Truy cập hiện tại

Đang có 233 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Nơi khó khăn, xuất hiện tấm lòng vàng

(TUAG)- Tân Lập, một xã vùng sâu của huyện Tịnh Biên, nơi còn lắm khó khăn về giao thông. Bởi vì nơi đây là vùng trũng, tiếp giáp với huyện Châu Phú và Tri Tôn, cách xa trung tâm huyện Tịnh Biên khoảng 30km, thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mùa lũ về. Những tháng mưa dầm, nước lũ, bà con nơi đây đi lại rất khó khăn, hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được sử dụng chung với hệ thống đê bao thủy lợi nên còn nhiều đoạn đường đất, thiếu nhiều cầu bắc qua kênh, có một vài đoạn tiếp giáp với trục lộ chính cũng chỉ được trãi đá cấp phối do nhân dân tự làm. Những đoạn đường chính đến xã và liên xã do Nhà nước đầu tư thì cũng đã xuống cấp. 
 
 
Ông Lê Văn Lùng (Tư Lùng) xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên  
Không chỉ việc đi lại khó khăn mà đời sống kinh tế, xã hội nơi đây cũng còn khó khăn trăm bề. Do cách biệt quá xa với đô thị, cơ sở vật chất thiếu thốn, lưu thông chưa thuận tiện nhiều nên tất cả mọi sinh hoạt của người dân đều co cụm nơi nhóm chợ mỗi sáng tại trung tâm xã nhỏ nhoi. Nhiều học sinh cấp 1 phải đi học khá xa từ 10-15km do điều kiện ở các ấp trong đồng sâu, dân cư thưa thớt nên không đủ số lượng học sinh để mở thêm điểm trường. Do đặc thù vùng trũng nên người dân định cư dọc theo các tuyến kinh, cho nên Nhà nước không kịp đầu tư hết toàn bộ các tuyến giao thông nông thôn kết hợp đê bao. Việc làm cầu, làm đường ở nơi đây phần nhiều do thực hiện xã hội hoá và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ.

Tuy cuộc sống nơi “Ốc đảo miệt đồng” này có khó khăn nhiều thứ nhưng người dân nơi đây sống rất đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách” “Lá rách gói lá nát”. Người giúp người không kể giàu, nghèo. Người có công giúp công. Người có của giúp của. Có những người dành khoảng thời gian gần nữa cuộc đời sau để làm việc nghĩa, việc thiện chỉ vì tâm nguyện cùng đóng góp cho xã hội. Tiêu biểu như ông Lê Văn Lùng (Tư Lùng), năm nay trên 90 tuổi. Ông là một trong những bậc tiền bối về định cư nơi vùng đất này từ những ngày đầu khẩn hoang lập nghiệp. Hàng chục năm qua, Ông đã dành nguồn thu nhập các vụ lúa từ 5ha đất ruộng để làm việc nghĩa, việc thiện tại địa phương, từ việc xây nhà cho người nghèo, đóng góp và trực tiếp làm cầu, đường, giúp đỡ hộ nghèo khó khăn, hỗ trợ kinh phí mua xe chuyển bệnh, tang chế…Tuy hiện nay, tuổi già, sức yếu, bệnh tật triền miên không đi lại được nhiều, không trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội từ thiện cùng anh, em, con, cháu nhưng Ông Tư vẫn sẵn sàng đóng góp tiền của, tiếp sức vận động để chăm lo cho người dân ở địa phương và thực hiện các hoạt động công ích xã hội.

Không kém gì ông Tư Lùng, ông Võ Minh Luân cũng là một trong những mạnh thường quân có tiếng ở xã Tân Lập trong lĩnh vực xã hội, từ thiện. Cụ thể như việc Ông đã bỏ vốn mua 04 công đất ven trục lộ nông thôn từ năm 2012 và sang lắp mặt bằng cao ráo để làm nghĩa trang và được UBND xã chấp thuận. Chi phí đầu tư các hạng mục xây dựng khu nghĩa trang lên đến hàng trăm triệu đồng cũng do ông và các mạnh thường quân ở địa phương đóng góp. Nhiều năm qua, đã có hàng chục gia đình hộ nghèo ở địa phương đưa gần cả trăm người thân qua đời đến đây an táng. Đây là một trong những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng vàng đối với người nghèo xã Tân Lập. Việc làm của ông Luân xuất phát từ việc thấy cảnh vất vã, khó khăn của nhiều hộ nghèo mỗi khi có người thân qua đời thì lại không có nơi chôn cất, bởi vì nơi đây vùng trũng, thường xuyên bị ngập lũ nên chỉ có ruộng lúa, không có ai lên liếp, bờ cao để làm vườn vì rất tốn kém. Trước đây, mỗi khi mùa lũ về thì đâu đâu cũng là đồng nước mênh mông. Nếu có người dân qua đời vào mùa nước lũ mà gia đình nghèo không có nơi đất cao để chôn cất thì chôn cất như thế nào? Chỉ có nước cắm sào, gát hàng trên cao ngoài đồng ruộng, chờ nước rút mới đưa vào chôn cất. Đây cũng là tâm nguyện mà Ông Luân luôn canh cánh bên lòng và quyết chí thực hiện việc lập nghĩa trang ở địa phương cho bằng được để người dân thiếu điều kiện có nơi an táng cho người thân khi qua đời. Nghĩ là làm và tâm nguyện của ông Luân cũng trở thành hiện thực. Ở tuổi 70 nhưng ông Luân vẫn còn tiếp tục cuộc hành trình thiện nguyện tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện cùng với lớp đàn em, con, cháu ở địa phương để giúp ích cho người nghèo, cho cộng đồng xã hội với khả năng và những gì bản thân ông có thể làm được.

 
  Ông Võ Minh Luân xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên
Xã Tân Lập được hình thành từ năm 1979, một xã mới, được tách từ xã Tà Đảnh và xã Tú Tề thuộc huyện Bảy Núi trước đây. Phần nhiều là dân nghèo từ khắp nơi xa, gần đến đây khẩn hoang, lập nghiệp. Lớp người đến trước dìu bước người đến sau, chia sẻ từ cái ăn, cài mặc, nơi ở để bám trụ đợi chờ mùa vụ sản xuất. Từ cái tình, cái nghĩa ấy đã gắn chặt người dân ngày càng khắng khít hơn, sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “Tình làng, nghĩa xóm”. Mỗi khi nhà nào có đám, tiệc, hoặc có hữu sự thì cả xóm đều có mặt… Cũng vì tinh thần đoàn kết mà hàng chục năm qua ở xã Tân Lạp có mô hình rất nổi bật, đó là “Đội xây cất nhà từ thiện”. Ban đầu là tồ cất nhà từ thiện ấp Tân Thành với 12 người, dần dần nâng lên thành Đội xây nhà và đã quy tụ từ hàng chục người, rồi tăng lên gần cả trăm người thiện nguyện, các mạnh thường quân tại địa phương tham gia. Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có cây gỗ thì hiến, tặng cho đội cũng được… Lấy việc thiện làm niềm vui, giúp ích cho xã hội là phương chăm hoạt động của Đội xây cất nhà từ thiện. Đã ngót 40 năm qua, những người xây cất nhà từ thiện ở xã Tân Lập đã đóng góp tiền, của, ngày công lao động trị giá hàng tỷ đồng và xây dựng hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo, người già yếu neo đơn ở địa phương và các vùng lân cận. Mỗi căn nhà xây dựng bằng cây gỗ trị giá từ 10-30 triệu đồng tùy theo điều kiện đóng góp thêm của mỗi gia đình. Nhờ Đội xây cất nhà từ thiện mà trong thời gian qua ở xã Tân Lập không có hộ nhà ở tạm bợ, lụp sụp, xiêu vẹo. Nhà nào tệ lắm thì cũng được cất bằng bộ cột cây với mái lợp tôn.

Tiếp bước những đàn bác, chú, đàn anh ở địa phương, anh Nguyễn Văn Biên đã tham gia thiện nguyện cùng đội xây cất nhà từ thiện xã Tân Lập từ lúc tuổi thanh niên. Tuy cuộc sống gia đình anh còn nhiều khó khăn nhưng Anh Biên vẫn tham gia tích cực cùng với đội xây cất nhà để vừa học thêm nghề, vừa đóng góp phần nào công sức cho địa phương để giúp đỡ hộ nghèo khó khăn. Không có của đóng góp thì góp công lao động. Với tâm nguyện ấy, Anh Biên luôn nhiệt tình, xông xáo và sẵn sàng nhận các công việc do đội cất nhà giao. Dần dần, anh đã trở thành tay thợ khéo léo, giỏi nghề, tham gia xây cất hàng trăm căn nhà cho hộ nghèo khó khăn trong và ngoài địa phương. Hiện nay, ở tuổi 50, anh Biên vừa là thợ, vừa là người đứng mũi, chịu sào cùng với cả trăm anh, em trong đội luôn tích cực chia sẻ công việc xây cất nhà không chỉ ở địa phương mà các vùng lân cận khi có yêu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn.

Anh Nguyễn Quốc Trung, Chủ Tịch Hội khuyến học xã Tân Lập cũng là một trong những gương điển hình tiêu biểu ở địa phương. Anh đã được địa phương bình chọn gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhiều năm liền và đề nghị các cấp khen thưởng với mô hình vận động quỹ khuyến học và tham gia sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn. Mỗi năm Anh Trung vận động được từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng cho công tác khuyến học; vận động từ 20 triệu đồng đến trên 70 triệu đồng làm cầu, đường giao thông nông thôn. Nếu tình từ năm 2016 cho đến nay, Anh Trung đã vận động quỹ khuyến học và xây dụng cầu, đường giao thông nông thôn có đến cả tỷ đồng. Ngoài việc góp công, góp sức cho 02 lĩnh vực trên, gia đình anh còn hỗ trợ hàng chục triệu đồng mỗi năm cho các hoạt động xã hội từ thiện, các công trình công ích ở địa phương. Tuy cuộc sống gia đình của anh không mấy khá giả nhưng anh tham gia các hoạt động trên tinh thần thiện nguyện, đóng góp phần nào công sức để giúp ích cho xã hội, nơi vùng sâu còn lắm khó khăn. Tâm nguyện của anh là: ”Không để học sinh vì nghèo mà bỏ học”. “Không để hộ dân vì nghèo mà không xây dựng được nhà ở ổn định”, “Không để nơi có dân cư sinh sống mà không có cầu, đường lưu thông thuận tiện”. Tất cả những điều đó là động lực để anh Trung đến với các hoạt động xã hộ từ thiện, góp sức cùng địa phương chăm lo cho thế hệ trẻ, chia sẻ khó khăn cùng người nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.


Nhân dân ấp Tân Định, xã Tân Lập đóng góp công, của trãi đá cấp phối tuyến đường GTNT trong ấp

Ngày nay, xã Tân Lập đã có sự thay đổi đáng kể về đời sống, kinh tế. Nhờ khép kín được các tuyến đê bao 3 vụ nên bà con thường xuyên chủ động được nước tưới tiêu và trúng mùa các vụ lúa. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được trãi đá với nhiều cây cầu dây văng bắc qua kinh do thực hiện xã hội hóa và do Nhân dân đóng góp và tự xây dựng đã kết nối các tuyến đường chính giúp người dân thuận tiện lưu thông. Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng của xã vẫn còn nhiều công trình cần tiếp tục đầu tư và hỗ trợ của các ngành, các cấp, kêu gọi sự chung sức, chung lòng của người dân.

Những bông hoa thơm sẽ luôn tỏa sáng dù trong cuộc sống đời thường, cũng giống như trong xã hội vậy, nơi nào khó khăn, xuất hiện những tấm lòng vàng. Tin rằng, những tấm lòng vàng sẽ tiếp tục là những tấm gương điển hình tiêu biểu và lan tỏa rộng khắp ở các địa phương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để rồi đâu đó, nơi nào còn khó khăn sẽ tiếp tục xuất hiện những tấm lòng vàng./.

Hoàng Lê
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tịnh Biên
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36724351