Truy cập hiện tại

Đang có 120 khách và không thành viên đang online

Làm theo gương Bác Hồ

Về An Phú, nghe chuyện người cựu chiến binh nhân ái…

(TUAG)- Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và từng khoác trên người chiếc áo chiến sĩ Công an nhân dân, về hưu với quân hàm thiếu tá, ông Lê Thanh Nghị (ông Hai) vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Bất chấp tuổi già và bệnh tật, ông Hai ngày ngày gắn bó với hoạt động của Hội cựu chiến binh; từng phút từng giờ chăm lo cho mọi hoạt động của Trại từ thiện An Phú - nơi san sẻ yêu thương, kết nối mọi tấm lòng nhân ái.


Chân dung ông Hai Nghị 

Lan tỏa tình yêu thương

Từ năm 2005, ông Hai Nghị đã dùng những đồng lương hưu đầu tiên của mình để đi thăm, tặng quà cho những đồng đội cũ, người có công ở địa phương. Chứng kiến cảnh thiếu thốn, chật vật, nhà cửa xuống cấp của người đồng đội này, ông Hai đã bật khóc trong sự thương cảm. Trằn trọc cả đêm, ông Hai quyết định tìm về “chốn cũ” - Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang để chia sẻ, vận động sự đóng góp của mọi người. Ông cẩn thận và trân trọng ghi chép mọi sự đóng góp quý báu, từ tâm. Có được số tiền xây nhà cùng sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên trong đơn vị, căn nhà nghĩa tình đồng đội chẳng bao lâu sau đó đã được hoàn thành trong niềm hạnh phúc của mọi người.

Việc làm tử tế này của ông Hai đã mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, nhiều người bắt đầu rủ nhau chung tay hưởng ứng. Người góp công người góp của, người cho cây gỗ, người cho ngói, tol thiếc... thế là nhiều mái nhà tình thương được dựng lên. Đến nay, đã có 158 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa từ sự vận động của ông.

Cùng với hoạt động xây cất sửa chữa nhà cho các hộ nghèo, ông Hai Nghị ấp ủ tâm nguyện xây dựng Trại từ thiện để gắn kết những tấm lòng hảo tâm, cùng “nhường cơm, sẻ áo” và cũng là nơi an trú tinh thần của những cảnh đời nghèo khó, là nơi hết lòng hỗ trợ, tạo động lực và niềm tin để họ vươn lên trong cuộc sống. Biết được ý định này của ông, bà con Nhân dân và chính quyền địa phương hết lòng ủng hộ từ vật chất đến tinh thần. Trong năm 2013, nhờ sự hỗ trợ mặt bằng gồm 4 nền đất của DNTN Thủ Tuyền (thị trấn An Phú), ông Hai đã dùng số tiền dành dụm của mình cùng với sự ủng hộ, quyên góp của mọi người xây dựng nên Trại từ thiện An Phú. Lúc đầu, ông xây nhà thuốc nam, nhà để xe chữa cháy và nhà đóng hòm. Sau đó ông mở thêm các phòng chẩn trị Đông y; nhà cưa gỗ để cất nhà từ thiện; các gian hàng không đồng và trại cơm từ thiện để phục vụ những bữa ăn chay ấm lòng...

Ý tưởng Trại từ thiện của ông Hai đã trở thành hiện thực và duy trì hiệu quả cho đến nay, tất nhiên là trong niềm hân hoan, phấn khởi của bà con Nhân dân trong và ngoài thị trấn An Phú. Ban đầu, Trại từ thiện tập hợp chừng 10 thành viên, nay con số đã lên hơn 100 người, chia làm nhiều tổ nhỏ. Chẳng ai bảo ai, cứ đến giờ là mọi người tập trung lại, người nhóm lửa, người nhặt rau, người rửa chén, người phơi thuốc, người cưa cây, người châm cứu chẩn trị… Mọi việc như đã được sắp đặt bài bản. Ai cũng vui tươi, cười nói rộn ràng, chan chứa tình yêu thương và san sẻ.

Hằng ngày ông Hai tổ chức cho các tổ thành viên nấu gần 100 suất cơm từ thiện cho những người nghèo là bác tài xe ôm, cô bán vé số, anh thợ hồ, cháu học sinh… Ngày nào Trại từ thiện cũng đông đúc người ra kẻ vào. Trời hừng đông chừng hơn bốn giờ sáng đã có xe rước các cô ở Tổ thợ nấu đến Trại. Hiện có cả thảy 8 tổ gồm các bà, các dì ở các xã trên địa bàn huyện An Phú. Vì có lòng với công tác từ thiện nên họ kết nối với nhau đến Trại để chăm chút từng chảo bánh xèo, từng nồi bún và từng khẩu phần cơm canh... Các thợ nấu có người lớn tuổi nhất đã ngoài tám mươi, người nhỏ nhất thì cũng ngoài năm mươi tuổi, các bà các dì cho biết từ khi tham gia công tác thiện nguyện tại Trại từ thiện của ông Nghị, họ cảm thấy mình vui khỏe, tinh thần phấn chấn hẳn. Mọi người, ai cũng xem đây là ngôi nhà của mình, nên cùng nhau phụ giúp một tay, cùng chăm lo, hỗ trợ cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.


Quang cảnh chỗ cơm từ thiện

Đối với hoạt động cấp phát cơm từ thiện, ông Hai còn tinh tế, chu đáo đưa ra chủ ý để các tổ thợ nấu luân phiên trong tuần. Ông vui cười bảo: “Có như vậy thì người ăn sẽ đỡ cảm thấy ngán, vì mỗi bà thợ nấu sẽ có công thức và khẩu vị khác nhau”. Đấy, chỉ vì cái ngon của bà con mà ông phải bận tâm như thế, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho thấy tấm lòng hướng thiện của ông thế nào rồi. Không dừng lại ở đó, ông Hai còn luôn theo sát với tình hình thực tiễn, luôn tận tâm lắng nghe và dõi theo đời sống của bà con xứ mình, xem họ cần gì và khó khăn như thế nào rồi nhọc lòng lo nghĩ và tìm phương kế hỗ trợ thỏa đáng nhất. Như có lần ông Hai gặp một ông cụ phải gửi xe lắc để đi xe đò, qua cuộc trò chuyện tâm sự cởi mở, ông Hai thấu hiểu được nỗi khó nhọc của người già cả bệnh tật, ốm yếu phải lặn lội mưu sinh. Họ làm sao có thể điều khiển được chiếc xe lắc để vượt đoạn đường quá dài. Thế là ông Hai nghĩ ngay đến chuyện nâng cấp xe lắc bằng tay thành xe lắc điện. Từ năm 2018 đến nay, ông đã cho chế tạo 50 chiếc xe lắc, trong đó có 10 xe lắc điện.

Chẳng những vậy, vào những ngày không quá nhiều việc, ông Hai còn cùng Tổ thuốc nam ngược lên vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang), có khi ra đến Phú Quốc để hái thuốc nam về phơi khô, dự trữ một phần; số còn lại thì cung cấp cho các nhà thuốc trên địa bàn để bốc thuốc miễn phí cho bà con. Ông Hai còn tìm, mời lương y về, xin phép ngành chức năng địa phương, mở Phòng chẩn trị Đông y, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Vận động các mạnh thường quân trong và ngoài huyện mở rộng, xây cất thêm phòng châm cứu, phòng thuốc nam từ 4 lên 6 phòng, từ 13 lên 26 máy châm cứu và làm thêm 10 giường trị bệnh, tổng trị giá lên 70 triệu đồng. Hiện nay số lượng người đến khám bệnh hàng ngày trên 200 người (châm cứu, xông thuốc...) và bốc trên 1000 thang thuốc. Vào thứ hai và thứ ba hàng tuần, số lượng người đến bốc thuốc đông kín cả Trại.


Tổ phơi thuốc nam

Thời gian gần đây, lương y Tư Phạy chỉ có thể đến góp công sức vào buổi sáng vì cô còn phải về tưới mấy công nhãn của gia đình; thế là mặc dù chưa khỏe nhưng lương y Hai Nghị vẫn sẵn sàng túc trực ở Phòng chẩn trị để khám chữa bệnh miễn phí cho bà con. Theo lời của dì Năm đang chữa trị tại đây thì dì biết ơn ông Hai lắm. Bởi lẽ hồi mấy năm trước, dì Năm phát bệnh tai biến nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ ông Hai và các lương y ở Trại từ thiện tận tình cứu chữa, giờ đây dì đã phục hồi sức khỏe, có thể đi đứng trở lại. Dì Năm cũng như những người đến khám chữa bệnh tại đây, đều có chung niềm cảm kích những người có tấm lòng vì mọi người như ông Hai; họ cầu chúc cho ông cũng như những người hảo tâm luôn mạnh giỏi để tiếp tục duy trì Trại từ thiện ý nghĩa này.

Giờ đây người dân địa phương quanh vùng lúc khó khăn, hoạn nạn đều nhớ tới ông Hai Nghị - Thiếu tá Công an về hưu hết lòng với công tác từ thiện. Bởi ông luôn có mặt, giúp họ khắc phục những khốn khó, nạn tai bất ngờ. Từ năm 2011, khi được tài trợ 02 chiếc xe chữa cháy, ông Hai đã hỗ trợ cho địa phương rất nhiều trong công tác phòng cháy chữa cháy kịp thời, ngăn chặn những đám cháy lây lan diện rộng (trong khi chờ xe cứu hỏa từ huyện, tỉnh tới nơi). Chưa hết, những phần gỗ thừa, không phù hợp cho việc xây nhà, ông Hai còn tận dụng thuê thợ cùng các thành viên đóng hòm để lo hậu sự cho những hoàn cảnh nghèo khó khi mất. Trong năm 2019, một doanh nghiệp tại địa phương ủng hộ cho chiếc xe tải chuyên chở thuốc nam và một xe tang. Ông Hai bắt đầu lập đội mai táng miễn phí. Không chỉ vậy, đối với những hộ quá khó khăn, Trại từ thiện còn hỗ trợ tiền và vật dụng tổ chức tang lễ.

Rảo một vòng quanh Trại, chúng tôi còn khá bất ngờ với các điểm “Gian hàng không đồng”. Thì ra nơi đây, không gian cảnh vật còn giữ gần như nguyên vẹn nét quê và con người đối đãi với nhau trọng tình đượm nghĩa đến như thế. Số quần áo được người dân địa phương mang đến san sẻ rất nhiều, hầu như ngày nào cũng có. Thế nên, gian hàng không đồng rất “đắt khách”. Số nhận và cho ủng hộ quân bình cả ngàn ký quần áo trên một tháng. Sau mỗi đợt phân phát, số còn lại, ông Hai cho xe chuyển đi ủng hộ người dân miền Trung.

Ở mỗi chặng đường hoạt động và cống hiến, ông Hai đã hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng và nhiều khen tặng cao quý khác. Tuy là vậy, trong cuộc sống đời thường, ông Hai ôn hòa, gần gũi và luôn đối đãi ân cần, tử tế với mọi người. Nay ông đã 72 tuổi, vậy là hơn 15 năm ông đã “lăn xả” với các hoạt động từ thiện, công tác xã hội của địa phương. Ông điều phối, sắp xếp các hoạt động tại Trại từ thiện để lo từng bữa ăn, chăm sóc từng ca bệnh, xây cất từng căn nhà, nhận nuôi dưỡng hàng tháng cho hai bé mồ côi.... Bởi thế, về An Phú, khi nghe nhắc đến tên ông, nhiều bà con xúm lại tấm tắc khen và cho rằng ở đây việc gì khó đã có ông Hai lo tiếp!

Bất kể ngày đêm, hễ ở đâu “có việc” là có ông Hai Nghị. Thấy được việc làm hết sức ý nghĩa và chân chính của ông, các tiểu thương và bà con Nhân dân trong khu vực thị trấn An Phú, kẻ bỏ công, người góp sức xây dựng hoạt động từ thiện ngày một phát triển.

Bởi “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Trại từ thiện với nhiều gian, nhiều mái rộng rãi, thoáng mát; hai mặt tiền tiếp giáp hai đoạn đường quê tráng nhựa phẳng lì. Thật đặc biệt và ấn tượng ở chỗ vì không xây cất cùng thời điểm nên nhiều gian trại không thống nhất về quy cách xây dựng, nhưng chính điều này càng tô đậm ý nghĩa về sự chắp nối và mở rộng theo thời gian. Hoạt động từ thiện xã hội nơi đây cứ mở rộng dần, cốt yếu là để có thể chăm lo toàn diện được những nhu cầu thiết yếu, đời sống của người dân. Tấm lòng người dân quê thì bao giờ cũng rộng mở như thế. Tinh thần tương thân tương ái là nét đẹp vốn quý tự bao đời nay. Người có điều kiện thì cùng chung sức cứu giúp người kém may mắn hơn. Và cửa trại từ thiện luôn rộng mở hoan hỷ chào đón, chăm lo từ bửa ăn đến cái mặc, sức khỏe, nơi ở và cả lúc nạn tai, qua đời của con người... Mà “người đầu tàu” dẫn dắt mọi hoạt động, người định hướng sự rộng mở ấy không ai khác chính là ông Hai Nghị – người Cựu chiến binh lặng lẽ giữa đời thường.

Được tiếp cận chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Chi bộ và Hội cựu chiến binh triển khai, ông Hai nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa lời dạy của Bác: “Việc thiện dù nhỏ mấy cũng phải làm”. Đến tuổi về hưu, ông Hai cũng như bao nhiêu anh chị em về hưu khác, ai muốn cống hiến phần công sức còn lại cho địa phương, cho xã hội... Ông thuật lại mọi chuyện vanh vách và xem đó như là lẽ đương nhiên mà ông phải làm thôi, không nề hà công sức và cũng không xem đó là việc gì to tát lớn lao. Dẫu cho đi đứng không còn nhanh nhẹn, mắt thâm quầng và có nhiều bệnh trong người vì tuổi đã cao. Dẫu cho bác sĩ và mọi người đều khuyên ông cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng để chuẩn bị phẫu thuật, điều trị áp xe trực tràng. Dẫu cho thế nào đi nữa thì đối với ông, từ thiện chính là niềm vui sống ý nghĩa trọn vẹn nhất. Nếu như mười lăm năm trước, từ thiện còn mang ý nghĩa là bố thí thì những năm gắn bó với hành trình làm từ thiện đã cho ông cái nhìn sâu sắc hơn. Làm từ thiện từ tâm, thể hiện bằng hành động, cử chỉ, thái độ, việc làm... cốt yếu là để nhân rộng và lan tỏa cái tình người, nghĩa lý sống ở đời. Thông qua những việc làm dành cho công tác xã hội của mình, ông còn gửi gắm vào đấy những thông điệp giáo dục giới trẻ về tinh thần “lá lành đùm lá rách”, đặc biệt là giáo dục con cái trưởng thành hơn trong cách nghĩ, cách sống sao cho phải đạo.

Hiện tại, ông Hai hãy còn đang đeo lủng lẳng bên mình một số thiết bị y tế hỗ trợ sinh hoạt nhưng ông vẫn xông xáo lo việc này, sắp xếp việc kia. Trông thần thái ông không giống người bệnh chút nào, ông kể mọi chuyện có lớp lang, có trật tự, có mở đầu, có đúc kết, có nhấn mạnh và trọng tâm. Dường như ngày tháng có làm bào mòn, hao gầy dáng vóc con người, nhưng cái tinh thần và tâm huyết vì xã hội trong ông vẫn nóng hổi, rạng ngời. Tiếp xúc với ông, người đối diện như được truyền nguồn năng lượng tích cực và cảm hứng hướng về điều thiện lành. Bởi nói sao mà ông dành ra hơn mười lăm năm đeo đẳng với hoạt động từ thiện này mà không hề biết mệt mỏi. “Ai cũng biểu tôi nghỉ đi, lo sức khỏe cho bản thân trước... Còn hai tháng rưỡi nữa phải phẫu thuật rồi. Nhưng mà mùa nước sắp lên mà mấy căn nhà chưa cất kịp. Sao tôi nghỉ cho đành lòng? Làm gì cũng cần cái duyên và cái tâm. Mà tôi thì có duyên với hoạt động này lắm. Được bà con nơi đây thương quý, tự nguyện đóng góp thôi, chứ tôi chẳng phải bận tâm đi vận động nhiều đâu...”. Khi nói đến đây, ánh mắt ông Hai như ánh lên niềm xúc động vô ngần. Ông thủng thẳng tiếp lời: “Từ lâu rồi, tôi đã cai rượu và bỏ thuốc lá luôn, có thế mới vừa tốt cho sức khỏe mà vừa có tiền đóng góp cho hoạt động từ thiện”.

Với khí chất cương nghị và tinh thần làm việc chủ động, khoa học của người từng là chiến sĩ công an, ông Hai điều phối mọi việc tại Trại từ thiện chỉnh chu và bài bản. Biểu bảng ở Trại được ông ghi chép cẩn thận, rõ ràng và đầy đủ, có cả bảng thông báo, bảng lưu ý, bảng danh sách mạnh thường quân đóng góp cho từng hoạt động từ thiện, bảng phương hướng hoạt động cụ thể theo năm... Thông qua đó, ông Hai nêu bật phương châm, nguyên tắc và đường hướng hành động của Trại. Đến phụ giúp việc của Trại Từ thiện, cô Phỉ - giáo viên tiểu học về hưu, nhà ở cồn Vĩnh Trường và chú Ngọn làm nghề phụ hồ đều có chung nhận định rằng: “Ông Hai làm việc có trách nhiệm, có tâm và đâu ra đó. Tất cả mọi hoạt động ở đây đều trên tinh thần tự giác, thiện nguyện hết. Mọi sự đóng góp được mọi người thực hiện theo ngày cố định trong tháng và được ông Hai ghi nhận lên bảng và vào sổ kỹ lắm. Ông cũng công khai với mọi người mọi khoản chi tiêu. Đến cuối năm tổng kết mọi hoạt động, số dư còn lại được dùng tặng quà, cứu trợ gạo (2-3 tấn) cho bà con nghèo và tổ chức cho đoàn từ thiện đi tham quan. Nói chung ông Hai rất nguyên tắc; vào đây phục vụ mà ai có ý nghĩ tư lợi, nhận tiền biếu tặng của bà con thì ông Hai không chào đón đâu”.

Cũng bởi sự thấu đáo, nhìn xa trông rộng mà nhiều lần có người đề nghị ông Hai đặt Thùng từ thiện để có thêm chi phí phục vụ công tác từ thiện sâu rộng hơn, ông Hai đều khước từ. Ông cho rằng, đa phần những người đến nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, đặt Thùng từ thiện đành rằng mỗi người góp chút công đức nhưng những người không có tiền đóng góp sẽ sinh tâm lý ngại ngùng, áy náy. Nếu ai có thiện tâm đóng góp thì đăng ký để ghi bảng tri ân thì sẽ vẹn vẻ đôi đường hơn. Tấm lòng của ông Hai, cách nghĩ của ông thật đáng quý thay!

Vui mừng chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Hai hồ hởi cho biết: Đã xin với Huyện chủ trương cho mở thêm “Láng trại không đồng” để bà con ở xa có thể lưu trú lại qua đêm. Vì từ trước đến nay, rất nhiều người bệnh điều trị dài ngày đã phải chịu cảnh đi về bất tiện và tốn kém chi phí xe cộ. Nếu được sự đồng thuận, nhất trí cao thì tại Láng trại này, ông Hai còn mong muốn mở một địa điểm để sinh hoạt đờn ca tài tử, hát hò... Theo ông đây còn là liệu pháp tinh thần để giúp người bệnh xoa dịu nỗi đau, mau chóng phục hồi thể trạng, sức khỏe.

Khi được hỏi, nhiều hoạt động như thế, ông Hai quản lý, sắp xếp làm sao cho xuể? Ông Hai phì cười, từ tốn phân trần: “Chỉ cần có tấm lòng là làm được hết, huống hồ ở đây có hàng trăm, hàng nghìn tấm lòng cùng chung tay góp sức. Tôi có bốn người con đều đã yên bề gia thất, có công việc ổn định nên tôi toàn tâm toàn ý lo việc từ thiện xã hội rồi. Tôi còn khỏe ngày nào thì tích cực đóng góp ngày đó. À, ngày mai là tới ngày đi lấy cây gỗ trên xã Phước Hưng về. Phải nhanh chóng cất cho xong cái nhà cho chú Sơn chạy xe lôi. Nhà chú ấy ở mé nước, mà mùa nước thì sắp tới một bên rồi...”.

Lời nói của ông Hai làm chúng tôi bất chợt nhớ đến câu nói của Albert Schweitzer (*): “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”. Và việc làm của ông Hai đã góp phần thiết thực vào công tác an sinh xã hội ở địa phương, thể hiện phẩm chất tốt đẹp, xứng đáng với truyền thống của Hội cựu chiến binh; góp phần tô thắm thêm màu áo chiến sĩ Công an nhân dân!

______________________
(*) Albert Schweitzer là nhà thần học, nhà triết học, bác sĩ người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đã dùng số tiền thưởng 33.000$ - Giải Nobel Hòa Bình năm 1952 để mở một bệnh viện cho người hủi tại Lambarene.

Huỳnh Thị Cam
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36712364