Truy cập hiện tại

Đang có 255 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Học tư tưởng của Bác Hồ qua câu chuyện “Có thực mới vực được đạo”

(TGAG)- "Đầu tháng 2 năm 1960, Bác Hồ đến dự Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng toàn miền Bắc, họp ở Thủ đô Hà Nội. Sau lời hỏi thăm, Bác vui vẻ hỏi các đại biểu:

- Các cô, các chú có đồng ý tiến lên chủ nghĩa xã hội không?

Cả hội trường vang lên tiếng đồng thanh trả lời: “Có ạ”. Bác nói tiếp:

- Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: “Có thực với vực được đạo” vì thế kinh tế phải đi trước. Nhưng phát triển để làm gì? Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta…

Lời Bác dạy thật rõ ràng và giản dị. Ai là cán bộ văn hóa có mặt tại Hội nghị hôm ấy mà chẳng thấy lòng mình rộn lên niềm vui sướng khi được nghe Bác khen: Các cô, các chú vừa lao động sản xuất tích cực, vừa hoạt động văn hóa tích cực. Thế là tốt. Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục… Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất. Văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông. Nhiệm vụ của người cán bộ văn hóa là phải dùng văn hóa để tuyên truyền cho việc cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước…".

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) có “Hũ gạo kháng chiến”. Đây là sáng kiến do Bác Hồ nghĩ ra: Nhà nào cũng có một hũ đựng gạo tiết kiệm. Mỗi bữa, hãy bớt lại một nắm gạo cho vào hũ để đề phòng lúc thiếu, đói. Ngoài ra, Bác còn kêu gọi mỗi tuần, hãy nhịn ăn một bữa. Đó là một biện pháp để giải quyết chuyện thiết thực: Chống đói. Bác cũng phát động phong trào tăng gia, sản xuất, tiết kiệm. Tất cả mọi biện pháp chỉ nhằm mục đích duy nhất là giải quyết vấn đề lương thực, chuyện ăn cho quân dân để có sức đánh giặc, mà cuộc kháng chiến được xác định là trường kỳ. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm sao cho dân ăn no, mặc ấm, được học hành, chữa bệnh, giải trí... Ngày 24/4/1956, trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Người căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ rằng: điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân...”. Đó là mục đích kinh tế, là nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ, đồng thời là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa cách mạng của đường lối, chính sách và biện pháp kinh tế. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Sự phát triển của một quốc gia không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ mà còn phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, vào sự giàu có cả vật chất và tinh thần. Do đó, văn hóa là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống cần phải đóng vai trò điều tiết tinh thần cho sự phát triển này.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế… Việt Nam là một nước nông nghiệp. Vì thế, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu con người là điều mà Đảng, Nhà nước ta luôn phải nỗ lực. Đến nay, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực, không những thế còn đứng vào hàng những “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới; được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, thực thi những chính sách xã hội, chăm lo sự phát triển con người; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Ngày 15/5/2016 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mục đích là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn nữa tư tưởng của Bác về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cũng là phương thức để chúng ta hiểu rõ hơn quan điểm của Người “Có thực mới vực được đạo”./.

Hòa Bình

____________
* Tham khảo “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.


Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37057443