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diệm, Bác đã để bớt ra ngoài mâm mấy món ăn, rồi nói: “Ăn hết lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, đừng để người ta ăn thừa của mình”.
Có thể dẫn ra nhiều nữa những ví dụ về cách chi tiêu sử dụng tiền bạc, cơ sở vật chất của Bác, rất “mâu thuẫn thống nhất”: chắt chiu, tằn tiện nhưng vẫn rộng rãi, không hoang phí mà cũng không keo kiệt, “ki bo”.
Thế giới, loài người tự hào về Bác. Là người Việt Nam, đồng hương của Bác, chúng ta càng tự hào biết bao! Cách ứng xử của Bác với tiền tài, với cái ăn, cái mặc, với cơ sở vật chất nói chung đâu có phải là cao quá mà chúng ta không học tập được, đâu có phải là một tòa thánh cấm uy nghiêm mà chúng ta không đặt chân lên được thềm bậc, dù là bậc thềm thứ nhất?
Theo Nguyễn Việt Hồng
(Một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2007)

Qua câu chuyện trên, dù là những mẩu chuyện rất nhỏ trong số vô vàn những câu chuyện cảm động khác về đức tính giản dị và tiết kiệm của Bác như đôi dép cao su làm từ lốp ôtô Bác mang suốt 15 năm đến nỗi tụt quai phải dùng đinh đóng lại, chiếc ô tô cũ hỏng máy Bác cho sửa chữa lại dùng tiếp chứ nhất định không đổi xe mới; những lúc đi thăm hoặc công tác nước ngoài, Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki giản đơn chứ không com-lê, cà vạt, giày da bóng lộn; hay ngay cả trong bữa ăn hàng ngày cũng chỉ đạm bạc dưa cà chứ không cao lương mỹ vị; mùa hè nóng nực, Bác vẫn từ chối không cho lắp máy điều hoà tại phòng làm việc của mình… và còn vô số những minh chứng khác về đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác. Chúng ta hãy thử đặt câu hỏi, với địa vị của Bác lúc bấy giờ, Bác có quyền được hưởng thụ những điều kiện tốt hơn nhưng vì sao Bác lại từ chối những điều đó, lại chọn lối sống giản dị và tiết kiệm đến vậy. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên mà sẽ hiểu được điều đó qua lời Bác nói: "Đất nước còn nghèo, Chủ tịch nước cũng phải tiết kiệm". Vâng, Bác tiết kiệm là để làm gương cho mọi người noi theo. Bác nói: “Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã” (Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, ngày 18/1/1949). Hoàn cảnh đất nước ta lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, nhân dân đang ra sức giành độc lập cho nên mọi người đều phải tiết kiệm thì mới có đủ cơ sở vật chất để phục vụ chiến đấu. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể cảm nhận được một số ý nghĩa rất sâu sắc, đó là:
  • Muốn mọi người đều có ý thức tiết kiệm thì lãnh đạo phải làm gương trước, phải bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ nói suông, hô hào chung chung; muốn người dân tiết kiệm thì cán bộ, công chức phải tiết kiệm trước đã.
  • Không phải lúc khó khăn, gian khổ thì mới tiết kiệm còn lúc đầy đủ, sung sướng thì không cần, mà phải biến ý thức tiết kiệm thành bản tính của mỗi người, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh, địa vị nào cũng phải biết tiết kiệm.
  • Mỗi hạt gạo chúng ta ăn, mỗi vật dụng chúng ta dùng, mỗi đồng tiền chúng ta chi tiêu đều là do mồ hôi, công sức, trí tuệ, sự vất vả, mệt nhọc của nhân dân và chính chúng ta mà có được, do đó phải biết tiết kiệm và không nên hoang phí của cải của xã hội.
Bác khuyên chúng ta tiết kiệm và Bác cũng dạy “... Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm.” (Cần kiệm liêm chính, tháng 6-1949).

Đối với bản thân mình, Bác chi tiêu rất tiết kiệm nhưng đối với đồng bào, chiến sĩ Bác lại rất rộng rãi. Trong những ngày tháng chiến tranh vệ quốc ác liệt nhất, các chiến sỹ phòng không túc trực trên mâm pháo dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, Bác đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm của mình mua nước cho họ uống; Bác cho bán cái áo lụa được tặng để lấy tiền mua áo ấm cho cán bộ, chiến sỹ đang chiến đấu nơi tiền phương. Việc làm của Bác, tình thương của Bác dành cho chúng ta mênh mông quá, cao đẹp quá, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
(Bác ơi!)

Qua câu chuyện về việc chi tiêu của Bác, tôi tự cảm thấy mình thật nhỏ bé. Đột nhiên tôi liên tưởng, có những lúc mình đã hoang phí biết chừng nào. Chiếc áo chỉ hơi sờn vai, mình chê không mặc; cái xe hơi cũ, mình ngại không đi; chiếc điện thoại còn sử dụng được mình lại đổi cái mới... Có những lúc mình còn xài lãng phí điện, nước, giấy, mực của cơ quan, đôi khi còn tổ chức liên hoan, nhậu nhẹt hoang phí tiền bạc và sức khỏe của mình.
 Câu chuyện đã giúp cho bản thân tôi cảm thấy rất thấm thía và tâm đắc với những lời dạy của Bác, đồng thời từ đó tôi cũng rút ra được những bài học cho riêng mình:

- Thứ nhất, trong việc chi tiêu của gia đình và bản thân phải hết sức dè xẻn, có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, cụ thể, phải biết “liệu cơm, gắp mắm”, không được “chém to, kho mặn”, “vung tay quá trán”.

- Thứ hai, trong việc sử dụng tài sản công phải biết tiết kiệm, chống lãng phí như tiết kiệm điện, nước, giấy, mực, xăng dầu, điện thoại... của cơ quan.

- Thứ ba, trong công việc phải toàn tâm, toàn ý không được lãng phí thời gian và sức khỏe của mình cho những việc vô bổ.

- Thứ tư, tiết kiệm nhưng không phải là ki bo, bủn xỉn mà việc gì đáng chi thì phải chi, việc không đáng chi thì một xu cũng không được chi.

Từ những bài học mà bản thân tự chiêm nghiệm và rút ra cho mình qua câu chuyện Việc chi tiêu của Bác Hồ, càng kính yêu Bác bao nhiêu, tôi lại càng khắc sâu hơn những lời dạy của Bác bấy nhiêu. Bản thân tôi sẽ luôn nguyện với lòng học và làm theo tấm gương đạo đức của Người, bắt đầu từ những việc đời thường nhất như tính giản dị, tiết kiệm, chân thành, trung thực và yêu thương con người.

- Là cán bộ công chức thuộc cơ quan Đảng, tôi phải không ngừng học tập, nghiên cứu tài liệu, những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, một lòng “tận tâm với nghề, tận nghĩa với đời”.

- Trong cuộc sống gia đình phải chi tiêu tiết kiệm, có chừng mực, trong công việc của cơ quan phải sử dụng tiết kiệm, không được lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

Để thực tốt Chỉ thị 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  thông qua những việc làm cụ thể của mình, mỗi chúng ta phải có ý thức tiết kiệm hơn nữa, trước mắt là qua một số việc làm sau đây:

- Thứ nhất, khi sử dụng máy vi tính của cơ quan phải tắt máy trong giờ nghỉ trưa và sau khi sử dụng xong vì nếu mình tắt máy trong 3 tiếng nghỉ trưa thì sẽ tiết kiệm được gần 1kW điện, do đó nếu tất cả các phòng đều làm như vậy thì mỗi ngày sẽ tiết kiệm được cho cơ quan hàng chục kW điện, và mỗi tháng sẽ tiết kiệm được hàng trăm kW điện.

- Thứ hai, khi ra khỏi phòng làm việc và nếu không còn ai trong phòng thì phải tắt hết đèn, quạt vì nhiều khi tôi thấy có phòng làm việc không có ai nhưng vẫn mở đèn và để quạt rất lãng  phí.


- Thứ ba, khi in hoặc photo tài liệu, văn bản phải cố gắng sử dụng hết cả hai mặt giấy để tiết kiệm giấy cho cơ quan.


- Thứ tư, trong giờ làm việc phải nghiêm túc làm việc, không được đi muộn về sớm, không được sử dụng máy vi tính của cơ quan để chơi game.


 - Thứ năm, tiết kiệm một phần chi tiêu của mình để có thể hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo, và những mảnh đời bất hạnh quanh ta.

Có người nói: "Đạo đức của Bác mênh mông lắm, cao siêu lắm, phi thường lắm, khó mà học cho hết được". Vâng, có thể là chúng ta không đạt được những điều phi thường như Bác, nhưng chí ít, nếu phấn đấu nỗ lực, ta có thể học và làm được những điều bình thường của Bác, mà trước hết đó là tính tiết kiệm và đời sống giản dị. Mỗi người cán bộ công chức chúng ta phải tự hứa với mình cố gắng học thật tốt và quyết tâm làm thật nghiêm túc những lời Bác dạy. Hàng ngày, hàng giờ, trong mỗi công việc chúng ta làm, chúng ta phải chiêm nghiệm và tự hỏi lòng mình xem mình đã làm đúng như những lời Bác dạy chưa? Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta hãy tự soi mình vào tấm gương đạo đức của Bác, học và làm theo Người để tâm hồn của chúng ta trong sáng hơn, hành vi của ta tốt đẹp hơn, để cho con người chúng ta được nâng cao hơn, được hoàn thiện hơn./.

T.P.H 
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37057998